Từng sở hữu hàng nghìn công nhân, số tài sản khó thể đo đếm được nhưng do việc làm ăn khó khăn, bế tắc, các đại gia đã phải nhập viện tâm thần điều trị. Thậm chí có người còn phải chọn cho mình một cái chết tức tưởi.
“Lên voi xuống chó”
Nguyên nhân vụ việc một đại gia đất cảng rơi từ tầng 19 tòa nhà Thùy Dương Plaza (TP Hải Phòng) gây xôn xao dư luận những ngày qua được xác định là do tự tử. Nạn nhân là ông Nguyễn L. (41 tuổi), Phó tổng giám đốc của tòa nhà này. Một số bạn bè của ông L. cho biết, trước khi sự việc xảy ra tâm trạng người đàn ông đã có 1 vợ 2 con này không tốt, thường xuyên mất tập trung và lên Facebook viết một status dài gửi vợ với những câu chữ đầy ẩn ý.
Xung quanh cái chết của nạn nhân, một số thông tin cho rằng, vị đại gia đã có mâu thuẫn tiền bạc với một số chủ đầu tư trên địa bàn nên tìm đến cái chết.
Cũng trong khoảng đầu tháng 11 một trường hợp tự tử khủng khiếp nữa diễn ra tại phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa. Nguyên nhân cái chết của ông Hà và vợ con (4 người) cũng được xác định là tự tử.
Trong thư tuyệt mệnh, ông này ân hận vì đã thiếu tỉnh táo trong quan hệ, làm ăn dẫn tới nợ nần chồng chất, làm khổ gia đình, anh em dòng họ.
Tại hiện trường, công an thu giữ được nhiều vỏ tân dược, thư tuyệt mệnh, file ghi âm lời nói và nhiều giấy tờ thể hiện việc vay nợ của ông Hà trong kinh doanh. Nhà chức trách nhận định, ông Hà do nợ nần lớn nên túng quẫn, rạng sáng ngày 1/11 đã đầu độc vợ và hai con trai sau đó treo cổ tự tử.
Tương tự, là một giám đốc công ty bán máy tính ở TP.HCM nhưng số phận ông N.Q.L. lại kết thúc bằng cái chết trong tư thế treo cổ. Từ việc vay 300 triệu đồng để kinh doanh, ông L. đã trở thành con nợ với số tiền lên tới hàng tỷ đồng.
Trong thư tuyệt mệnh, ông L. đề cập đến việc vợ chồng ông vay tiền của vợ chồng ông T. khoảng 300 triệu đồng nhưng lãi mẹ đẻ lãi con số nợ đã lên đến 1,2 tỉ đồng.
Ngoài ra, để có tiền trả lãi suất cho ông T. và cần vốn kinh doanh, vợ chồng L. còn vay mượn của một số người khác, tổng số tiền nợ hiện nay hơn 4 tỉ đồng… Cùng đường, người này cũng đã chọn cái chết.
Đại gia vào viện tâm thần
BS Trần Thị Hồng Thu, trưởng khoa Lâm sàng, Bệnh viện tâm thần Mai Hương cũng chia sẻ bi kịch của một đại gia ở Cầu Giấy, Hà Nội. Anh vốn là một giám đốc công ty BĐS có tiếng, gia đình bề thế. Tại thời điểm bất động sản còn đang phát triển rực rỡ tiền trong túi anh mọc như nấm sau mưa.
Thế nhưng cuộc đời không phải lúc nào cũng suôn sẻ như mong muốn. Khi thị trường bất động sản đi xuống, việc làm ăn của anh không dễ dàng gì. Nhà xây xong không bán được, nợ ngập đầu, anh quyết bán cả xe hơi, cầm cố nhà cửa để trả nợ.
Lúc này, cuộc sống gia đình cũng lục đục. Anh bắt đầu uống rượu, nghiện rượu và mặc cảm, sống khép kín hơn và nghĩ rằng mình là nguồn cơn gây nên gánh nặng hiện tại cho cả gia đình. Tình trạng này kéo dài vài tháng liền khiến tinh thần anh bất ổn, nghĩ đến con đường kết thúc cuộc đời.
Tuy nhiên sau đó gia đình anh phát hiện và đưa anh đến bệnh viện tâm thần để điều trị.
Một đại gia khác cũng phải điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia là doanh nhân K. ở Hải Phòng. Theo người nhà bệnh nhân K., ông này trước đây là chủ một doanh nghiệp chuyên về xây dựng với gần 2 nghìn công nhân.
Sau khi thị trường xây dựng lao vào tình trạng ảm đạm, cũng là lúc công ty đứng trước bờ vực phá sản. Nợ ngân hàng, nợ lương công nhân, nợ bảo hiểm… buộc vị tổng giám đốc này phải bán tháo các tài sản với giá rất rẻ.
Tuy nhiên, ông cũng tuyên bố phá sản với số nợ lên đến cả trăm tỷ đồng. Ông K. bắt đầu có những dấu hiệu bất thường như cáu gắt, quát mắng người nhà, đập phá đồ đạc… cuối cùng người nhà buộc phải cưỡng chế đưa ông vào viện.
Chuyện đại gia “lên voi xuống chó”, thậm chí phải vào bệnh viện tâm thần không phải là hiếm. Về tình trạng này, người nhà nên theo dõi để phát hiện sớm sự việc tránh những hậu quả đau lòng.
Ths.BS Đinh Công Uân, BV Tâm thần Trung ương I, cho biết, triệu chứng lâm sàng bệnh trầm cảm bao gồm từ vẻ bề ngoài đến tâm trạng, các hành vi của bệnh nhân.
Người có dấu hiệu trầm cảm thường có vẻ mặt buồn rầu, ánh mắt chậm chạp, lơ đãng. Những thích thú trước đây của bệnh nhân bị giảm hoặc mất. Ví dụ trước bệnh nhân rất thích xem bóng đá, mua sắm… thì bây giờ họ không thích nữa. Người bệnh mất tự tin vào bản thân, họ có cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi. Họ luôn nghĩ mình đã làm hỏng mọi việc và họ đã trở thành gánh nặng cho gia đình, cơ quan và xã hội.
Ngoài ra, đa số bệnh nhân trầm cảm có triệu chứng mất ngủ, mất cảm giác ngon miệng, ăn ít.
Đặc biệt, người trầm cảm thường có ý tưởng và hành vi tự sát. Họ nghĩ rằng bệnh mình nặng và họ bi quan về tương lai nên dễ tìm đến cái chết để tự giải thoát cho mình.
BS Uân cho biết thêm: “Khi bệnh nhân có từ 5 triệu chứng được mô tả ở trên và kéo dài trong 2 tuần lễ thì bệnh nhân được chẩn đoán là trầm cảm. Để điều trị, bệnh nhân phải được dùng thuốc chống trầm cảm, kết hợp với thuốc an thần, thuốc giải lo âu”.
Ngoài ra, ông Uân cũng nhấn mạnh, tất cả các bệnh nhân trầm cảm đều có thể có ý tưởng và hành vi tự sát.
Việc theo dõi bệnh nhân chặt chẽ trong 2 tuần đầu điều trị là rất quan trọng. Vì phải cần ít nhất từ 2-3 tuần thì thuốc chống trầm cảm mới có tác dụng và mới cải thiện được triệu chứng trầm cảm của bệnh nhân.
Nguồn Vietnamnet