Thưởng Tết là đạo lý, là sự tri ân của doanh nghiệp đối với người lao động sau một năm làm việc vất vả. Thế nhưng, trong khi nhiều đơn vị cố gắng thưởng thấp nhất bằng 1 tháng lương thì không ít ông chủ… ngó lơ.
Theo yêu cầu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), ngày 31-12-2015 là hạn chót doanh nghiệp (DN) trên cả nước phải báo cáo tình hình lương, thưởng Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Tuy nhiên, do rơi vào thời điểm nghỉ Tết Dương lịch nên phần đông DN chưa gửi báo cáo.
Vẫn ngóng thưởng Tết
Dự kiến từ ngày 4-1, ngày đầu tiên làm việc của năm mới sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2016, sở LĐ-TB-XH các tỉnh, thành sẽ tiếp tục yêu cầu DN trên địa bàn báo cáo tình hình lương, thưởng Tết theo chỉ đạo của Bộ LĐ-TB-XH. Như vậy, phải mất hơn một tuần nữa, Bộ LĐ-TB-XH mới có thể nắm rõ thưởng Tết năm nay ra sao.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân cho biết dù chưa có báo cáo cụ thể nhưng dự đoán mức thưởng Tết năm nay sẽ cao hơn năm 2015. Cơ sở để ông Huân đưa ra nhận định này là vì tình hình kinh tế khởi sắc, chỉ số GDP tăng, sản xuất công nghiệp, lương và thu nhập cơ bản ổn định.
“Kết quả khảo sát những năm gần đây cho thấy khối ngân hàng, dịch vụ tài chính có mức thưởng cao, khu vực sản xuất duy trì mức thưởng Tết Nguyên đán từ 1-2 tháng lương là phổ biến” – ông Huân nói. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền cũng khẳng định mặt bằng thưởng Tết Nguyên đán 2016 sẽ khá lạc quan, đa số thưởng tối thiểu bằng 1 tháng lương.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Thanh, Trưởng Phòng Chính sách lao động việc làm – Sở LĐ-TB-XH Hà Nội, xác nhận đến ngày 31-12-2015, tỉ lệ DN trên địa bàn thủ đô báo cáo thưởng Tết chưa tới 1% nên khó có thể biết mức thưởng cao hay thấp. Dù vậy, ông Thanh vẫn nhận định: “Do trong năm 2015, tình hình kinh doanh của DN khả quan hơn nên dự báo mức thưởng Tết Nguyên đán tương đương hoặc cao hơn năm ngoái”.
Trong chức năng nhiệm vụ của mình, Công đoàn (CĐ) các cấp đang khẩn trương phối hợp với chủ DN để lên kế hoạch thưởng Tết cho người lao động (NLĐ). Ông Nguyễn Văn Tuyến, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội, cho biết các cấp CĐ của TP đã và đang tiến hành khảo sát tình hình tiền lương, thưởng Tết của DN cho NLĐ. Theo ông Tuyến, qua khảo sát, phần lớn DN cho biết hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn cố gắng duy trì mức thưởng Tết ngang bằng năm ngoái.
Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra
Báo Người Lao Động số ra ngày 28-12-2015 thông tin về một đơn vị sản xuất tại quận Bình Tân, TP HCM công bố mức thưởng Tết cao nhất lên đến 320 triệu đồng/người. Đến thời điểm này, có thể xem đây là mức thưởng Tết “khủng” nhất được công bố.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện cũng có khá nhiều DN sớm công bố thưởng Tết với mức cao nhất tương đối khá. Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 – CTCP (Cienco4), không nói rõ mức thưởng cao nhất là bao nhiêu nhưng xác nhận mức trung bình là tương đối cao trong ngành giao thông vận tải. “Với giá trị sản lượng tiếp tục tăng trưởng, chúng tôi đã thống nhất với CĐ dự kiến số tiền thưởng Tết trung bình cho cán bộ, nhân viên và NLĐ của tổng công ty khoảng trên 20 triệu đồng/người, cao hơn mức bình quân của năm trước khoảng 2-3 triệu đồng” – ông Huỳnh nhấn mạnh.
Tại Quảng Ngãi, Công ty CP Đường Quảng Ngãi đưa ra mức thưởng cao nhất khoảng 120 triệu đồng/người. Công ty TNHH Công nghiệp Doosan Việt Nam (Hàn Quốc) khoảng 110 triệu đồng/người…
Trái lại, đến thời điểm này, nhiều DN vẫn không có kế hoạch thưởng Tết cho NLĐ. Theo ông Cao Đình Hòa, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Quảng Ngãi, trong số 30 DN chưa báo cáo thưởng Tết, phần lớn không có kế hoạch thưởng cho NLĐ với lý do sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
Theo phân tích của các chuyên gia lao động, khu vực DN dân doanh, nhất là ở các ngành thâm dụng lao động như dệt may, giày da sẽ rất khó khăn trong việc thưởng Tết cho NLĐ. Lý do là việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1-1-2016 dẫn đến chi phí trích nộp BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ tăng, tạo áp lực rất lớn cho DN. “Thời điểm cận Tết thường xảy ra đình công, ngưng việc tập thể ở khu vực DN này chủ yếu vì nợ lương, cắt xén chế độ phụ cấp, thưởng” – vị chuyên gia này nhìn nhận.
Tại huyện Hóc Môn, TP HCM, công nhân làm việc cho một DN may 100% vốn Hàn Quốc cho biết do làm ăn thua lỗ nên nhiều tháng qua, chủ DN không trả lương đầy đủ. “Lương trả còn khó khăn lấy đâu ra thưởng Tết” – một công nhân nói như mếu.
Anh Nguyễn Văn Đại, nhân viên phòng tổ chức – hành chính một DN xây dựng đang làm việc tại thủy điện Lai Châu, lo lắng vì DN còn nợ 4 tháng lương. Tết Dương lịch vừa qua, không ai được thưởng đồng nào. “Hiện công ty vẫn chưa có thông báo mức thưởng Tết Nguyên đán. Chúng tôi rất lo vì sẽ không có tiền chi tiêu 3 ngày Tết” – anh Đại bày tỏ.
Cần Thơ: Thưởng Tết giảm, có nơi chỉ 96.000 đồng/người
Ông Trần Vinh Quang, Trưởng Phòng Quản lý Lao động việc làm – Sở LĐ-TB-XH TP Cần Thơ, cho biết DN cổ phần có vốn nhà nước có mức thưởng Tết Dương lịch 2016 cao nhất là 62 triệu đồng/người và Tết Nguyên đán 186 triệu đồng/người, tương đương năm 2015. Đứng thứ 2 là DN FDI với mức thưởng cao nhất ở cả 2 dịp Tết cùng 21,5 triệu đồng/người. So với Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2015, mức thưởng này lần lượt giảm 109,7 triệu đồng và 41,5 triệu đồng. Trong khi đó, DN do nhà nước sở hữu 100% vốn có mức thưởng bình quân cho 2 dịp Tết lần lượt là 2 triệu đồng và 11 triệu đồng (giảm 21,4 triệu đồng); DN dân doanh 5 triệu đồng và 26,5 triệu đồng (tăng 1,5 triệu đồng).
“Nhìn chung, mức thưởng Tết 2016 của các DN trên địa bàn Cần Thơ đều thấp hơn cùng kỳ. Trong đó, công ty TNHH MTV do nhà nước sở hữu 100% vốn có mức thưởng thấp nhất, chỉ 96.000 đồng.
Ông Đinh Hoàng Hà, Phó Giám đốc Marketing Công ty CP Bảo hiểm Bảo Minh (quận 1, TP HCM):
Niềm vui, sự tự hào
Sau một năm làm việc vất vả, NLĐ rất mong có một khoản tiền thưởng Tết để chi tiêu, mua sắm. Dân gian có câu “Một đồng thưởng bằng 3 đồng lương”. Vì thế, tiền thưởng không chỉ là một khoản tiền mà còn là sự tự hào, niềm vui của NLĐ.
Trong năm 2015, Công ty CP Bảo hiểm Bảo Minh đặt ra mức tăng trưởng 7% nhưng tập thể NLĐ công ty đã làm việc hết mình để đạt mức độ tăng trưởng 9,4%. Do vậy, họ xứng đáng nhận được một khoản tiền thưởng cho cả năm làm việc vất vả của mình. NLĐ vừa nhận được khoản tiền thưởng Tết Dương lịch 2016 là 10 triệu đồng/người. Riêng khoản tiền thưởng Tết Bính Thân, dự kiến không thấp hơn 2 tháng lương.
Bà Nguyễn Thị Dung, Chủ tịch CĐ Công ty CP In Nhãn Bao bì Hoàng Hà (100% vốn Úc, KCN Tân Bình, TP HCM):
Khoản tiền rất quan trọng
Công ty CP In nhãn Bao bì Hoàng Hà có 120 lao động đang làm việc, trong đó có 5 người khuyết tật, với thu nhập bình quân 8,6 triệu đồng/tháng. NLĐ làm công ăn lương nên khoản tiền thưởng Tết vô cùng quan trọng với họ. Hiểu được vấn đề này nên ban giám đốc đã cân đối kế hoạch thu chi để có thưởng Tết hợp lý.
Như các năm, năm nay, công ty dự kiến thưởng 2 tháng lương cho toàn thể NLĐ để họ yên tâm, gắn bó với công việc. Không chỉ trả lương, thưởng cho NLĐ đủ sống, CĐ công ty còn xây dựng được học bổng Nguyễn Đức Cảnh để chăm lo cho con em NLĐ; tổ chức tham quan, du lịch cho NLĐ và gia đình 2 lần/năm… Nhờ có sự đãi ngộ này mà NLĐ gắn bó với công ty; đầu năm mới vào làm việc gần như đủ 100%, không công nhân, lao động nào có ý định bỏ việc.
Ông Đỗ Nga Việt, Chủ tịch CĐ ngành giao thông vận tải:
Nghĩa cử, ứng xử văn hóa của doanh nghiệp
CĐ ngành giao thông vận tải đang lên kế hoạch thăm hỏi, tặng quà cán bộ, CNVC-LĐ các đơn vị trong ngành, động viên các cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn, gia đình có công. Các trường hợp công nhân, lao động gặp khó khăn do cơ sở đề nghị lên đều được đáp ứng. Năm trước, riêng dịp Tết Ất Mùi, toàn ngành tổ chức thăm hỏi và trao tặng 13.165 suất quà với số tiền gần 15 tỉ đồng.
Thưởng Tết là sự tri ân đóng góp của DN đối với NLĐ sau một năm làm việc vất vả. Đây là nghĩa cử, ứng xử văn hóa mà DN phải coi trọng. CĐ ngành giao thông vận tải cố gắng thương lượng để NLĐ có mức thưởng Tết khá hơn năm trước.
Nguồn Người lao động