Bánh mì thanh long có lớp vỏ ngả màu sậm, được nướng từ bột pha với thanh long ruột đỏ trong đợt ‘giải cứu’ hàng chục nghìn tấn bị tồn tại Long An do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Gần đây, một tiệm bánh ở Sài Gòn gây chú ý với bánh mì thanh long mới ra lò lạ miệng. Vỏ bánh nhuộm màu hồng tự nhiên của thanh long ruột đỏ. Bánh mì nóng, giòn, xốp, thơm nhẹ hương thanh long, thích hợp ăn kèm phô mai, xúc xích hoặc chấm sữa đặc là đủ lót dạ bữa sáng. Đây là số thanh long được “giải cứu” trong khoảng 30.000 tấn bị tồn tại Long An do không kịp xuất sang Trung Quốc vì Covid-19.
Ông Kao Siêu Lực, người phát minh ra món bánh mì thanh long chia sẻ nguyên liệu gồm: 25 kg bột mì, 14 kg thanh long ruột đỏ (đã bỏ vỏ), 4,5 lít nước, 625 gram men tươi lasaffre, 500 gram muối và 125 gram phụ gia puratos S500 (không bắt buộc). Với công thức này, đầu bếp sẽ làm cho ra lò khoảng 400 ổ bánh mỳ. Lúc chưa nướng, bạn nặn bánh có trọng lượng 120 gram/ổ là được. Bạn chia tỷ lệ thành phần nguyên liệu theo nhu cầu nếu làm với số lượng ít hơn.
Sau khi trộn đều và ủ bột như cách làm bánh mì thông thường, bạn cho vào khay nướng ở nhiệt độ 170 – 180 độ C trong vòng 20 phút, đối với bánh có trọng lượng 120 gram. Bánh nướng xong có ruột màu hồng nhẹ, xen lẫn hạt thanh long như hạt mè, nhai vui miệng.
Bánh mì có giá 6.000 đồng/ổ, mỗi người được mua tối đa 5 ổ vì số lượng có hạn. Một thực khách kể, sáng chủ nhật, chồng cô phải dậy sớm đi xếp hàng mua bánh mì, mà phải xếp hai lần mới đến lượt mua về cho con trai thưởng thức. Đây là lần đầu tiên gia đình cô đợi mua đồ ăn lâu nhưng không cảm thấy phiền, mà ngược lại rất vui vẻ vì giúp được phần nào bà con nông dân.
Theo Vi Yến (ngoisao.net)