Tổng thống Donald Trump quyết định tổng tấn công Facebook, Twitter, Google và toàn bộ Internet

Sắc lệnh này được đưa ra sau khi Twitter dán nhãn thông tin thiếu xác thực trên bài đăng của Tổng thống Donald Trump.

Tổng thống Donald Trump vừa mới ký một sắc lệnh nhằm vào các công ty internet như Facebook, Twitter, Google và điều luật internet trước đây, mà cho phép các công ty internet này có quyền miễn trừ trách nhiệm pháp lý đối với nội dung người dùng đăng tải trên nền tảng của họ.

“Chúng tôi đã chán ngấy với những thứ này”, ông Trump nói với báo chí trong Phòng Bầu dục trước khi ký sắc lệnh này.

t1Trước đây, theo mục 230 của Đạo luật Thông tin Truyền thông, các công ty internet có quyền miễn trừ trách nhiệm đối với những nội dung mà người dùng đăng tải trên nền tảng của mình. Tuy nhiên theo sắc lệnh mới mà Tổng thống Trump vừa ký, điều luật miễn trừ sẽ bị giảm bớt, và các công ty như Facebook, Twitter và Google sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với nội dung người dùng đăng tải.

Ông Trump cho biết: “Đó là một vấn đề lớn. Họ có một chiếc khiên bảo vệ. Do đó họ có thể làm bất cứ thứ gì họ muốn. Nhưng giờ đây họ sẽ không còn chiếc khiên đó nữa”.

Sắc lệnh tấn công vào các công ty internet được ký sau khi Twitter hai lần dán nhãn thông tin thiếu xác thực trên bài đăng của ông Trump. Các tweet của Tổng thống đưa ra thông tin sai lệch về việc bỏ phiếu qua thư và gian lận cử tri, Twitter đã dán nhãn chúng là thông tin thiếu xác thực và gắn thêm liên kết dẫn người dùng đến những báo cáo bổ sung về vấn đề này.

Twitter ngay lập tức phản đối sắc lệnh mới ban hành của Tổng thống Trump, cho rằng Mục 230 là một đạo luật mang tính bước ngoặt: “Mục 230 bảo vệ sự đổi mới của nước Mỹ và tự do ngôn luận. Nỗ lực nhằm phá bỏ điều luật này sẽ đe dọa tương lai của tự do ngôn luận và tự do trên mạng internet”.

Facebook cũng có tuyên bố phản đối sắc lệnh của Tổng thống Trump: “Facebook là một nền tảng của những quan điểm đa dạng. Chúng tôi tin tưởng vào việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận trên các dịch vụ của mình, đồng thời bảo vệ người dùng của chúng tôi khỏi những nội dung độc hại. Việc loại bỏ hoặc giới hạn Mục 230 sẽ có tác dụng tiêu cực. Bằng cách trừng phạt các công ty internet vì những gì hàng tỷ người dùng trên thế giới nói trên nền tảng của họ, nó sẽ ép buộc các công ty này phải sử dụng những biện pháp kiểm duyệt bất kỳ nội dung gì gây tranh cãi”.

Với việc bị loại bỏ tấm khiên bảo vệ, các công ty internet như Facebook, Google hay Twitter sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý với những nội dung mà người dùng đăng tải. Đồng nghĩa với việc các công ty này bắt buộc phải kiểm duyệt gắt gao, loại bỏ những nội dung gây tranh cãi và nhạy cảm. Mạng xã hội và internet sẽ bị kiểm soát, điều chưa từng bao giờ xảy ra trước đây, và sẽ làm thay đổi hoàn toàn mạng internet trong tương lai.

Mục 230 của Đạo luật Thông tin Truyền thông

Mục 230 của Đạo luật Thông tin Truyền thông được thông qua vào năm 1996, nói rằng một dịch vụ tương tác trên nền tảng máy tính không được coi như là một nhà xuất bản hoặc người phát ngôn. Nó bảo vệ các công ty internet trước trách nhiệm pháp lý, nếu như có người dùng đăng tải những nội dung phạm pháp (trừ các trường hợp chia sẻ nội dung lậu hoặc khiêu dâm).

Các công ty cung cấp dịch vụ internet được phép toàn quyền kiểm duyệt những nội dung trên nền tảng của họ. Nói một cách khác, người dùng không thể kiện Facebook hoặc Twitter vì khóa tài khoản của họ, mà không khóa một tài khoản khác.

Tổ chức Electronic Frontier Foundation gọi đây là quy định pháp luật quan trọng nhất trong việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận và tranh luận trên internet.

Tuy nhiên cũng có những ý kiến gây tranh cãi, cho rằng Mục 230 giúp các công ty internet có một quyền lực rất lớn. Nó khiến các công ty này có thể không cần quan tâm đến những nội dung độc hại được lan truyền trên nền tảng của họ và những ảnh hưởng của chúng đến người dùng.

TVD (Theo Trí Thức Trẻ)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN