Phải từ bỏ nhiều “thói quen văn hóa” thời COVID-19

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo một số biện pháp phòng vệ để tránh lây lan virus SARS-CoV-2, trong đó có việc thường xuyên rửa tay và giữ khoảng cách với người khác (ít nhất là 1 mét) trong khi giao tiếp với ai đó có biểu hiện không khỏe.

Như vậy việc thay đổi thói quen bắt tay chào hỏi, thậm chí ôm nhau để bày tỏ tình cảm thân mật trong giao tiếp nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 là việc làm thận trọng nhưng cần thiết lúc này.

Văn hóa bắt tay, ôm hôn của người phương Tây

Do bối cảnh địa lý, kinh tế, văn minh, triết lý và ảnh hưởng tôn giáo khác nhau, mỗi xã hội đều có một nền văn hóa khác nhau.

Nếu như với văn hóa phương Đông, mỗi khi gặp gỡ, chào hỏi, người phương Đông thường có nghi thức bắt tay hay cúi chào, thì ở phương Tây, bất kể đàn ông hay đàn bà khi gặp mặt, họ không chỉ giữ thói quen bắt tay mà còn ôm hôn để bày tỏ tình cảm thân thương, quý trọng. Thói quen hôn lên má khi chào hỏi  cũng là chuyện rất phổ biến ở châu Âu. Với nền văn hóa mở, người phương Tây còn rất ưa thích các hoạt động ngoài trời và giao lưu gần gũi. Tuy nhiên hiện nay, điều này đang vô tình tạo điều kiện cho dịch COVID-19 gia tăng với tốc độ chóng mặt ở châu Âu.

Tại Pháp, trong nỗ lực siết chặt các hoạt động nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19, giới chức Pháp đã quyết định đóng cửa các quán café, nhà hàng, trường học và kêu gọi người dân hạn chế di chuyển. Thế nhưng người dân ở Paris vẫn giữ thói quen ra ngoài để tận hưởng không khí, phơi nắng. Có vẻ như việc phải nhốt mình trong 4 bức tường và làm bạn với chiếc khẩu trang là “cực hình” với người Paris. Đây là thực trạng đáng lo ngại khi dịch bệnh đang lan rộng và giới chức Pháp vẫn bày tỏ hy vọng thói quen này sẽ thay đổi theo mùa dịch.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hay như tại Italy, trong bối cảnh dịch COVID-19 tấn công mạnh mẽ quốc gia châu Âu này, giới chức Italy ban đầu vẫn còn lúng túng và không dứt khoát trong việc yêu cầu cấm tụ tập đám đông đã khiến dịch lây lan rất nhanh. Tại thời điểm nóng khi dịch COVID-19 đang hoành hành tại Italy, dường như người dân nước này vẫn rất khó để từ bỏ những thói quen như những nụ hôn má khi gặp nhau, hay thói quen ban bánh thánh vào miệng những tín đồ Công giáo, và tụ tập nơi đông người… dù đã được khuyến cáo hạn chế, tạm ngừng các thói quen này lại. Với nền văn hóa ưa chuộng các hành động thân thiết khi giao tiếp, thêm vào đó là việc tiếng Italy cũng là một trong những ngôn ngữ đòi hỏi nhiều sự biểu cảm, đặc biệt là việc sử dụng ngôn ngữ hình thể như bắt tay, ôm hôn…, những đặc điểm này vô tình đã khiến người dân Italy trở nên nhạy cảm hơn với dịch COVID-19.

Theo các chuyên gia, bàn tay là bộ phận cơ thể thường xuyên tiếp xúc với đồ vật chứa nhiều vi khuẩn, virus như tay nắm cửa, nút điều khiển thang máy, tay vịn cầu thang… Việc bắt tay tuy giúp thu hẹp khoảng cách giữa người với người, nhưng điều này không bảo đảm an toàn trong phòng chống dịch.

Vì vậy, hành động bắt tay, ôm hôn, tiếp xúc với khoảng cách gần, là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm, trong đó có COVID-19.

Phải từ bỏ nhiều “thói quen văn hóa”

Có thể thấy, bắt tay được coi như lời chào hỏi khi gặp gỡ, giao lưu. Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 ngày càng lan rộng và có những diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, các chuyên gia y tế cho rằng thói quen này cần phải được thay đổi.  Theo đó, thấy được nguy cơ lây nhiễm từ nguyên nhân này, một số quốc gia đã có những chỉ dẫn cụ thể hơn về văn hóa chào hỏi với người dân để tránh lây nhiễm virus corona.

Ví như tại Bắc Kinh (Trung Quốc), nhà chức trách treo nhiều băng rôn khuyến cáo người dân không nên chào nhau bằng cách bắt tay mà chỉ cần giơ tay chào là đủ.

Ở Pháp, giới truyền thông đăng ý kiến của các chuyên gia khuyên rằng mọi người nên tránh bắt tay hoặc hôn má để chào hỏi, thay vào chỉ cần nhìn vào mắt nhau là đủ. Bộ trưởng y tế Thụy Sĩ cũng đã đề nghị loại bỏ thói quen hôn chào xã giao này.

