Chè cốm, phong vị mùa thu

Hà Nội bước vào mùa thu. Những gánh cốm thấp thoáng trên phố đưa hương nhẹ nhàng thanh tao của thức quà kết tinh hương vị đất trời và sương sớm. Có nhiều cách để thưởng thức món cốm, nhưng vào tiết trời mới khẽ chạm thu, có lẽ món chè cốm là hợp vị hơn cả.

Những người sành ăn thường nấu chè cốm tươi chính vụ bởi hạt cốm căng sữa đúng thì con gái với hương thơm xao xuyến cả đất trời. Có lẽ, cốm thơm còn bởi lá sen già bọc kỹ, ướp cả hương đồng gió nội thấm từng hạt căng mọng sữa. Bạn có thể kết hợp chè cốm với nhiều nguyên liệu khác nhau như đỗ xanh, hạt sen, ngô ngọt… Nhưng ta nên nấu kiểu truyền thống của các bà các mẹ ở đất Hà thành xưa sẽ giữ nguyên được hương vị của món chè cốm Hà Nội.

Cốm để nấu chè nếu được làm từ cốm tươi sẽ ngon hơn. Cốm tươi mua về, rửa qua nước lạnh thật nhanh. Các bà các mẹ thường tỉ mẩn ngồi nhặt hết vỏ, “mày” trấu lẫn trong cốm. Nếu trái mùa hoặc bạn không ở Hà Nội, có thể nấu chè bằng cốm khô nhưng phải biết sơ chế đúng cách. Cốm khô mua về, bạn nên cho ra một chiếc rá nhỏ, xả ướt cốm dưới vòi nước lạnh. Sau đó, bạn ngâm cốm trong nước lạnh khoảng 3 – 5 phút cho mềm rồi vớt ra cho “ráo nước”. Bạn nên lưu ý, không nên ngâm cốm quá lâu để tránh bị nhão, hoặc vữa hạt cốm khi nấu chè.

Bí quyết để món chè cốm có độ ngọt thanh là nhờ được nên duyên bởi đường phèn. Các bà các mẹ thường đun cho đường phèn chảy ra rồi cho nước vào khuấy đều, để riêng ra. Sau khi chè sôi, các bà các mẹ thường nêm thêm chút xíu muối để “điều vị” cho món chè. Ngoài ra, để tăng thêm độ sanh sánh, kết dính của món chè cốm, người nội trợ thường cho thêm một ít bột sắn dây. Theo kinh nghiệm, ta nên cho bột sắn dây vào bát con, hòa loãng thật kỹ với chút nước sao cho bột không bị vón cục.13. chè cốm

Để chè cốm “lên màu” đẹp, người nội trợ khéo thường mua vài ba cái lá dứa. Sau khi rửa sạch, lá dứa được cắt thành khúc nhỏ rồi cho vào máy xay với khoảng 1 lít nước. Xay xong, ta vắt lấy nước cốt và bỏ bã. Cho phần nước cốt lá dứa đã lọc vào nồi, đặt lên bếp và đun nhỏ lửa. Đợi nước bắt đầu sôi lăn tăn, ta đổ cốm vào nồi và đun cho thật sôi.

Sau khi nồi chè sôi khoảng 5 phút, ta trút phần bột sắn dây đã hòa loãng và nước đường phèn vào. Lúc này, bạn nên khuấy cho thật đều tay để chè được sánh và không bị khê ở phần đáy. Khuấy liên tục liên tục như vậy cho đến khi chè sánh mịn thì nêm đường cho vừa vị ngọt rồi đun khoảng 1 phút nữa thì tắt bếp.

Đợi cho chè cốm nguội bớt, bạn có thể cho thêm đá lạnh vào đáy bát trước khi múc chè vào bát. Thêm chút nước cốt dừa, dừa tươi nạo sợi lên trên, ta đã có thể thưởng thức. Chè cốm thường được múc vào bát thủy tinh để người thưởng thức có thể nhìn thấu vẻ đẹp của món này. Cốm còn nguyên hạt hòa lẫn với bột sắn dây nấu cùng nước lá dứa tạo ra màu xanh của trời thu dịu mát. Nước cốt dừa và dừa nạo trắng nõn vắt bên trên bồng bềnh như những đám mây vô ưu trôi bồng bềnh phiêu lãng…

Trong tiết đầu thu mát dịu, ta cùng thưởng thức vị ngọt bùi thanh tao của món chè cốm sanh sánh dịu dàng. Dường như, hương thơm của lúa non ngậm đòng, tinh túy của đất trời như lưu mãi phong vị mùa thu trong ký ức những người yêu Hà Nội.

Theo Vy Anh (phapluatxahoi.vn)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN