Độc chất do vi khuẩn pseudomonas cocotoxin sinh ra gây ung thư khi tích tụ lâu ngày. Nặng hơn, bệnh nhân có thể tử vong ngay sau khi ăn.
- Đau bụng quặn từng cơn vùng xung quanh rốn là bệnh gì?
- Tại sao nhiều người bị đau bụng khi uống sữa?
- 7 loại thực phẩm nhất quyết đừng ăn khi bụng rỗng kẻo hại dạ dày
Mới đây, tỉnh Hắc Long Giang (Trung Quốc) ghi nhận 9 người bị ngộ độc do vi khuẩn pseudomonas cocotoxin sau khi ăn mì lên men. Ca ngộ độc gây ra cái chết cho 8 người, nạn nhân còn lại đang nguy kịch, phải điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tỉnh Hắc Long Giang (Trung Quốc) phát hiện chất độc do pseudomonas cocotoxin sinh ra trong bột ngô – nguyên liệu làm món mì các nạn nhân đã ăn. Chất độc này cũng được tìm thấy trong dịch dạ dày của nạn nhân.
Tỷ lệ tử vong 40-100%
Ngâm, lên men thực phẩm là thói quen của nhiều gia đình. Tuy nhiên, trong quá trình lên men, thực phẩm sẽ dễ bị nhiễm khuẩn pseudomonas cocotoxin. Vi khuẩn này phân hủy cùng các chất trong thực phẩm, tạo ra alatoxin và axit men gạo (mycolic acid).
Pseudomonas cocotoxin có thể phát triển ở 25-37 độ C và sinh ra lượng lớn axit men gạo. Khuẩn pseudomonas cocotoxin sợ nhiệt, có thể bị tiêu diệt khi nấu nướng. Tuy nhiên, axit men gạo do chúng tạo ra có khả năng chịu nhiệt cao, không bị bất hoạt dù đun sôi đến 100 độ C hay ninh, nấu trong nồi áp suất lâu.
Mì, bún và các thực phẩm lên men, ngâm nước lâu dễ nhiễm vi khuẩn pseudomonas cocotoxin và sinh ra chất độc axit men gạo (mycolic acid). Ảnh: Freepik.
Chúng đều là những chất độc đã được chứng minh gây tổn thương nghiêm trọng cho gan, thận, tim, não. Chất độc này có thể gây ung thư khi tích tụ lâu ngày. Nặng hơn, bệnh nhân có thể tử vong ngay sau khi ăn như trường hợp 8 người ở Hắc Long Giang.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sự cố ngộ độc khuẩn trong thức ăn lên men. Tờ The Paper trước đó đưa tin ngày 28/7, 11 thực khách ở thị trấn Shenquan, Huilai, Quảng Đông, Trung Quốc, bị ngộ độc sau khi ăn mì gạo. Các nạn nhân có cùng triệu chứng nôn, tiêu chảy.
Tháng 6/2014, Trung Quốc cũng xảy ra một vụ ngộ độc pseudomonas cocotoxin nghiêm trọng do khuẩn trong phở lên men. Vụ việc đã khiến 6 người tử vong, 20 bệnh nhân nguy kịch.
Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Đánh giá rủi ro An toàn Thực phẩm Trung Quốc nhận được tổng cộng 5 báo cáo về các vụ ngộ độc tương tự với 47 bệnh nhân và 16 ca tử vong. Thực phẩm gây ngộ độc chủ yếu là bún, phở, mì lên men tự sản xuất.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc cho hay độc tố pseudomonas cocotoxin chưa có thuốc giải. Tỷ lệ tử vong khi trúng độc từ 40 đến 100%.
Từ năm 1953 đến 1994, Trung Quốc ghi nhận 545 vụ ngộ độc thực phẩm do trực khuẩn mủ xanh gây ra. Tỷ lệ tử vong trung bình của các ca mắc là 41,8%.
Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn pseudomonas cocotoxin sinh ra chưa có thuốc giải, tỷ lệ tử vong cao. Ảnh: Freepik.