Cách chào hỏi này cũng đã ngay lập tức được giới chính trị gia áp dụng, khi Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer ngày 2-3 từ chối bắt tay Thủ tướng Angela Merkel. Hành động này khiến nữ lãnh đạo hơi bất ngờ nhưng cũng vui vẻ chấp nhận và nói rằng Bộ trưởng Seehofer đã cư xử đúng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lãnh đạo Sở Y tế bang New South Wales (Australia) Brad Hazzard đã kêu gọi người dân nên cẩn trọng với các nụ hôn và gợi ý nên vỗ vai để chào nhau thay vì bắt tay. Còn ở New Zealand, một số trường học đã tạm thời bỏ kiểu chào truyền thống “hongi” của người Maori, theo đó 2 người chạm trán và mũi vào nhau.

Trong khi đó, Đài ESPN đưa tin cơ quan quản lý giải bóng rổ nhà nghề Mỹ khuyến cáo các ngôi sao không nên giao lưu với người hâm mộ bằng cách đập tay hay nhận các vật phẩm như áo, bóng, bút để ký tặng.

Các nước Trung Đông-châu Phi như Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hay Qatar cũng khuyến cáo công dân áp dụng cách chào hỏi tương tự. UAE khuyến cáo người dân tạm thời không chào hỏi theo kiểu truyền thông là cọ mũi vào nhau nữa. Trong khi đó tại Ai Cập, quốc gia nổi tiếng có tinh thần hài hước trong thế giới Arab, việc hôn lên má khi chào hỏi giữa mọi người là một văn hóa rất phổ biến tại Ai Cập cũng như ở nhiều nơi khác trong khối các nước Arab. Nhưng khi dịch COVID-19 bùng phát, một câu khẩu hiệu được lan truyền rộng rãi những ngày này ở Ai Cập là: “Chúng ta không bắt tay, không hôn nhau và không lan truyền virus”.

Tại Iran, nơi dịch bệnh COVID-19 đang trở thành nỗi ám ảnh khi là nước có tỉ lệ người chết vì COVID-19 cao nhất sau Trung Quốc, đã lan truyền trên mạng xã hội một video cho thấy hai người đàn ông chạm chân vào nhau thay vì hôn để tránh tiếp xúc gần không cần thiết trong mùa dịch. Giới chức Iran cũng khuyến cáo người dân Iran không nên hôn lên các bề mặt đền thờ để phòng lây nhiễm corona.

Thói quen bắt tay và hôn khi chào nhau cũng có ở các nước châu Á, trong đó có tại Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư thế giới. Vì vậy chính quyền Indonesia đã khuyến nghị người dân nên dùng cách chắp tay chào nhau theo kiểu namaste của người Ấn Độ thay cho những kiểu chào có tiếp xúc gần khác.

Singapore cũng đã phát các thông cáo khuyến khích mọi người dùng cách chào kiểu vẫy tay, chạm khuỷu tay và kiểu chắp tay cúi chào namaste thay cho bắt tay và hôn chào nhau.

Nhìn chung trên toàn cầu, các nhà chức trách đều khuyến khích công dân tránh tiếp xúc gần vì virus corona có thể dễ dàng lây lan. Những quốc gia có truyền thống ôm hôn khi chào đều tạm thời khuyến cáo tránh làm vậy, và ở nhiều địa điểm tâm linh tạm thời sửa đổi các nghi thức liên quan đến việc đụng chạm giữa các cá nhân hoặc dùng chung đồ vật để ngăn chặn việc phát tán virus.

Triển khai thêm nhiều biện pháp khẩn trương quyết liệt.

Trước sự diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh COVID-19, tất cả các quốc gia từ tất cả các châu lục đều khẩn trương áp dụng các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh như từ việc hạn chế đến lúc phải cấm nhập cảnh, đóng cửa biên giới, đóng cửa trường học, tăng cường làm việc từ xa, cấm các hoạt động tập trung đông người.

Tuy nhiên, dường như những nỗ lực trên được xem là chưa đủ. Đối với căn bệnh COVID-19 lần này, WHO tuyên bố là đại dịch. Chính vì vậy, khi tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu đồng nghĩa với việc các quốc gia cần phải hành động ngay và triển khai, áp dụng tất cả các biện pháp có thể.

Trải qua các dịch bệnh trước đây cho thấy, ở mỗi giai đoạn dịch bệnh, các nước có thể chọn cách “khoanh tay đứng nhìn”, đóng cửa biên giới với vùng dịch hay gửi hỗ trợ, và triển khai các phương án dự phòng tình huống dịch lan tới nước mình. Tuy nhiên, khi dịch bệnh trở thành đại dịch, các nước phải hành động khẩn cấp và quyết liệt hơn, như chuẩn bị cho các bệnh viện tiếp nhận một lượng lớn bệnh nhân, khuyến khích người dân thay đổi hành vi, tránh gặp gỡ, tụ tập đông người, nâng cao tinh thần tự cách ly. Bên cạnh đó, các nước có thể học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, phối hợp chặt chẽ với nhau để chống dịch, và Trung Quốc đang là một điển hình.

Cũng trong cuộc chiến chống COVID-19, ngoài Trung Quốc thì Việt Nam cũng được các tổ chức quốc tế và chuyên gia y tế đánh giá cao về các biện pháp mạnh mẽ, triệt để, toàn diện, chủ động để chặn sự lây lan virus trong cộng đồng, bao gồm cả minh bạch thông tin phòng chống dịch. Nỗ lực của Việt Nam đã được WHO ghi nhận và đánh giá cao. Liên hợp quốc còn sử dụng kinh nghiệm giai đoạn đầu của Việt Nam để chia sẻ với các nước trên thế giới.

Theo Quang Minh (Công lý & Xã hội)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN