Một ngày bạn có 24 giờ, khoảng thời gian đó thuộc về bạn. Nhưng nó chỉ thực sự là của bạn khi bạn làm chủ được nó.
- Cách sử dụng email hiệu quả trong công việc
- 5 cách thông minh chuyển bại thành thắng trong công việc
- Mặc gì khi đi phỏng vấn để có được công việc mơ ước
Dù bạn là ai và bạn đang làm bất cứ công việc gì, một ngày của bạn cũng chỉ có 24 giờ. Nếu bạn có kỹ năng quản lý thời gian tốt, bạn sẽ tận dụng được tối đa 24 giờ vàng ngọc đó để phát triển tốt bản thân và sự nghiệp. Ngược lại, nếu mắc phải những lỗi quản lý thời gian “dở tệ” sau sẽ gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và công việc của bạn, cùng tham khảo để tránh mắc phải bạn nhé.
Không có mục tiêu rõ ràng
Mục tiêu lâu dài hay ngắn hạn không quan trọng bằng việc có mục tiêu. Khi bạn có mục tiêu, bạn sẽ không thể trì hoãn thời gian, bởi trong một khoảng thời gian nhất định bạn cần phải hoàn thành một mục tiêu nhất định. Trái lại khi không có mục tiêu, bạn cũng sẽ không có định hướng rõ ràng cho sự nghiệp và vì thế bạn không thực sự biết cách sử dụng thời gian hiệu quả.
Không lên danh sách những việc cần làm
Lỗi phổ biến của quản lý thời gian đó là cố gắng sử dụng trí nhớ của bạn để nhớ quá nhiều chi tiết dẫn đến bạn bị quá tải thông tin. “Gọi tên” những việc cần làm bằng cách viết chúng ra giấy theo “to-do-list” là cách để bạn biết bạn cần phải làm gì, dành khoảng thời gian bao nhiêu cho công việc đó vào thời điểm nào.
Không biết sắp xếp công việc theo mức độ
Các nhà tuyển dụng Bình Dương, Đồng Nai hay bất cứ đâu đều đánh giá cao ứng viên có khả năng sắp xếp công việc. Mặc dù lên danh sách công việc, nhưng nếu bạn không biết cách sắp xếp công việc theo mức độ, tính chất cấp thiết, quan trọng… thì bạn vẫn chưa thực sự biết cách quản lý thời gian. Bạn nên chia ra từng nhóm công việc, từng giai đoạn cụ thể và hoạch định khoảng thời gian cho từng việc. Danh sách càng chi tiết, bạn càng dễ quản lý, công việc được thực hiện hiệu quả hơn, việc nhỏ không bị bỏ sót, và việc lớn bạn cũng không bị quá tải.
Làm nhiều việc cùng thời điểm
Sự thật là khi làm nhiều việc cùng một lúc, bạn sẽ phải mất thêm 20-40% khoảng thời gian cần thiết để hoàn tất chúng so với khi làm tuần tự từng việc một. Bởi vậy, nên làm xong dứt điểm việc này rồi đến việc khác, hơn là làm nhiều việc cùng lúc nhưng lại mất thêm nhiều thời gian hơn để hoàn thành.
Ôm đồm quá nhiều việc
Khá nhiều người được gọi là “người vác tù và hàng tổng” cũng bởi tính cách không biết từ chối, bao đồng, thích thể hiện. Việc gì cũng nhận, việc gì cũng giữ cho mình, thậm chí làm hộ việc người khác… nhưng rồi lại không thể giải quyết tốt được. Điều này không những khiến bạn không được đánh giá cao mà còn tự khiến mình bị stress, mệt mỏi, hiệu suất công việc cũng vì thế mà kém đi.
Chưa kể, do ôm đồm quá nhiều việc, bạn không còn thời gian để sắp xếp tài liệu, đồ đạc trong góc bàn làm việc của mình. Vô hình chung, chỗ làm việc bừa bộn, lộn xộn không những làm giảm cảm hứng làm việc mà khiến tốc độ giải quyết công việc của bạn chậm lại do phải dành thời gian để đi “lục tìm” tài liệu.
Sa đà vào những việc không cần thiết
Tại công sở, có rất nhiều nhân sự dành thời gian cho những việc không cần thiết nhiều hơn cả những việc chuyên môn. Mạng xã hội, buôn chuyện, tán gẫu, chơi game, mua sắm online… chiếm một quỹ thời gian không nhỏ. Thậm chí họ không kiểm soát được và sa đà vào đó hàng giờ đồng hồ liên tiếp, trong khi công việc chuyên môn thì không được chú tâm. Hãy xác định rõ thời gian nơi công sở là để làm việc và hãy sử dụng thời gian đó một cách khoa học.
Không cho bản thân được thư giãn
Gồng mình 8 giờ thậm chí 10 giờ liên tục không nghỉ không giúp bạn làm việc hiệu quả hơn. Bởi ít ai có thể tập trung làm việc với năng suất cao mà không dành thời để cho bộ não được nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng. Thay vì tốn ít thời gian hơn thì bạn lại đang bị mất quá nhiều thời gian khi cơ thể bị quá tải, stress. Thư giãn là cách bạn tái khởi động bản thân, làm mới mình để làm việc hiệu quả hơn. Đó cũng là cách giúp bạn tiết kiệm được thời gian hơn.
Một ngày bạn có 24 giờ, khoảng thời gian đó thuộc về bạn. Nhưng nó chỉ thực sự là của bạn khi bạn làm chủ được nó. Đừng để mình luôn trong tư thế và tâm thế “rượt đuổi”, bằng cách tránh xa 7 lỗi quản lý thời gian thường gặp trên bạn nhé.
Nguyễn Lý