Cơ sở nào để thương lượng mức lương với nhà tuyển dụng?

Việc thương lượng lương là một kỹ năng quan trọng của một người tìm việc. Không chỉ những người non trẻ kinh nghiệm làm việc, ngay cả những người đi làm lâu năm chưa chắc đã nắm rõ những cơ sở để thương lượng lương với nhà tuyển dụng trong quá trình phỏng vấn.

Mức sàn của thị trường dành cho vị trí bạn ứng tuyển

Bao giờ cũng vậy, thị trường lao động luôn có một khoảng lương chung dành cho mỗi vị trí tuyển dụng. Có thể giữa các công ty sẽ có sự chênh lệch nhưng chắc chắn là không đáng kể. Vì lẽ đó, trước khi tham gia phỏng vấn tìm việc làm ở quận 12, quận 9 hay bất kỳ nơi nào khác, bạn cần thực hiện bước tìm kiếm thông tin trên các trang tin tuyển dụng hoặc tìm hiểu từ những người quen biết để xem cùng một vị trí, cùng yêu cầu công việc, cùng số năm kinh nghiệm, cùng quy mô công ty, nhà tuyển dụng đang trả mức lương bao nhiêu. Từ đó, bạn có thể đưa ra mức cao hơn mức sàn của thị trường nhưng hãy đảm bảo rằng con số đó không quá cao so với mặt bằng chung.

Có hai gợi ý dành cho bạn:

– Hãy đưa con số cao hơn 15% – 20% so với mức lương bản thân thực sự mong muốn.

– Không cần thiết phải thương lượng lương khi mức lương bạn muốn tăng nhỏ hơn 10% so với mức lương công ty đề xuất. Tương tự với gợi ý 1, nếu đã thương lượng thì phải cao hơn 15% trở lên.

4Khối lượng công việc và trách nhiệm được giao

Sau khi tìm hiểu thông tin ở bước 1, bạn cần tiến hành so sánh, đối chiếu với bảng mô tả công việc để đánh giá xem liệu mức lương đó có tương xứng với khối lượng và yêu cầu công việc hay.

Ví dụ: Một công ty tuyển dụng vị trí Nhân viên Marketing, lương 10 triệu đồng/tháng. Yêu cầu ngoài kỹ năng lập kế hoạch, xây dựng các chiến dịch truyền thông sáng tạo còn đòi hỏi kỹ năng chụp ảnh, dựng phim, sử dụng thành thạo phần mềm photoshop, có khả năng viết content và thông thạo các công cụ quảng cáo… Liệu bạn cảm thấy mức lương của một nhân viên Marketing có xứng đáng để bạn gánh vác trách nhiệm của một phòng Marketing hay không?

Bên cạnh đó, đừng quên cân nhắc xem mức lương này có phù hợp với mong muốn của bạn và có đáp ứng được nhu cầu cuộc sống cơ bản của bạn hay không? Bạn có thể đưa ra một phép tính nhẩm nhanh chóng dựa trên các khoản chi tiêu sau:

– Chi phí cố định: thuê nhà, điện nước, xăng xe…
– Chi phí chi tiêu cá nhân hàng tháng: ăn uống, mua sắm, cưới hỏi, sinh nhật…
– Chi phí phụ giúp gia đình (nếu có).
– Một khoản tiết kiệm phòng khi bất trắc (ít nhất 10% quỹ lương).
– Chi phí đầu tư phát triển bản thân.

Quy mô doanh nghiệp mà bạn ứng tuyển

Các công ty đa quốc gia và các tập đoàn lớn sẽ có mức lương cao hơn nhiều so với các công ty vừa và nhỏ nhờ có tiềm lực kinh tế vững mạnh. Điều đó đồng nghĩa với việc yêu cầu của các công ty này dành cho ứng viên sẽ cao hơn nhiều so với các công ty vừa và nhỏ, tỷ lệ chọi vì thế cũng luôn được duy trì ở mức cao hoặc rất cao.

Thực tế này còn cho thấy quỹ lương của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng hạn chế hơn nhiều so với các doanh nghiệp lớn. Vì thế, họ thường tập trung tuyển dụng những nhân viên “đa nhiệm”, biết mỗi thứ một chút và sẵn sàng chấp nhận mức lương không cao.

5

Tính cấp thiết của vị trí tuyển dụng

Hãy tập trung trả lời các câu hỏi sau:

– Tính cấp thiết của vị trí đó đối với sự phát triển của công ty: Cùng một vị trí nhưng lúc cần gấp thì công ty sẵn sàng trả lương cao hơn.

– Cung cầu thị trường của vị trí đó: Có những thời điểm, nhiều công ty cùng tuyển một vị trí nhưng thị trường ít ứng viên có kinh nghiệm và kỹ năng phù hợp thì công ty buộc phải trả mức lương cao hơn để tăng tính cạnh tranh.

– Trong công ty hiện tại có nhiều người làm cùng vị trí với bạn hay không: Nếu chỉ mình bạn “độc quyền” thì việc thương lượng mức lương cao sẽ khả thi hơn.

Biết mình biết ta

Để thương lượng lương hiệu quả, hiểu công ty cần gì và bản thân mình có thể đáp ứng được mức độ nào là điều vô cùng quan trọng. Đừng trông đợi vào bốn chữ “việc nhẹ lương cao”. Cần hiểu bản thân đang ở vị trí nào, tìm hiểu thật kỹ về công việc, công ty và tự đánh giá khả năng đáp ứng của mình trước khi đưa ra lương mong muốn. Lưu ý:

– Tự tin nhưng không quá phô trương về bản thân: Hay nói cách khác là phóng đại về khả năng của chính mình. Nhà tuyển dụng đủ dày dặn để nhìn thấu những thứ bạn sở hữu.

– Có thể bạn không giỏi nhưng bạn có những điểm đặc biệt, có những tố chất và kỹ năng thích hợp cho vị trí ứng tuyển.

Hẳn nhiên, khi bạn là một ứng viên dày dặn kinh nghiệm và có năng lực vượt trội, doanh nghiệp hoàn toàn có thể thương lượng mức lương cao và đãi ngộ hậu hĩnh để chiêu mộ nhân tài. Vậy nên, trên tất cả, hãy không ngừng trau dồi bản thân, nâng cao vị thế của mình và luôn biết mình là ai trước khi tham gia bất cứ buổi phỏng vấn nào.

6Trang Đoàn

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN