Thức dậy từ 3-4h để chuẩn bị cho ngày trọng đại, 100 đôi uyên ương với áo dài, khăn đóng đã có một ngày ‘còn cực hơn đi làm’ nhưng đầy nụ cười.
- Sửng sốt trước vẻ đẹp của hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á ở Hà Giang
- Những điểm đến ở Việt Nam khiến du khách nước ngoài “say như điếu đổ”
Họ là công nhân, người khuyết tật, người lao động làm đủ thứ công việc từ bán vé số, bán hàng rong… và chưa từng có một đám cưới trọn vẹn vì cuộc mưu sinh đầy vất vả.
Trong bàn tiệc cưới của họ, ngoài cha mẹ, người thân, đồng nghiệp chung xưởng làm còn có cả những đứa con, là trái ngọt tình yêu của họ. Có những đôi vợ chồng đã chờ đến 20 năm mới có một ngày cưới, khi mà đứa con đã chuẩn lên đại học
Lễ cưới của 100 đôi uyên ương cũng tổ chức vào một ngày đặc biệt – ngày Quốc khánh 2-9. Chú rể chở cô dâu trên những chiếc xe hoa là những chiếc xe đạp điện gắn hoa cưới xinh xắn, chạy khắp nẻo phố xá bình yên, vắng người hơn trong những ngày nghỉ lễ.
“Hôm qua lễ tổng duyệt, hôm nay phải dậy từ 2h để trang điểm. Mệt nhưng mà vui lắm. Mình dậy sớm mà các bạn tình nguyện viên, các anh chị trang điểm, chụp hình còn tới sớm hơn mình nữa”, cô dâu Trịnh Thị Bích Nhân (34 tuổi) chia sẻ.
Chị Nhân là một vận động viên bơi khuyết tật đã gắn bó tình nghĩa với người chồng đang làm bảo vệ nhiều năm nhưng “vì hoàn cảnh khó khăn nên cũng chưa cưới xin”.
Trước đó một tháng, nhóm chụp ảnh cưới miễn phí đã chụp ảnh cưới cho các đôi để cặp nào cũng có một album cưới kỷ niệm ngày đặc biệt.
Đây là lần thứ 12, chương trình Lễ cưới tập thể được Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM (Thành đoàn TP.HCM) tổ chức để giúp cho các bạn công nhân, người lao động khó khăn có một ngày vui cùng với người thân, đồng nghiệp.
Trong 12 năm qua đã có 922 cặp vợ chồng góp mặt trong những lễ cưới tập thể được tổ chức vào ngày Quốc khánh hàng năm.
Theo tuoitre.vn