Món ăn ngon, quen mà lạ

Cho dù có là một chuyên gia về ẩm thực, chắc chắn bạn cũng từng vài lần phân vân tự hỏi “hôm nay đi chợ mua gì?”

Ăn uống vốn dĩ là chuyện đơn giản nhất trên đời, “thèm gì ăn nấy”, nhưng đôi khi chúng ta lại chẳng thèm ăn gì. Nguyên liệu quay đi quay lại cũng những thứ đó. Món ăn ngoảnh qua ngó lại cũng những món đó. Không kho thì chiên, không chiên thì luộc… mãi rồi không biết ăn gì.

Các món ăn truyền thống có từ lâu đời vẫn luôn là những món ăn ngon nhất, đáng nhớ nhất mà ai đã từng được ăn sẽ không bao giờ quên được. Tuy nhiên theo sự phát triển của cuộc sống, nhiều món ăn không thể còn mãi hương vị năm xưa. Ví như những món phải nấu bằng rơm rạ mới có mùi thơm đặc trưng, hay nồi cơm nấu bằng bếp củi rất thơm ngon lại có lớp cháy vừa mềm vừa ngọt…  bây giờ làm sao nấu những món đó trong khuôn bếp nhỏ, chỉ có bếp gas hay bếp điện được.

Nếu bếp núc có thể thay đổi thì có lẽ món ăn cũng có thể thay đổi theo. Chắc chắn rằng món ăn vẫn sẽ ngon bằng một cách khác. Chúng ta hãy thử đem sự sáng tạo vào bếp, thay đổi món ăn bằng cách kết hợp các nguyên liệu khác với trước đây, sử dụng những phương pháp chế biến mới, các loại gia vị mới… sẽ tạo ra được nhiều món ăn độc đáo, khác lạ mà vẫn thân quen.

Canh chua là một món ăn hầu như ai cũng thích. Chỉ một món canh chua cũng đã có rất nhiều cách nấu từ các nguyên liệu khác nhau. Và canh chua ở mỗi miền cũng mang một sắc thái hoàn toàn khác. Đây cũng là một món ăn mang đậm nét hương vị quê hương mà dù ai đi xa cũng nhớ về món canh chua quê nhà. Ngoài cách nấu truyền thống của miền Nam nấu với me, miền Bắc nấu với sấu hoặc mẻ, canh chua còn có thể nấu với nhiều nguyên liệu khác. Chỉ cần chọn một nguyên liệu tạo ra vị chua như khế chua, củ kiệu ngâm chua hay các loại nước trái cây có vị chua như cam, chanh dây, tắc… là chúng ta có thể nấu một món canh chua hoàn toàn mới rồi. Về nguyên liệu nấu canh, chỉ cần kết hợp một số nguyên liệu từ các loại rau như cải bắp, cải cúc, cải ngọt, bông cải, bông bí, bông kim châm, các loại nấm… chọn các nguyên liệu có màu sắc và hình thái khác nhau để món ăn có màu sắc đẹp và dinh dưỡng hơn.

Ngoài canh chua, các món canh khác cũng có thể tạo ra sự mới mẻ khi kết hợp các loại rau và củ với nhau trong một nồi canh. Món ăn khi được kết hợp giữa các loại thực phẩm khác nhau sẽ mang lại hương vị mới mẻ, đồng thời cũng giúp bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng hơn. Ví dụ canh cải xanh có thể kết hợp với khoai sọ, khoai từ, canh cải cúc có thể thêm khoai tây, khoai lang, canh khoai mỡ có thể thêm rau đắng, rau cải xanh, canh rau ngót có thể thêm bắp hạt, hạt sen…

Đối với các món kho, ngoài cách kho tiêu, kho mặn thông thường có thể thêm các gia vị tạo mùi thơm hoặc vị đặc trưng như gừng, riềng, sả, nghệ, tỏi, ớt, ngũ vị hương… Ngoài ra có thể làm món ăn trở nên lạ miệng hơn khi kho với nước mía, nước ngọt, chanh muối, mơ ngâm…; có thể làm cho món ăn có màu sắc đẹp hơn bằng cách sử dụng dầu điều, dầu gấc khi chế biến; có thể kết hợp kho với các loại củ quả sẽ làm món kho trở nên lạ miệng và giàu dinh dưỡng hơn như là kho với ngũ cốc, khoai củ các loại: củ sen, hạt sen, cà rốt, khoai tây…

CANH CHUA CÁ KÈO CỦ KIỆU

phunungaynay.vn - CANH CHUA CÁ KÈO CỦ KIỆU

Nguyên liệu

  • 200g cá kèo dùng chanh hoặc giấm và muối rửa sạch phần nhớt ngoài da cá. Cá kèo ướp với 1muỗng canh nước mắm, 1muỗng canh tỏi phi, 2 trái ớt hiểm đập dập, để thấm. Ớt sẽ giúp khử mùi tanh của cá và làm nước canh đậm đà hơn. Không nên cắt ớt nhỏ ra vì như vậy khi ăn rất dễ bị sặc. Nếu gia đình có con nhỏ thì có thể không cho ớt vào khi nấu. Tỏi phi rất quan trọng trong món canh chua, sẽ giúp món canh chua thơm ngon và có mùi vị đặc trưng.
  • 100g củ kiệu chẻ đôi, lấy 3 muỗng canh nước ngâm kiệu, nước ngâm kiệu sẽ giúp nước canh có vị chua đặc trưng hơn. Tuy nhiên trước khi nấu mình nên nếm thử đổ chua của kiệu để gia giảm cho phù hợp.
  • 1 trái cà chua chín đỏ, cắt múi cau. Cà chua chín có vị ngọt và chua nhẹ, giúp nước canh chua ngon hơn.
  • 200g bông thiên lý, chọn bông thiên lý còn tươi mới, chưa bị rụng ra khỏi chùm sẽ giòn và ngọt hơn. Chỉ cần rửa sạch là được, bông thiên lý để nguyên chùm ăn sẽ ngon hơn, khi nấu xong không bị nát.
  • 100g nấm linh chi cắt bỏ chân, tách nhỏ.
  • Ngoài ra cần một ít rau răm cắt nhỏ để tạo mùi thơm cho món canh thêm ngon.
  • Gia vị: tỏi băm, muối, bột ngọt, đường, nước mắm, dầu điều

Cách làm

  • Phi thơm tỏi băm với dầu điều, cho kiệu và cà chua vào xào thơm, thêm 1 lít nước vào đun sôi, nêm nước ngâm củ kiệu và muối, đường, bột ngọt cho nước canh có vị chua ngọt vừa ăn, cuối cùng cho cá kèo, bông thiên lý và nấm linh chi vào, nấu rau vừa chín tới thì thêm rau răm và tỏi phi rồi tắt bếp, nêm thêm 1 ít nước mắm cho vừa ăn.
  • Khi nấu canh chua chúng ta không nên nêm hạt nêm vì hạt nêm sẽ làm mất đi vị chua thanh nhẹ của món ăn. Canh chua cần nêm một ít nước mắm để tăng mùi thơm và vị đậm đà đặc trưng của món ăn.

VỊT KHO CHANH MUỐI

phunungaynay.vn - VỊT KHO CHANH MUỐI

Nguyên liệu

  • 1 quả chanh muối dằm nhỏ để chanh dễ thấm vị vào thịt.
  • 2 trái ớt hiểm đập dập.
  • 1 củ gừng, nên chọn gừng không quá non để có mùi thơm.
  • 300g khoai môn cao, chọn khoai còn tươi mới, khi bấm vào khoai còn cứng, vì khoai môn cao để lâu sẽ bị hư bên trong, nhìn bên ngoài không nhận biết được. Gọt vỏ khoai, cắt miếng vuông 3cm, chiên sơ để khoai không bị bể khi kho.
  • 1 củ sen, chọn củ sen còn non, mới, bào vỏ, cắt miếng dày 1cm, ngâm vào nước có ít giấm để củ sen trắng và giòn hơn.
  • 500g thịt vịt dùng gừng giã và rượu trắng chà kĩ da vịt để khử mùi hôi lông, chà rửa lại bằng muối rồi xả sạch, chặt miếng vừa ăn. Cho vịt vào nồi đất, ướp với chanh muối dằm, hạt nêm, bột ngọt, đường, tiêu, một ít caramel và dầu điều để tạo màu cho món ăn, ớt hiểm và gừng sợi. Nên để khoảng 30 phút cho thịt được thấm gia vị sẽ ngon hơn.

Lưu ý do chanh muối có vị mặn nên chỉ ướp thịt với ít hạt nêm, đường và bột ngọt để món ăn không bị mặn.

Cách làm

  • Đặt nồi lên bếp, kho lửa vừa đến khi thịt vịt săn lại, thêm nước sôi vào ngập thịt, kho đến khi nước cạn một nửa thì cho khoai môn và củ sen vào, không nên cho khoai môn vào lúc đầu sẽ làm khoai bị nát, nếm và điều chỉnh vị cho vừa ăn, kho đến khi nước cạn gần hết thì tắt lửa, rắc thêm tiêu. Dùng nóng với cơm, ăn kèm với rau sống hoặc dưa giá.

Yan Yanny (Phụ Nữ Ngày Nay)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN