Bản lĩnh của nữ quản lý trẻ tuổi

Vì sao bạn mãi là nhân viên chứ không trở thành quản lý được? Bạn cần những tố chất nào để thăng tiến ở tuổi 30? Đâu là điểm yếu của một nữ quản lý?

Bản lĩnh của nữ quản lý trẻ tuổi

Cẩn thận và không chấp nhận rủi ro 

Tại các doanh nghiệp hiện nay, việc giới nữ ở tuổi 30 đảm nhiệm các vị trí CEO, giám đốc, trưởng phòng… không còn là của hiếm. Bỏ qua yếu tố “con ông cháu cha”, năng lực và kỹ năng mềm là những điều quyết định việc bạn có thể trở thành quản lý được hay không.

Theo ông Oliver Đỗ, giám đốc điều hành Dynasty Investments, nhìn chung nữ CEO Việt cảm tính nhưng họ có ưu thế là rất cẩn thận, không chấp nhận nhiều rủi ro như nam giới. Tuy nhiên, chấp nhận rủi ro lại là một trong những tiêu chí của nhà quản lý nên tính cẩn thận này vô hình chung khiến phụ nữ tự làm khó mình trong vai trò điều hành.

Trong khi đó, bà Đỗ Thùy Dương, giám đốc công ty cổ phần Hội tụ nhân tài (Talent pool) cho rằng cảm xúc, sự tinh tế và nhạy cảm của phụ nữ trở thành thế mạnh để họ vượt lên các đồng nghiệp nam. Dù vậy, ở vị trí nào thì phụ nữ vẫn là phụ nữ, nên khi cần đưa ra những quyết định “sắt thép” trong kinh doanh, họ lại có phần thiếu quyết đoán. Điều này khiến nữ CEO khó dẫn dắt công ty của mình đạt được nhiều thành công mang tính đột phá trên thương trường.

Một nữ doanh nhân thành đạt khác, cô Đặng Thị Hoàng Phượng, chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Xây dựng Sài Gòn (SCC), cho biết cô quyết tâm trở thành CEO vì… tự ái. Từ thời còn là nhân viên, cô nhận ra rằng, các ông chủ nước ngoài thường tỏ ra luôn coi thường người bản địa dù họ giỏi cỡ nào. Do vậy, cô luôn tự nhắc nhở mình cần tích lũy kinh nghiệm về kinh doanh, quản lý nhân sự… để chuẩn bị cho vai trò làm chủ doanh nghiệp sau này.

Hoàng Phượng chia sẻ, kim chỉ nam của cô là lời dặn dò của người cha: “Làm kinh tế, thì phải làm tốt, nỗ lực để thành công, nhưng phải trả lương đầy đủ cho những người lao động vì họ là những người giúp mình đạt được thành quả hôm nay”. Cô tự hào rằng trong 10 năm làm quản lý, cô chưa từng trả lương cho nhân viên trễ một ngày.

Điều quan trọng là biết cách dung hòa

Để có thể hiểu hơn về nữ quản lý tuổi 30, mời bạn tham khảo câu chuyện  của Lê Quỳnh Thư – giám đốc điều hành công ty Truyền thông – Tổ chức sự kiện Vietlink:

“Tôi không nghĩ mình trẻ nếu không nói là già so với độ tuổi trung bình trở thành quản lý hiện nay. Nhưng có lẽ, già hay trẻ không quan trọng bằng bản lĩnh có được khi làm quản lý. Bản lĩnh ấy, ngoài yếu tố là khả năng thiên bẩm thì thì thật sự phải được tích lũy qua thời gian và trải nghiệm thực tế. Khi là nữ, bản lĩnh quản lý càng được thể hiện rõ nét hơn. Đó là khi gặp đối tác khác phái hoặc lớn tuổi hơn mình, hay khi phải điều hành một tập thể những người lớn tuổi hơn và có kinh nghiệm hơn, hay khi trước một tình huống cần “sức mạnh” hay “cái đầu lạnh” thường chỉ dành cho nam giới. Trước những tình huống đó, bản lĩnh của nữ quản lý thể hiện ở sự linh hoạt mềm dẻo khôn khéo vốn là điểm mạnh của nữ giới, cộng với kiến thức và kinh nghiệm thực tế để thuyết phục người đối diện. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi cần tránh trong quản lý khi bạn là nữ đó chính là, đừng xử lý mọi chuyện theo cảm tính mà nên cân bằng giữa tình cảm và lý trí. Tôi là người đã phạm phải điểm yếu này trong một thời gian dài, đến khi thật sự quản lý doanh nghiệp của riêng mình, tôi mới cân bằng được.

Theo tôi, kỹ năng quản lý không được hình thành một cách cấp tốc hoặc bỗng dưng mà có, nó được tích lũy bằng trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế, và có lẽ càng được va chạm nhiều trong nhiều môi trường đa dạng, kỹ năng này càng được mài bén hơn. Tôi làm quản lý khi đã đi làm thuê hơn 5 năm, từ quản lý cấp trung đến cao cấp trong khoảng thời gian hơn 10 năm trước khi mở doanh nghiệp riêng, vì vậy mà tôi may mắn được tiếp xúc với nhiều trường hợp. Làm việc với nhân viên giỏi hơn mình rất nhiều lớn tuổi hơn mình rất nhiều, được quản lý bởi những sếp cấp trên khá sắc sảo và giỏi giang, hay cũng có thể là phải quản lý những nhân viên “được gởi gắm” không có khả năng…, tất cả những thực tế đó cho tôi sự rèn luyện mỗi ngày. Tôi thường chú thích lại những trường hợp đã xảy ra và bài học kinh nghiệm trong sổ tay nhỏ, dù biết rằng trên thực tế khó có trường hợp nào giống nhau, nhưng cũng là cách để mình nhìn lại những bài học mà trưởng thành.

Tôi biết rằng mình sẽ rất vui khi tuyển dụng và làm việc với các cộng sự giỏi hơn mình, điều này buộc lòng mình cũng phải không ngừng học tập. Thực tế, tôi có rất nhiều nhân viên giỏi hơn, sáng tạo hơn, nhạy bén hơn, và “tranh luận” là điều xảy ra thường xuyên. Tôi không thuyết phục họ phải làm theo ý mình vì sẽ làm mất đi khả năng sáng tạo của họ, nhưng cũng không để kế hoạch đi chệch hướng. Tôi dung hòa giữa sáng tạo và chiến lược, định hướng để có được một kế hoạch đáp ứng được yêu cầu. Lúc đó, tôi có được sự khâm phục của nhân viên, cũng có thêm bản lĩnh khi làm việc với người giỏi, và cũng đạt được kết quả trong công việc”.

Bùi Tấn (Phụ Nữ Ngày Nay)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN