Chuỗi Món Huế nợ từ nhà cung cấp đá lạnh đến lá chuối…

Cuối ngày 22-10, đại diện Công ty TNHH nhà hàng Món Huế (Công ty Món Huế) vẫn im bặt trước hàng loạt đơn tố cáo nợ tiền hàng lên đến hàng chục tỉ đồng, có dấu hiệu “lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Theo ghi nhận ngày 22-10, nhiều cửa hàng Món Huế tại TP.HCM đồng loạt dừng hoạt động, nhiều nơi đã trả mặt bằng. Một số nhân viên của hệ thống này còn cho biết bị nợ hai tháng lương và đang yêu cầu công ty thanh toán nhưng chưa có kết quả.

Nợ từ vài triệu tiền đá lạnh, lá chuối…

Ngay sau khi phát hiện chuỗi Món Huế đóng cửa, văn phòng trụ sở của doanh nghiệp Món Huế cũng vắng tanh, không còn hoạt động, số nhà cung cấp đến đòi tiền công nợ tăng lên. Thống kê sơ bộ của anh Chương, một nhà cung cấp đang đứng ra thu thập thông tin, tổng số nợ lên cả vài chục tỉ đồng.

Trong đó, chuỗi Món Huế nợ từ nhà cung cấp đá lạnh đến lá chuối, nước cốt dừa, thậm chí cả mực in tiền thuê máy photocopy.

Anh Thể, nhân viên của một doanh nghiệp đang cung cấp lá chuối, nước cốt dừa, nước dừa cho hệ thống này, cho biết tổng số tiền mà Công ty Món Huế đang nợ bên anh gần 165 triệu đồng. Đáng nói, gần cận ngày đóng cửa, họ thúc bên nhà cung cấp tăng lượng hàng nhập vào dẫn đến số công nợ tăng nhanh.

Những công ty bị Món Huế quá hạn thanh toán số tiền lớn là những công ty cung ứng thịt bò, rau củ quả, hải sản… với số tiền từ nửa tỉ đến hơn cả tỉ đồng, như công ty cung ứng thịt H.H.P bị nợ 1,03 tỉ đồng, công ty rau củ quả 1,3 tỉ đồng, ngay một nhà cung cấp bánh phở cũng bị nợ đến hơn 582 triệu đồng…

Ngoài các nhà cung cấp ký với Công ty Món Huế, nhiều nhà cung cấp khác đang có hợp đồng với Công ty Huy Việt Nam, là công ty mẹ của Công ty Món Huế, cũng đang bị vướng công nợ.

Theo giấy biên nhận nợ giữa Công ty TNHH nhà hàng Món Huế với một số nhà cung cấp, phần lớn khoản nợ rơi vào 3 tháng gần đây, chủ yếu là tháng 4, tháng 5 và tháng 6. Những nhà cung cấp bị nợ nhiều như nguyên liệu thịt, rượu, bánh phở, rau củ quả…

Có mặt tại văn phòng của công ty sở hữu hệ thống Món Huế tại địa chỉ 302-304 Võ Văn Kiệt, Q.1(TP.HCM), khung cảnh như không còn hoạt động. Phòng kế toán cửa mở toang, không một bóng người, ghế ngồi để ngổn ngang. Phòng “giám đốc điều hành” cũng lộn xộn. Phòng kiểm toán cửa đã khóa, dán tờ giấy niêm phong từ ngày 17-10.

Đối diện lối ra cầu thang bộ dẫn lên văn phòng tên thương hiệu “Món Huế”, nhiều phòng chức năng không sáng đèn, cửa đóng kín, trên tay nắm cửa có một tờ giấy trắng niêm phong.

Phóng viên đã nỗ lực liên hệ với lãnh đạo Công ty TNHH nhà hàng Món Huế và Công ty Huy Việt Nam nhưng không được hồi đáp.

Đã thay đổi đại diện pháp luật

Theo tìm hiểu, chuỗi nhà hàng Món Huế tại TP.HCM đang được Công ty TNHH nhà hàng Món Huế điều hành, thuộc sở hữu của Công ty TNHH chế biến thực phẩm Huy Việt Nam, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Theo giấy phép đăng ký kinh doanh, Công ty Huy Việt Nam có trụ sở tại đường Võ Văn Kiệt, phường Cô Giang, Q.1, với vốn điều lệ 1.200 tỉ đồng. Công ty này thuộc sở hữu Huy Vietnam Limited ở Hong Kong, đại diện pháp luật là ông Huy Nhật, trụ sở chính của Tập đoàn Huy Vietnam lại tại đảo Cayman.

Trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, ngày 2-10-2019, Công ty Huy Việt Nam thay đổi người đại diện theo pháp luật từ ông Huy Nhật sang ông Nguyễn Quỳnh Anh. Ông Anh sinh năm 1984 và giữ vị trí giám đốc công ty. Số vốn điều lệ của công ty này cũng được giảm từ 1.200 tỉ đồng xuống còn hơn 600 tỉ đồng hồi tháng 4-2019.

Hiện trang web của Công ty Huy Việt Nam vẫn giữ thông tin ông Huy Nhật nằm trong ban lãnh đạo, chịu trách nhiệm về quản lý tổng thể doanh nghiệp, điều hành việc mở các nhà hàng mới, phát triển kinh doanh và marketing.

Một cửa hàng Món Huế trên đường Nguyễn Văn Trỗi (Q.Phú Nhuận) đã đóng cửa - Ảnh: Duyên PHAN
Một cửa hàng Món Huế trên đường Nguyễn Văn Trỗi (Q.Phú Nhuận) đã đóng cửa – Ảnh: Duyên Phan

Lỗ hổng nào để Món Huế “đắm tàu”?

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực F&B (thực phẩm và thức uống), đầu tư hệ thống chuỗi nhà hàng, dịch vụ ăn uống ở Việt Nam từng được xem là mảng thị trường ngách tiềm năng và dễ thu hồi vốn. Thế nhưng, để duy trì chất lượng ổn định và vận hành hệ thống logistics thực phẩm, không phải doanh nghiệp nào cũng có kinh nghiệm.

“Ngoài ra, phát triển chuỗi còn liên quan đến chiến lược giá, xây dựng thương hiệu, nhân sự…”, một chuyên gia cho biết. Vị này cũng cho rằng phải nhìn nhận xu hướng vận hành theo chuỗi sẽ là xu hướng của tương lai và đã phát triển rất mạnh ở bình diện quốc tế, tuy nhiên nó mới chỉ bắt đầu tại Việt Nam.

Tuy vậy, khi bước vào một thị trường mới, những doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm vận hành, ít chịu chuyển đổi linh hoạt trước thời cuộc sẽ sớm bị đào thải.

Trước khi chuỗi Món Huế dừng hoạt động một loạt cửa hàng, thị trường cũng chứng kiến nhiều đại gia rút dần khỏi thị trường ẩm thực chuỗi vì vốn lớn nhưng khả năng thu hồi lại không nhiều.

Ngay cả “đại gia” tập đoàn xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) từng “đánh trống” đưa một loạt thương hiệu quốc tế vào VN như Dunkin & Donut, Burger King… cũng đang đóng dần các mặt bằng. Một vài chuỗi ẩm thực khác cũng đang có dấu hiệu ngừng mở điểm bán mới.

Chủ sở hữu “bặt tăm”?

Theo nội dung đơn tố cáo của nhiều nhà cung cấp, trong lần làm việc gần đây, phía đại diện chuỗi Món Huế có xác nhận công nợ với họ và cam kết sẽ trả dần số tiền cố định 50 triệu đồng/tháng hoặc 100 triệu đồng/tháng tùy đơn hàng.

Tuy nhiên, đến ngày 20-10, các nhà cung cấp đồng loạt nhận thông tin văn phòng chính doanh nghiệp này đóng cửa, nhân viên không còn ai, lãnh đạo thì “mất tích” khiến họ vô cùng hoang mang.

“Chúng tôi đang truy tìm ông chủ Huy Nhật của Công ty Huy Việt Nam cũng như đại diện pháp lý của Công ty Món Huế nhưng cả ngày nay họ đều “mất tích”, chúng tôi chỉ còn biết gửi đơn tố cáo lên công an”, đại diện một nhà cung cấp cho biết.

Theo Như Bình – Hữu Duyên (tuoitre.vn)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN