Hãng dược Johnson & Johnson xác nhận sẽ tìm kiếm 60 ngàn tình nguyện viên cho thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 9 tới. Công ty này cam kết sẽ có vắc xin vào đầu năm sau.
- Dịch COVID-19 ngày 20-8: Châu Âu chứng kiến ca nhiễm tăng kỷ lục
- Bản tin COVID-19 sáng 18-8: Tổng thống Mexico, Venezuela xung phong tiêm vắc xin Nga
- COVID-19 ngày 17-8: New Zealand tính hoãn tổng tuyển cử để an toàn cho 25.000 người
Nga sẽ bắt đầu thử nghiệm “giai đoạn hậu đăng ký” vắc xin ngừa COVID-19 trên 40.000 người vào tuần tới – Ảnh: AFP
Mỹ đẩy mạnh thử nghiệm vắc xin
Johnson & Johnson, một trong những công ty đang phát triển vắc xin ngừa COVID-19 đầy tiềm năng, xác nhận sẽ bắt đầu quá trình thử nghiệm giai đoạn 3 vào tháng 9 tới.
Việc thử nghiệm sẽ được tiến hành tại gần 180 địa điểm trên khắp Mỹ và các quốc gia khác, bao gồm cả Brazil và Mexico, theo hãng thông tấn AFP.
Số lượng tình nguyện viên mà công ty này cần lên tới 60.000 người, gấp đôi số tình nguyện viên của Moderna – một công ty khác đang thử nghiệm vắc xin giai đoạn cuối.
“Việc lập kế hoạch và tuyển tình nguyện viên đang được tiến hành nhưng sẽ phụ thuộc vào dữ liệu tạm thời về các thử nghiệm giai đoạn trước và sự chấp thuận của các cơ quan quản lý”, phát ngôn viên của Johnson & Johnson cho biết.
Quá trình thử nghiệm sẽ được tiến hành ở những nơi có tỉ lệ mắc bệnh cao, hứa hẹn những liều vắc xin đầu tiên sẽ sẵn sàng vào đầu năm 2021.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Brazil vượt mốc 3,5 triệu ca nhiễm, thổ dân chặn đường biểu tình
Bộ Y tế Brazil ngày 21-8 cho biết trong vòng 24 giờ qua đã ghi nhận hơn 45.000 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên hơn 3,5 triệu trường hợp. Trong số này, có 112.000 trường hợp đã tử vong.
Theo báo Guardian của Anh, bất mãn trước cách đối phó đại dịch của chính phủ liên bang, các thổ dân ở bang Para đã chặn một con đường huyết mạch đi qua rừng Amazon. Các thổ dân cho biết họ thất vọng khi chính phủ Brazil không ngăn chặn được đại dịch và để nó cướp đi 4 người già trong bộ lạc.
Không những vậy, chính quyền còn tiến hành xây dựng một tuyến đường sắt gần vùng đất của các thổ dân mà không hỏi ý kiến họ.
Ca nhiễm mới ở châu Âu tăng, WHO nói chưa cần phong tỏa
Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã tăng mạnh tại một số nước châu Âu trong ngày 20-8 khiến nhiều người lo ngại một đợt bùng phát dịch mới. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết châu lục này có thể chống chọi với đại dịch mà không cần phải phong tỏa toàn bộ xã hội.
Theo AFP, Ý ghi nhận 845 trường hợp mới trong ngày 20-8, con số cao nhất kể từ tháng 5 trong lúc Pháp báo cáo 4.700 trường hợp nhiễm mới – một sự gia tăng lớn so với ngày trước đó. Tại Tây Ban Nha, số ca nhiễm mới mỗi ngày tiếp tục cao hơn Pháp.
Theo số liệu của WHO, châu Âu ghi nhận trung bình 26.000 ca nhiễm mới/ngày, trong đó bệnh nhân trẻ tuổi ngày càng tăng. Điều này khiến một số người kêu gọi không nên mở cửa trường học.
Tuy nhiên, đại diện WHO tại châu Âu cho rằng tình hình có thể đang trở lại bình thường và đóng cửa trường học sẽ khiến trẻ em thiệt thòi. Báo Guardian cho biết Bỉ dự kiến sẽ mở cửa trường học vào tháng 9 tới và bắt buộc học sinh đeo khẩu trang khi tới trường.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Thêm một thượng nghị sĩ Mỹ mắc COVID-19
Thượng nghị sĩ Bill Cassidy, một thành viên của đảng Cộng hòa, được xác nhận dương tính với SARS-CoV-2 ngày 20-8. Đây là nghị sĩ Mỹ thứ 15 mắc COVID-19 trong vài tháng trở lại đây, chia đều cho cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Theo đài CNN, bản thân ông Cassidy là một bác sĩ. “Tôi đang tự cách ly và làm theo những gì được các chuyên gia y tế hướng dẫn. Những người khác cũng nên thận trọng”, thượng nghị sĩ đến từ bang Louisiana kêu gọi.
Theo Bảo Duy – tuoitre.vn