“Bằng nhiều biện pháp cụ thể, đến nay về cơ bản Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh” – Phó thủ tướng Vũ Đức Đam báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong cuộc họp sáng nay 23-3.
- Dịch COVID-19 sáng 23-3: Ít nhất 32.149 người Mỹ dương tính, 400 người chết
- 4 nguyên liệu chăm sóc tóc tại nhà, hạn chế ra tiệm mùa COVID-19
Ngay tại đầu phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (23-3), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã báo cáo về công tác phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam.
“Phía trước vẫn còn rất nhiều khó khăn và không ít rủi ro, đòi hỏi công tác chống dịch phải tiếp tục được thực hiện đồng bộ, quyết liệt và phải có các giải pháp phù hợp với thực tiễn dịch bệnh đe dọa lây lan trong cộng đồng” – Phó thủ tướng nói.
Ông cho biết đến nay thế giới đã ghi nhận gần 246.000 trường hợp mắc COVID-19 và trên 10.000 trường hợp tử vong tại 180 quốc gia, vùng lãnh thổ. Các chuyên gia đánh giá nguyên nhân lây lan nhanh và tử vong nhiều ở một số nơi là do không khống chế được ngay từ đầu, tới khi có nhiều người mắc bệnh thì quá tải.
Việc xét nghiệm cho tất cả các đối tượng nghi lây nhiễm là thách thức với mọi quốc gia vì trong thời gian đầu không có kit thử, sau này có kit thử thì các nước đang phát triển không có đủ phòng thí nghiệm.
“Đặc biệt, do sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội nên tình trạng khủng hoảng tâm lý xã hội; khủng hoảng trang thiết bị, vật tư y tế liên quan đến chống dịch trong đó có khẩu trang, máy thở, kit thử… diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới” – ông Đam báo cáo.
Vẫn theo người đứng đầu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của Chính phủ, đối với Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ngay từ đầu Bộ Y tế đã xác định các mục tiêu, yêu cầu cụ thể là: Ngăn chặn, kiểm soát không để dịch lan rộng; Giảm tối đa ca tử vong do dịch bệnh; Không để lây nhiễm chéo trong quá trình điều trị người nhiễm bệnh; Không để tâm lý xã hội hoảng loạn hoặc lơ là chủ quan; Hài hòa giữa yêu cầu chống dịch với yêu cầu quan hệ đối ngoại và phát triển kinh tế xã hội.
Đặc biệt, Bộ Y tế đã chủ động phối hợp với các ngành để dự báo tình huống và xây dựng 5 kịch bản phòng chống theo các cấp độ, với tinh thần phải lường đến tình huống xấu hơn để tình huống đó không xấu đi; phải tính đến tình huống xấu nhất để tình huống đó không xảy ra.
Trong 5 cấp độ trong kịch bản, tình huống xấu nhất là dịch có thể lây lan trên diện rộng với trên 30.000 trường hợp mắc.
Việt Nam đã thành công trong giai đoạn đầu chống dịch, với 16 ca nhiễm có nguồn gốc từ Trung Quốc và Hàn Quốc đều đã được chữa khỏi (trong khi nhiều dự báo cho rằng Việt Nam sẽ có hàng ngàn ca nhiễm bệnh và tỉ lệ tử vong tương đương Trung Quốc).
Bước sang giai đoạn 2, khi châu Âu là tâm điểm của dịch, các chuyên gia đưa ra dự báo dù Việt Nam đã có kinh nghiệm ở giai đoạn trước, nhưng vẫn sẽ có hàng ngàn người mắc bệnh (có dự báo đưa ra mức 600-4.000 người nhiễm, 40-160 ca tử vong).
Tuy vậy, bằng nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt, hiệu quả, đến nay Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao các giải pháp mà Chính phủ đã thực hiện để ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh. “Hiện nay chúng ta đang kiểm soát ở thế chủ động để kiểm soát, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh” – bà Ngân nói.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tình cảm thân thiết, lời cảm ơn với các lực lượng y tế, quân đội, công an, tiếp viên hàng không… và nhân dân đã chung lưng đấu cật, quyết tâm phòng chống dịch bệnh.
Bà Kim Ngân đề nghị Chính phủ, các cấp chính quyền thực hiện triệt để các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra, đặc biệt là việc sàng lọc các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm, cách ly triệt để. Chia sẻ với trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về sự vất vả của các thành viên Ban chỉ đạo và cá nhân ông, Chủ tịch Quốc hội động viên ông Đam giữ gìn sức khỏe và nhớ “ngủ một chút đi anh”.
Chủ tịch Quốc hội kêu gọi mọi người dân trở thành những chiến sĩ, tích cực tham gia công tác phòng chống dịch bệnh để cả nước sớm chiến thắng dịch COVID-19, đưa các hoạt động kinh tế – xã hội bình thường trở lại.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cũng thực hiện nghiêm các giải pháp của Ban Chỉ đạo. Chúng tôi cho áp dụng công nghệ để có thể làm việc tại nhà, tới đây Hội nghị ĐBQH chuyên trách các đại biểu cũng không phải họp tập trung nữa” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết. |
Theo Lê Kiên (tuoitre.vn)