Ra trường tìm được một việc là nỗ lực không nhỏ, thế nhưng không ít bạn trẻ từ bỏ vì chút nóng vội, rồi lại vất vả tìm kiếm một công việc mới.
- Tổ chức tiệc cưới ngoài trời và những điều các cặp đôi cần lưu ý
- Những thói quen ‘tố cáo’ bạn có thể mắc bệnh nghiêm trọng
“Lúc đó tỉnh táo một chút thôi, mình sẽ không nghỉ việc. Mình cứ hối hận hoài, sao mình nóng tính như vậy chứ” – T.K. (24 tuổi, TP.HCM) nói.
Đồng nghiệp ấu trĩ hay bản thân trẻ con?
Sau một năm về quê phụ giúp gia đình bán bánh kẹo với dự định chuyển sang kinh doanh online nhưng không thành công, K. từ Bình Thuận trở vào TP.HCM đi làm cho một công ty bao bì. “Công việc cũng nhẹ nhàng, mỗi ngày chỉ tổng hợp số liệu, ghi chép quy trình… nên mình được nhận sau một tháng thử việc” – K. kể.
Mọi thứ hết… nhẹ nhàng khi K. bắt đầu mâu thuẫn với nam đồng nghiệp lớn tuổi làm cùng bộ phận. K. nói: “Bữa đó đầu tuần, mình vừa lên công ty, ổng gí xấp giấy tờ và biểu làm lại hết vì ghi chép lung tung. Lúc đó có sếp nữa nên mình quê lắm, máu nóng dồn lên mặt nhưng cố nén”.
Xem xét từ đầu tới cuối thấy không có gì sai, K. giải thích là do muốn thử cách trình bày mới cho ngắn gọn. “Nhưng ổng không hiểu, lại muốn ra uy với mình trước mặt sếp. Cãi qua cãi lại mình đập bàn, chỉ thẳng mặt ổng nói: Ông biết gì mà nói” – K. nhớ lại.
Lẽ ra câu chuyện cũng không có gì ghê gớm, nhưng sau đó K. và người đồng nghiệp cứ ghim gút trong lòng, không nhìn mặt nhau. Rồi trong một cuộc họp, K. “xổ” ra những lời bực tức, sau đó còn email cho sếp và tất cả nhân viên trong bộ phận thông báo rằng mình sẽ nghỉ vì quá chán nản cung cách làm việc của đồng nghiệp ấu trĩ kia kèm đơn nghỉ việc với chữ ký rõ to chuyển cho phòng nhân sự.
Khi lãnh đạo gọi lên hỏi chuyện, K. không lên với lý do “em đã nói rõ những gì cần nói trong email”. Chừng ba ngày sau, K. bắt đầu nhận thấy dường như bản thân “có gì đó sai sai” liền nhắn tin cho sếp bày tỏ, nhưng sếp chỉ trả lời: “Lên làm việc với bên nhân sự theo quy trình đi em”.
K. tá hỏa khi phía nhân sự đưa thủ tục chấm dứt hợp đồng và bàn giao công việc. “Mình tiếc. Dù sao công việc cũng nhẹ nhàng, lương cũng cao, lại gần chỗ trọ, nghỉ phép cũng thoải mái” – K. nói.
Giờ K. đang thử việc cho một công ty khác, nhưng cho biết hơi ngán ngẩm vì công việc áp lực và lương không bằng công ty cũ.
“Thánh” chuyển việc
Không chỉ nghỉ việc vội vàng, một số bạn trẻ còn chuyển việc liên tục vì nhiều lý do.
Giờ mỗi lần nhóm bạn rủ cà phê là Mỹ A. (30 tuổi, nhân viên kinh doanh một công ty bất động sản) lại e ngại. “Tôi sợ khi vui chuyện, mọi người lại nhắc chuyện chuyển việc nhiều của tôi, vì từ lúc tốt nghiệp tới giờ tôi chuyển cả chục công ty” – A. nói.
Xinh xắn, vừa tốt nghiệp cao đẳng, A. đã được nhận vào bán hàng thời trang cho một công ty lớn và nhanh chóng lên trưởng cửa hàng. “Thu nhập tốt nhưng mình nghe bạn bè nói làm mãi một chỗ cũng chán, có năng lực thì nên làm công việc gai góc hơn” – A. kể.
Vốn nhiễm tiểu thuyết, các câu chuyện lý tưởng sống, A. đầu quân cho dự án nông nghiệp sạch của nhóm bạn. A. nói: “Mình mù mờ lĩnh vực này, nhưng nghĩ còn trẻ sẽ dần học hỏi. Nào ngờ một năm sau dự án dẹp tiệm, lương mình cũng không nhận đủ, kiến thức chẳng có bao nhiêu vì lúc đó mình đang yêu nên xao lãng”.
Không nản, A. tiếp tục làm nhân viên tư vấn tại một trung tâm ngoại ngữ. “Ngồi suốt ngày, lương thấp, chẳng phát triển bản thân được nên mình lại nghỉ. Rồi sau đó làm nhân viên văn phòng, tiếp thị, có chỗ do quá xa chỗ ở, chỗ do môi trường làm việc kỳ cục mình lại nghỉ” – A. cho biết.
Công việc đang làm là do một người bạn thấy A. đang chán nản nên giới thiệu, nhưng thật sự A. không ham thích. “Nhìn bạn bè ai cũng ổn định, có người làm lâu đã lên sếp, mình xấu hổ lắm. Nếu kiên trì, không chảnh chẹ tính toán quá nhiều, chịu khó làm và học liên thông đại học, giờ mình đâu lỡ dở như vầy” – A. buồn buồn.
Tương tự, Đ.T. (32 tuổi) cũng được bạn bè nhắc tới nhiều trong chuyện “thay việc như thay áo”. T. tốt nghiệp đại học loại giỏi, thông minh, từ khi còn sinh viên đã được một vài công ty mời mọc sau này về làm việc. Thế nhưng không có công việc nào T. gắn bó quá hai năm.
“Giờ nghĩ lại tôi mới thấy mình bốc đồng, lại cứ nghĩ mình có năng lực nên nhiều khi không lắng nghe cấp trên. Thêm tâm lý muốn làm ở công ty lớn, lương cao nên tôi không chịu gắn bó với chỗ nào lâu” – T. kể.
Hiện tại, dù công việc khá tốt, T. chia sẻ: “Tôi cảm thấy mình đã bỏ lỡ điều gì đó, thiếu sự gắn bó với công việc, đồng nghiệp. Chuyển việc nhiều khiến tôi cũng thấy ngán ngẩm nhưng trong lòng lại cứ muốn thử cái mới”.
Bí kíp từ chuyên gia nhân sự:
Bùi Thị Thúy Hằng (28 tuổi) sau một lần nghỉ việc nay đã gắn bó với công ty mới được 5 năm ở bộ phận nhân sự. Hằng nói nếu được chọn lại, cô sẽ không nghỉ ở công ty cũ chỉ vì mấy lần cho rằng mình bị phân biệt đối xử. “Giờ mình cảm thấy yêu công việc mới. Công ty cũng nhỏ thôi, nhưng chế độ đãi ngộ và các mối quan hệ nơi làm việc thoải mái. Những lúc bực bội, mình tự an ủi là do công việc áp lực, đồng nghiệp ai cũng phải có lúc vui lúc buồn chứ. Quan trọng là năng lực của mình được nhìn nhận” – Hằng nói. Theo Hằng, vì làm việc liên quan nhân sự nên cô thường tiếp xúc với các nhân viên mới của công ty. Cô nhận thấy nhân viên mới thường quá rụt rè hoặc quá “lanh”, ít người có được sự bình tĩnh, linh hoạt. Do đó, khi gặp những tình huống liên quan giao tiếp, công việc, bạn trẻ thường bị “khớp”. Hằng đúc kết: “Để tránh không gặp những rắc rối khi tiếp cận công việc mới, các bạn nên tìm hiểu thật kỹ về công ty và những đầu việc mà mình sẽ đảm nhận, trao đổi kỹ về mức lương. Trong quá trình làm việc nên quan sát kỹ cung cách làm việc, văn hóa công ty, gu của công ty là hiện đại hay truyền thống để thích ứng”. Những sự quan sát, tìm hiểu như trên sẽ giúp bạn trẻ có sự chuẩn bị khi bước vào công việc. Quá trình làm việc, áp dụng kiến thức cũng đôi khi khác biệt với những điều được học, bạn trẻ vì vậy đừng nên sốc, phản ứng thái quá. Đừng bao giờ vội vàng quyết định chuyển việc. Hằng chia sẻ: “Khi gặp khó khăn, bạn nên gạch đầu dòng những điều thuận lợi khi mình nhận công việc này, kể cả những điều rắc rối. Nếu những điều thuận lợi chiếm đa số và những bất lợi có hướng giải quyết, bạn có thể cố gắng làm việc thêm một thời gian nữa”. Cộng thêm tâm lý “đứng núi này trông núi nọ”, khi chưa chuyển việc, bạn dễ có suy nghĩ công việc ở chỗ mới (trường hợp bạn đã nhắm được việc phù hợp) sẽ thú vị hơn. Công ty nào cũng có điểm mạnh và hạn chế, tới khi vào làm chính thức bạn mới cảm nhận được. Khi còn là sinh viên, ngoài đi làm thêm để có kinh nghiệm chuyên môn và ứng xử, bạn trẻ cũng nên tích lũy kiến thức từ các loại sách, các hội nhóm rèn kỹ năng, tham gia hoạt động xã hội… “Cần rèn sự bình tĩnh, tự tin, khiêm tốn, chăm chỉ vì công việc cũng như cuộc sống không thể luôn êm đềm. Hơn nữa, nếu tạo được lối sống quân bình, thái độ sống tích cực, bạn sẽ không cảm thấy quá áp lực với công việc” – Hằng nói. |
Theo RA NY (tuoitre.vn)