Qua lời kể của những người bạn, tôi hình dung chị là một phụ nữ năng động, khéo léo và giỏi việc kinh doanh. Cho đến khi có dịp gặp gỡ và trò chuyện cùng chị, tôi còn nhận ra ở chị luôn tràn đầy năng lượng và “máu lửa” với nghề. Và một điều vô cùng trân trọng rằng chị luôn đặt nặng việc xây dựng những mối quan hệ chân tình giữa người và người trong thời buổi kinh tế kinh doanh đầy tính cạnh tranh.
- Trần Thị Thu Trang: “Sáng tạo là yếu tố sống còn”
- Trần Thị Cẩm Tú: “Không có con đường nào khác ngoài tiến lên phía trước”
- Ninh Thị Ty – Người phụ nữ khác lạ
Chào chị Nguyệt. Trong vô số những ngành nghề kinh doanh, vì sao chị lại chọn đi theo ngành sản xuất thực phẩm, cụ thể là sản phẩm rong nho?
Năm 2004, nhờ uy tín làm ăn trước đó mà Công ty TNHH Trí Tín có mối giao hảo tốt với các đối tác Nhật Bản. Qua họ, chúng tôi mới biết được sản phẩm Rong Nho Biển, gọi theo tiếng địa phương là “Umibudo” hay “Green Caviar”. Đây là loại sản phẩm sạch hoàn toàn từ thiên nhiên, có giá trị dinh dưỡng rất cao và rất tốt cho sức khỏe người dùng, vì thế mang lại giá trị kinh tế lớn. Lúc bấy giờ thị trường Việt Nam cũng chưa xuất hiện loại sản phẩm này. Vì vậy chúng tôi quyết định nhập nguồn rong giống từ Okinawa – Nhật Bản về Việt Nam, đầu tư nghiên cứu và nuôi trồng tại các vùng biển sạch ở Khánh Hòa cho đến nay.
Trong một lần trả lời trên Việt Báo gần đây, PGS- TS Nguyễn Đình Hòe (Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) đã có ý kiến quan ngại về nhiều vấn đề liên quan đến đối tượng Rong Nho Biển như sau: “Rong Nho Biển có khả năng tích lũy cao các loại kim loại nặng như: đồng, chì, kẽm…”; “phát triển cực thịnh trong các vùng vịnh bị ô nhiễm”; “bản thân Nho Biển cũng tự tiết ra chất độc (Alkaloid caulerrpin) để chống lại các loài ăn Nho Biển. Chất này cũng gây độc cho người”. Chị nghĩ sao về vấn đề này?
Đây là một câu hỏi hay. Cá nhân tôi hoan nghênh và đánh giá cao những ý kiến này vì đã thể hiện đúng trách nhiệm của một nhà khoa học.
Bạn biết đó, một sản phẩm thực phẩm dù bản chất của nó tốt đến đâu, nhưng nếu không được nuôi trồng và chế biến theo đúng tiêu chuẩn vệ sinh thì vẫn có thể trở thành mối nguy hại cho sức khỏe. Do đó, sản phẩm rong nho của Trí Tín từ khâu nuôi trồng, chăm sóc, thu hoạch, đến chuyển vào nhà xưởng chế biến đều được kiểm soát chặt chẽ và nghiêm khắc theo đúng các tiêu chuẩn quốc tế như GMP, HACCP. Cơ quan quản lý về thuốc và thực phẩm của Hoa Kỳ cũng đã kiểm định và cấp chứng nhận FDA cho sản phẩm rong nho Trí Tín được phép nhập khẩu vào thị trường Mỹ từ đầu năm 2014 đến nay. Đây cũng là điểm khác biệt giữa rong nho Trí Tín và những loại sản phẩm rong nho thương hiệu khác trên thị trường.
Việc rong nho Trí Tín được phép xuất khẩu và có mặt ở các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…đã là bảo chứng tốt nhất cho chất lượng sản phẩm của chúng tôi hoàn toàn phù hợp với sức khỏe người tiêu dùng.
Trong thời buổi mà an toàn thực phẩm là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng, chị làm sao để giữ vững chất lượng cho sản phẩm?
Tôi chỉ dựa vào một nguyên tắc là không được chủ quan. Công ty chúng tôi thường xuyên có những buổi học chuyên đề về chất lượng của sản phẩm dành cho công nhân, giúp họ hiểu rõ sản phẩm họ làm ra. Bản thân công nhân phải ý thức được rằng họ đang chịu trách nhiệm với sức khỏe của cộng đồng và tự hào về sản phẩm thì họ mới cẩn trọng trong công việc. Bên cạnh đó, công ty luôn kiểm soát các khâu thực hiện nghiêm túc những quy phạm về an toàn vệ sinh sản xuất theo quy định hệ thống HACCP.
Xin hỏi chị một chút về công tác lãnh đạo. Việc quản lý một công ty sản xuất thực phẩm có gì khác so với các ngành nghề khác?
Tùy theo từng ngành nghề và đối tượng sản xuất khác nhau sẽ phải có những hình thức quản lý khác nhau để phù hợp, ngay cả trong cùng một doanh nghiệp cũng vậy. Đối với anh chị em lao động phổ thông, họ quan tâm phần lớn nhất là chế độ tiền lương và phụ cấp. Tuy nhiên ở những nhân viên có trình độ cao hơn như: kỹ sư, cán bộ nghiên cứu, quản lý… ngoài chế độ lương bổng, họ sẽ quan tâm đến những nhu cầu khác như: điều kiện làm việc, môi trường đồng nghiệp, hướng phát triển thăng tiến trong nghề nghiệp…
Làm thế nào để chị luôn giữ được tâm huyết cho mình và truyền lửa cho nhân viên cũng như doanh nghiệp?
Trước hết bản thân mình phải có lòng đam mê với việc mình làm, gắn với tinh thần trách nhiệm cao và suy nghĩ luôn lạc quan tích cực. Với công nhân, phải biết chia sẻ, động viên nhưng luôn nghiêm túc. Với khách hàng và người tiêu dùng, phải biết lắng nghe, tiếp thu và khắc phục khuyết điểm cũng như phát huy ưu điểm. Cách tôi trân trọng thành phẩm nhân viên làm ra, cách tôi chăm chút từng khâu trong quy trình và thể hiện niềm vui khi sản phẩm có những bước tiến xa hơn có lẽ đã truyền thêm niềm tin và lửa nghề cho các bạn. Với tôi, thành công của Trí Tín là thành công của cả tập thể.
Là một doanh nhân đi trước và thành công, chị có thể dành một vài chia sẻ đến các nhà quản lý trẻ đang khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm?
Tôi cũng không dám tự cho rằng bản thân đã có bề dày kinh nghiệm để cho ra những lời khuyên. Theo tôi nghĩ, khi làm việc gì bạn cũng nên bắt nguồn từ “cái Tâm” và phải suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định. Xin đừng cho phép bản thân tự mãn mà phải biết khiêm tốn để lắng nghe và học hỏi, nhưng cũng không được tự ti.
Một điều quan trọng người làm kinh doanh cần nhớ: Một người dù có giỏi đến đâu đi chăng nữa, khi chỉ một mình cũng khó có thể làm nên việc lớn. Vì vậy luôn cần phải có những người cộng sự hợp tác và giúp đỡ. Bản thân mình cần phải biết làm thế nào để các cộng sự tin tưởng, thương mến mình và mong muốn được gắn bó làm việc lâu dài với mình. Phải xây dựng cho được “tình người” trong tất cả các mối quan hệ. Đó là nền tảng để cho ta xây dựng nên những thành quả tốt đẹp.
Mỹ Nguyễn (Phụ Nữ Ngày Nay)