Bà mẹ một con bị phát ban trên mặt, móng tay dễ gãy lại thường xuyên lo lắng và gặp phải tình trạng bốc hỏa.
- Tái tạo ngực xệ – giải pháp cho vòng 1 căng tròn sau sinh
- 8 thời điểm vàng trong ngày để uống nước
- Hy vọng mới cho bệnh nhân thoái hóa cột sống
Virpi Mikkonen, 38 tuổi, sống tại Phần Lan là chủ nhân của trang blog VANELJA, chuyên chia sẻ về dinh dưỡng, chế độ ăn lành mạnh với hơn 160 nghìn người theo dõi. Virpi là tác giả của 4 cuốn sách dạy nấu ăn bao gồm các công thức thuần chay.
Trừ quãng thời gian mang bầu bé gái đầu lòng, Virpi đã không ăn thịt trong 15 năm. Cô cũng nói không với gluten, không ăn bơ sữa làm từ động vật và không sử dụng đường tinh chế. Ngày mới của nữ blogger thường bắt đầu bằng một cốc nước ép cần tây, dưa leo, thì là và mùi tây. Bữa trưa chủ yếu là salad với các loại rau như rau chân vịt, cải xoong, đậu gà… cùng các loại hạt như hướng dương, hạt bí, vừng. Cô cũng chăm tập luyện với ý thức cao về việc bảo vệ sức khỏe.
Tuy nhiên, đầu năm ngoái, Virpi bị phát ban trên mặt. Cô nhận thấy cơ thể thường xuyên cảm cúm hơn, móng tay giòn, dễ gãy, hay lo lắng. Đặc biệt, kinh nguyệt không xuất hiện. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy nồng độ hormone FSH của cô tăng cao tương đương với mức FSH của phụ nữ mãn kinh kèm theo tình trạng bốc hỏa. “Tôi không hiểu mình đã sai ở chỗ nào. Tôi ăn uống lành mạnh, chăm tập thể dục nên không khỏi sợ hãi”, bà mẹ người Phần Lan kể lại.
Virpi tìm đến một bác sĩ Đông y và được chẩn đoán mất cân bằng âm dương trong cơ thể. Người này khuyên Virpi nên ngừng chế độ ăn tiêu thụ quá nhiều thực phẩm thô lại, thậm chí còn đề nghị cô nên ăn thịt mỗi ngày. “Cô ấy khuyên tôi nên ăn đồ chín, được hâm nóng”, Virpi nhớ lại.
Nữ blogger đã rất shock nhưng quyết định ngừng ăn chay, chuyển sang ăn thịt để bảo vệ bản thân. “Thời điểm đó tôi thấy mình cạn kiệt năng lượng và trống rỗng”. Hiện tại, cô thường xuyên sử dụng nước xương ninh với các món hầm hoặc súp. Cô cũng tiêu thụ trứng – một trong những loại thực phẩm trước đây cô luôn ác cảm. Bữa sáng của Virpi hiện có trứng ốp lết. Bữa trưa cô ăn thịt viên hoặc thịt gà kèm rau nấu chín. Bữa tối chủ yếu là súp thịt. Cô cũng ăn bơ và phomai dê nhưng vẫn hạn chế gluten trong lúa mỳ, lúa mạch, không ăn tinh bột và đường tinh luyện.
Sau khi thêm thịt, trứng động vật vào thực đơn hàng ngày, Virpi nhận được tín hiệu tích cực từ cơ thể: “Thật tuyệt, tôi thấy mình như được nạp đầy năng lượng. Tôi ngủ ngon hơn, những cơn bốc hỏa và nhức mỏi cơ thể cũng thuyên giảm. Quan trọng hơn cả, kinh nguyệt đã trở lại. Tôi nghĩ tôi đã quay lại được đúng hướng”.
Từ một người luôn ủng hộ ăn chay với mục đích bảo vệ động vật, giờ đây Virpi thú nhận: “Chế độ ăn này không phù hợp với một số người, trong đó có tôi. Với tôi nó không hẳn là vấn đề về chế độ ăn mà còn do lối sống quá căng thẳng. Tôi đã làm việc quá nhiều, viết 4 cuốn sách trong hai năm, thật điên rồ và không quá khó hiểu khi thấy bản thân kiệt sức. Một số người sẽ vẫn cần đến thức ăn từ động vật để được khỏe mạnh”.
Virpi cũng lường trước được sự thay đổi của bản thân sẽ khiến cô phải đối mặt với các cơn giận dữ từ những người theo dõi và luôn tin tưởng vào chế độ ăn chay mà cô đã hướng dẫn, truyền cảm hứng cho họ.
Bác sĩ người Anh – Marion Gluck – cho biết mãn kinh sớm có thể đến từ nhiều nguyên nhân như căng thẳng, chấn thương, thay đổi lối sống… Chế độ ăn cũng là một trong những yếu tố góp phần làm tình trạng mãn kinh xuất hiện sớm hơn. “Cholesterol là yếu tố giúp sản sinh phần lớn các loại hormones trong cơ thể. Chỉ có động vật mới chứa cholesterol. Cơ thể cũng sản sinh ra cholesterol nhưng phần lớn vẫn đến từ việc ăn uống. Chế độ ăn chay sẽ giúp mức cholesterol giảm thấp nhưng vô tình cũng làm giảm khả năng sản xuất hormones của cơ thể”.
Theo Duk Sun (ngoisao.net)