Sinh viên mới ra trường được xem là thế hệ trẻ, những người có đầy đủ năng lực cũng như lòng nhiệt huyết sẵn sàng cho công việc mới. Tuy nhiên, trên thực tế thì mơ ước về tương lai rộng mở này cũng mang đến cho họ nhiều áp lực, lo lắng khi tìm việc làm.
- 5 kỹ năng cần thiết với người làm công việc SEO
- 5 hành động khiến bạn “mất điểm” khi đi phỏng vấn
- 5 dấu hiệu của nhân viên có tinh thần trách nhiệm
Dưới đây là một số bí quyết để vượt qua nỗi lo đó từ các chuyên gia nhân sự của website CareerLink.vn.
Nghiêm túc lựa chọn công việc
Trong quá trình học tập, hẳn là có nhiều bạn tự vấn bản thân “Ra trường sẽ làm gì?” hoặc “Bản thân thích hợp với môi trường công việc nào?”. Đối với một ngành nghề sẽ có nhiều hướng đi khác nhau nên việc lưỡng lự không biết chọn như thế nào là điều dễ hiểu đối với những sinh viên mới ra trường.
Để quá trình tìm việc bớt áp lực, điều bạn nên thực hiện đầu tiên chính là khoanh vùng và thu hẹp các lĩnh vực nghề nghiệp để có thể dễ dàng đưa ra quyết định. Bạn cần phải tìm hiểu xem mình có đam mê với nghề nào, sức cạnh tranh trong ngành, năng lực và những phẩm chất con người có thể đáp ứng được yêu cầu công việc đó hay không. Như vậy thì mới không cảm thấy lo lắng khi tìm việc và ngay khi bắt đầu công việc tương lai.
Tích lũy kinh nghiệm
Sau khi đã xác định được hướng đi, bạn cần chú trọng việc tích lũy kinh nghiệm làm việc. Vì trong thời buổi hiện nay, không có nhiều nhà tuyển dụng đánh giá khả năng chỉ qua tấm bằng đại học. Họ muốn thấy được thực lực của ứng viên bằng trải nghiệm thực tế, bằng các kỹ năng liên quan. Đồng thời những điều này sẽ giúp ứng viên nâng cao sức cạnh tranh của mình khi tìm việc. Vậy đối với những sinh viên mới ra trường thì có thể tích lũy kinh nghiệm như thế nào?
Trước khi có được một vị trí chính thức tại công ty, bạn sẽ phải trải qua các kỳ thực tập từ 3-6 tháng. Đây là khoảng thời gian mà bạn có thể chủ động lựa chọn môi trường mà mình muốn hướng đến cho công việc chính thức sau này. Chẳng hạn như sinh viên ngành Đồ họa có thể thực tập ở các công ty chuyên về thiết kế đồ họa, sinh viên ngành Kinh tế nên thử ứng tuyển vào vị trí nhân viên kinh doanh,…
Tất cả những kiến thức thực tế và kỹ năng học hỏi được từ thời gian làm thực tập sinh hoặc nhân viên bán thời gian đều vô cùng quý báu. Bạn hoàn toàn có cơ hội trải nghiệm công việc yêu thích và tích lũy nhiều vốn sống cho mình.
Chuẩn bị một chiếc CV chuẩn
Để có được một chiếc CV chuẩn, thì bạn cần phải chú ý một số vấn đề sau đây:
– Sử dụng email cá nhân với tên thật;
– Các đề mục được trình bày rõ ràng, súc tích và dễ hiểu;
– Kinh nghiệm làm việc chỉ đề cập đến công việc có liên quan đến vị trí ứng tuyển;
– Nếu có kỹ năng mềm, bằng cấp khác đều có thể điền vào CV;
Trang bị kỹ năng ứng tuyển
Quá trình tìm việc sẽ phải trải qua nhiều bước khác nhau như gửi CV, phỏng vấn trực tuyến, phỏng vấn trực tiếp,… Và có nhiều bạn sinh viên mới ra trường cảm thấy lo lắng khi mình chưa có kinh nghiệm phỏng vấn. Do đó, ngoài chuyên môn thì những kỹ năng mềm liên quan đến ứng tuyển như kỹ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề, trả lời phỏng vấn,… đều cần phải được chuẩn bị thật kỹ càng.
Bạn nên dành thời gian trau dồi những kỹ năng nêu trên qua các hoạt động xã hội, các mối quan hệ… Điều này không chỉ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn khi tìm việc mà còn có thể chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy được thực lực của bản thân.
Tìm cho mình một người hướng dẫn
Đối với sinh viên mới ra trường, thế giới rộng lớn bên ngoài sẽ có rất nhiều điều lạ lẫm mà họ chưa từng biết đến. Điều này có thể gây ra sự lo lắng, bất an nhưng trên phương diện nào đó, những điều mới lạ cũng sẽ rất thu hút. Lúc này, bạn cần tìm cho mình một người hướng dẫn, để giúp cho bản thân có được những quyết định đúng đắn.
Người hướng dẫn này có thể là một người thân trong gia đình, người đi trước có kinh nghiệm,… Họ có thể đưa ra ý kiến, lời khuyên chân thành nhất để bạn biết được mình nên làm gì tiếp theo, có thiếu sót nào cần khắc phục… Và đôi khi, người hướng dẫn chính là chỗ dựa tinh thần để giúp bạn vượt qua nỗi lo khi bắt đầu tiếp cận với thế giới mới.
Nói tóm lại, quá trình tìm việc của sinh viên mới ra trường cũng có rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nếu các bạn dành thời gian chuẩn bị những kiến thức và kỹ năng liên quan thì sự lo lắng sẽ vơi bớt phần nào, thay vào đó là tinh thần lạc quan để bắt đầu những bước đi vững chắc trong tương lai.
Pha Lê