Sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump tiếp tục ngừng cấp thẻ xanh (thẻ định cư dài hạn ở Mỹ) cho đến cuối năm 2020 sẽ có hiệu lực từ hôm nay 24-6. Quyết định này cũng sẽ có hiệu lực đối với một số loại thị thực (visa) làm việc.
- Thế giới hơn 9 triệu ca COVID-19, thành phố tâm dịch New York hoạt động lại
- Biểu tình lan ra toàn bộ 50 bang ở Mỹ
- Trong lúc ai cũng hướng về biểu tình tại Mỹ, Covid-19 đã lây lan với tốc độ nhanh bậc nhất từ trước đến nay
Người lao động Mỹ trước trụ sở lao động ở New York ngày 20-3 dù nơi này đang đóng cửa vì dịch COVID-19 – Ảnh: Reuters
Sau vài phát ngôn dọn đường, ngày 22-6, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh mở rộng chủ trương ngừng cấp visa lao động cho người nước ngoài ít nhất đến cuối năm 2020, bao gồm visa L-1 và H-1B vốn được các tập đoàn công nghệ đa quốc gia của Mỹ sử dụng nhiều cho nhân sự của mình.
Bảo vệ việc làm cho người Mỹ
Lý do của ông Trump là bảo vệ công ăn việc làm cho người Mỹ khi hàng chục triệu người đã thất nghiệp do dịch COVID-19. Theo một quan chức cấp cao Chính phủ Mỹ, quyết định này sẽ giúp tạo 525.000 việc làm cho người lao động Mỹ từ nay đến cuối năm 2020.
Theo đó, đến tháng 12-2020, các hồ sơ xin cấp thẻ xanh mới được xem xét phê duyệt. Việc cấp các loại thị thực làm việc như H-1B cho các đối tượng lao động người nước ngoài tại các công ty công nghệ, H-2B dành cho lao động nông nghiệp tạm thời, cũng như các đối tượng khách trao đổi, người lao động chuyển nhượng giữa các công ty, đến cuối tháng 12 mới được nối lại.
Điều này đồng nghĩa những người hết hạn thị thực trong khoảng thời gian này sẽ buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động và rời Mỹ.
Hiện kinh tế Mỹ đang trong giai đoạn dần mở cửa trở lại, nhưng các nhà kinh tế dự báo tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao.
Ngày 18-6, Bộ Lao động Mỹ thông báo đã có thêm 1,5 triệu người dân Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp vào tuần trước, nâng tổng số người thất nghiệp, ít nhất là tạm thời, do dịch COVID-19 lên 45,7 triệu người.
Hồi đầu tháng, ông Jerome Powell – chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) – đã cảnh báo tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ đến cuối năm 2020 có thể vẫn ở mức cao tới 9,3%, dù có tốt hơn so với mức 13,3% hiện nay.
Đại gia công nghệ la làng
Theo Đài CNN, sắc lệnh của Tổng thống Trump sẽ có hiệu lực từ ngày 24-6. Viện Chính sách di trú, tổ chức học giả có trụ sở tại Washington DC, ước tính khoảng 219.000 lao động nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng, tức không thể đến Mỹ làm việc.
Các doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là nhóm công nghệ vốn phụ thuộc vào lao động nhập cư trình độ cao, lên án chính sách trên là sự cản trở đối với phát triển và sáng tạo.
“Nhập cư đã đóng góp lớn cho thành công kinh tế của Mỹ, biến đất nước thành lãnh đạo toàn cầu về công nghệ, và giúp Google trở thành một công ty như ngày nay. Chúng tôi thất vọng vì tuyên bố của tổng thống, chúng tôi sẽ tiếp tục đứng về phía người nhập cư và mở rộng cơ hội cho tất cả” – giám đốc điều hành Google Sundar Pichai viết trên Twitter ngay sau thông báo của Nhà Trắng.
Bà Jessica Herrera-Flanigan, lãnh đạo bộ phận chính sách công và từ thiện của Công ty Twitter, chia sẻ cùng quan điểm: “Nó sẽ gây hại cho tài sản lớn nhất của nước Mỹ: sự đa dạng. Đơn phương đóng cửa một cách không cần thiết đối với nguồn tài năng tay nghề cao là hành động thiển cận, gây hại sâu sắc cho sức mạnh kinh tế của Mỹ”.
Hãng Amazon nhận định chính sách của ông Trump không những không giúp gì cho kinh tế Mỹ phục hồi, mà còn làm giảm tính cạnh tranh toàn cầu của Mỹ đúng vào thời điểm khó khăn. Hiệp hội Internet Mỹ (bao gồm các thành viên Amazon, Google, Facebook, Microsoft, Twitter, Uber, Paypal) thì tỏ ra quan ngại khi chương trình visa H-1B bị ông Trump đưa vào tầm ngắm.
“Các lao động mang visa H-1B đã giúp nước Mỹ tạo thêm công ăn việc làm, đưa kinh tế phát triển. Mọi ngành nghề đều có lợi nhờ những cá nhân giỏi nhất, không quan trọng họ đến từ đâu” – Hiệp hội này ra thông cáo.
Singapore ưu tiên tuyển dụng lao động trong nước
Bộ Nhân lực Singapore (MOM) vừa ra bộ quy định mới, yêu cầu các công ty tuyển dụng “bảo đảm công bằng” cho các ứng viên là công dân nước này trong quá trình xem xét hồ sơ. Theo đó, các nhà tuyển dụng phải đưa ra tiêu chí lựa chọn công bằng, xác định “người Singapore là hạt nhân” trong quá trình tuyển dụng, đồng thời phải có “những nỗ lực đáng kể” trong việc thu hút người Singapore vào các vị trí đang tuyển dụng. Hiện Singapore có khoảng 3.900 công ty tuyển dụng đang hoạt động. Các nhà tuyển dụng được khuyến cáo phải xem xét tất cả các ứng viên dựa trên chất lượng và từ chối các yêu cầu hay định hướng nhân sự của các công ty khách hàng nếu thấy có dấu hiệu “phân biệt đối xử trong tuyển dụng”. Nếu các công ty tuyển dụng vi phạm, họ sẽ phải đối mặt với các biện pháp phạt như bị tước giấy phép, không được nộp hồ sơ gia hạn hay xin cấp mới giấy phép lao động trong vòng 1-2 năm. |
Theo Tuổi Trẻ