Triệu chứng và cách xử lý khi ngộ độc
Độc tố do pseudomonas cocotoxin sinh ra được các chuyên gia Trung Quốc phát hiện từ năm 1977. Loại độc này chủ yếu xuất hiện vào mùa hè, thu do thời tiết ẩm ướt, mưa nhiều, thực phẩm bị hư hỏng trong quá trình bảo quản.
Ngộ độc pseudomonas cocotoxin là bệnh khởi phát cấp tính. Thời gian khởi phát triệu chứng thường 30 phút sau khi bị ngộ độc hoặc có thể muộn nhất là 12 giờ. Thậm chí, trong một số trường hợp, nạn nhân có dấu hiệu sau 1-2 ngày. Triệu chứng khi bị ngộ độc là đau bụng trên, buồn nôn, nôn (chất nôn có màu nâu trong trường hợp nặng), tiêu chảy, chóng mặt, suy nhược.
Trong các ca ngộ độc nặng, nạn nhân bị vàng da, chướng gan, xuất huyết dưới da, nôn trớ, tiểu ra máu, bất tỉnh, co giật và sốc phản vệ.
Hiện tại, ngộ độc pseudomonas cocotoxin là bệnh chưa có thuốc giải. Các bác sĩ phải điều trị triệu chứng, thải độc từ từ và chuyển hóa dần chất độc.
Nạn nhân bị ngộ độc thực phẩm nôn càng sớm càng tốt. Ảnh: Freepik.
Cục Quản lý Giám sát Thị trường tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, khuyến cáo các sản phẩm ngũ cốc lên men (mì, hủ tiếu, bánh bao, bánh nếp/tẻ…), nấm rất dễ nhiễm vi khuẩn pseudomonas cocotoxin, sau đó sinh ra độc tố. Do đó, chúng ta cần cẩn trọng khi sử dụng các thực phẩm lên men. Nếu phát hiện các đốm mốc hồng, xanh lá cây, vàng, đen, chúng ta tuyệt đối không được sử dụng.
Khi chế biến các thực phẩm từ nấm, người dân nên kiểm tra xem chúng có bị hư hại, ẩm mốc hay không. Khi ngâm nấm, mọc nhĩ, chúng ta nên sử dụng nước sôi để giảm thiểu sự phát triển của pseudomonas cocotoxin.
Ngoài ra, người dân cũng không nên ngâm thực phẩm lâu vì dễ khiến nó trở thành môi trường cho pseudomonas cocotoxin xâm nhập và sản sinh chất độc.
Sau khi ăn các ngũ cốc lên men, nếu bạn cảm thấy không khỏe, hãy ngừng ăn ngay lập tức và tới bệnh viện kiểm tra. Khi có triệu chứng ngộ độc thực phẩm, chúng ta cần sơ cứu tạm thời bằng cách gây nôn càng sớm càng tốt. Đây là cách để hạn chế độc tố ngấm vào cơ thể, cho người bị ngộ độc nôn những thức ăn trong dạ dày ra ngoài. Bạn có thể dùng tay đã rửa sạch đặt vào lưỡi người bệnh để kích thích gây nôn.
Nạn nhân cần nôn càng nhiều thức ăn trong dạ dày càng tốt. Theo Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), khi tiến hành gây nôn, chúng ta cần đặt người bệnh nằm nghiêng, kê hơi cao phần đầu để chất thải không bị trào ngược vào phổi gây sặc cho người bệnh. Người bị ngộ độc thực phẩm đã hôn mê không nên được kích thích gây nôn vì dễ dẫn đến sặc, ngạt thở.
Sau khi nạn nhân nôn, đi ngoài, cơ thể sẽ bị mất nước. Do đó, nạn nhân cần được bù lại bằng cách uống nhiều nước lọc, oresol hoặc nước gạo rang.
Dù được sơ cứu ban đầu, bệnh nhân vẫn có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào. Do đó, chúng ta cần đưa nạn nhân tới bệnh viện, cơ sở y tế gần nhất.
Thiên Nhan (Theo Zing.vn)