Hàng trăm người chen lấn nhau để vượt rào vào công viên nước tắm miễn phí, không biết họ nghĩ gì mà hành động như vậy?
Vượt rào tắm miễn phí, nhiều người rách cả nội y
Một cảnh tượng vô cùng bi hài, nam thanh nữ tú, váy vóc dài ngắn, áo bơi mặc sẵn cũng bất chấp hết, trèo lên rào để mặc cho người đứng dưới thoải mái ngắm… nội y. |
Còn nhớ năm 2008, vào Black Friday, một nhân viên thuộc cửa hàng Wal-Mart ở Long Island đã bị giẫm đạp tới chết khi hơn 2000 khách hàng đập vỡ cửa kính cửa hàng ào vào.
Hay năm 2011, tại một cửa hàng ở Los Angeles, một người phụ nữ chỉ vì muốn giành mua một món đồ mà sẵn sàng xịt hơi cay vào đám đông. Hoặc vụ hai người đàn ông ở cửa hàng điện tử Toys R Us sau khi cãi vã đã rút súng bắn nhau và cả hai cùng thiệt mạng. Thêm vào đó là hàng trăm cuộc cãi vã, ẩu đả để tranh giành các món đồ giá rẻ.
Nguyên nhân tại đâu?
Bởi số lượng người tham gia một chương trình giảm giá rất đông, nên các khách hàng phải xếp hàng chờ đợi trong một thời gian dài. Ở các nước phương Tây, người mua hàng thậm chí còn chờ cả đêm bên ngoài cửa hàng và luôn trong tâm thế sẵn sàng ào vào khi cửa hàng mở cửa.
Khi mua hàng, nếu phía bán hàng làm khâu tổ chức không tốt dễ xảy ra tình trạng hỗn loạn. Hàng hoá không đủ dễ dẫn đến tình trạng tranh giành. Và số lượng người quá đông khiến khách hàng phải chen lấn để chọn được món đồ tốt trong tâm lý căng thẳng.
Mệt mỏi, phải ra sức chen lấn vì sợ đến mất công, tất cả những yếu tố trên tác động lên tâm lý những người mua hàng khiến họ rất dễ nổi cáu và có những hành vi thiếu suy nghĩ.
Khi nghiên cứu về những hành vi sai trái của người tiêu dùng, các phân tích tâm lý nhận thấy rằng khách hàng thường hành động thiếu kiểm soát khi họ cảm thấy bất công hoặc thiếu bình đẳng.
Dựa trên mô hình General Aggression Model (GAM), mô hình nghiên cứu cấu trúc dữ liệu khách hàng, các nhà khoa học phát hiện, những ý thức về hành động sai trái sẽ bị lấn át khi con người chịu tác động của nhận thức bất bình đẳng và ảnh hưởng tiêu cực.
Phần lớn mọi người đều mang tâm trạng thoải mái khi bắt đầu đến một chương trình khuyến mại hay một hoạt động giải trí miễn phí. Ai cũng phấn khích bởi suy nghĩ sẽ có thể sở hữu món đồ mình muốn có với giá rẻ hoặc dự định vui chơi thoải mái để giảm bớt căng thẳng.
Bởi thế nên, khi những dự định của họ không đạt được và phải đối diện với thực tế là mình đã đến mất công thì đa số đều tỏ ra chán nản và cảm thấy không công bằng. Điều đó dẫn đến việc một số có những phản ứng quá khích.
“Câu thần chú” dành cho đám đông
Trong cuốn “Tâm lý học đám đông”, Gustave Le Bon chỉ ra rằng, một khi tâm lý đám đông được hình thành, nó sẽ thu nạp những đặc tính chung tạm thời và qua đó làm thay đổi cấu trúc tư duy.
Điều này lý giải vì sao khi một cá nhân có hành động tiêu cực, ngay lập tức, nó sẽ được hưởng ứng bởi những người có chung tâm lý trong đám đông. Và những hành động quá khích xuất phát từ một cá nhân có thể lan toả thành một hành vi mang tính tập thể.
Nhiều người tham gia các chương trình khuyến mại thậm chí còn có những biểu hiện tiêu cực với nhân viên và ban tổ chức khi phớt lờ những yêu cầu và sự điều hành của họ. Ví dụ như việc trèo rào, vượt tường vào khu vui chơi khi cổng đã đóng hay cố tình chọn đồ dù cửa hàng đã thông báo quá giờ đóng cửa bởi họ muốn tận dụng tối đa thời gian bản thân đã bỏ ra.
Muốn khắc phục được tình trạng hỗn loạn trong các chương trình miễn phí hoặc giảm giá cần phải có sự cố gắng từ cả hai phía. Các cửa hàng và doanh nghiệp cần có sự kiểm soát số lượng tốt hơn và nên từ chối một số khách hàng dễ kích động hay bất hợp tác. Phía khách hàng cần phải có trách nhiệm về những hành vi của mình và trở thành một người mua bán lịch sự.
Nhưng dù thế nào, thì miễn phí vẫn là câu thần chú đặc biệt, có khả năng dẫn dắt đám đông đến những hành vi điên rồ nhất. Một con dao hai lưỡi.
Nguồn Maskonline.vn