Giò lụa 6 miếng, giò bò 6 miếng, thịt gà 12 miếng, bánh giày 6 cái, quýt 6 quả… mâm 6 người cứ thế mà chia. Đến cái tăm cũng tròn 6 cái, ai xỉa răng mà vô tình làm gẫy thì thôi, để về nhà xỉa tiếp.
Chạy sô, trả nợ miệng
Cưới xin với cô dâu chú rể là một việc trọng đại trong đời, với người thân bè bạn là một dịp vui hiếm có. Nhưng dường như, đã từ lâu người ta không còn cái cảm giác háo hức, mong chờ mỗi khi nhận được một tấm thiệp hồng mời đám cưới mà chỉ còn là nỗi lo mang tên: “Thiệp hồng trao tay, mất ngay tạ thóc” trong mùa cưới.
Dịp cuối tuần về quê, vừa thấy tôi thập thò đầu ngõ, bố mừng như bắt được vàng “Mày về đúng lúc quá. Sáng mai hai bố con mình phải chia nhau đi… 3 đám cưới cơ đấy. Mày đi đám ông Toàn. Còn 2 đám kia bố đi”.
Tôi thộn mặt ra ngơ ngác: “Ông Toàn nào hả bố? Hình như con chưa gặp bao giờ”. Thế là bố lại phải phân bua, giải thích cho tôi về quan hệ họ hàng, vai vế của ông này.
Sáng sớm hôm sau, mới 5h sáng bố đã giục tôi chuẩn bị đi ăn cỗ trong khi thiệp mời ghi rõ ràng là 8h. Bố bảo: “Dân làng họ đã đi rầm rầm rồi kia kìa. Đợi đến 8h mới đi để mà ăn cỗ thừa rồi về đau bụng hả con? Nhanh nhanh cái chân lên!”.
Quả nhiên, khi tôi đến nơi, bàn nào bàn nấy đã chật ních người, ăn uống rào rào, bát đĩa leng keng. Cả khoảng sân rộng lớn chỉ có lác đác 1, 2 bàn là đàn ông, thanh niên còn thì toàn đàn bà, con gái.
Sau khi bỏ phong bì vào chiếc hộp trái tim màu hồng, đang ngơ ngác tìm chỗ ngồi thì một bác vẫy tay nhiệt tình bảo tôi vào cho đủ mâm. Các món vừa được bưng ra, mọi người cắm cúi chan chan húp húp xì xụp. Lạ một cái là không thấy ai động vào giò, thịt gà, bánh giầy mà chỉ ăn các món xào, nấu.
Khen chê vì mâm cỗ cưới dễ lấy phần
Nhoằng cái, mấy bác gái đã ăn xong, quẹt đũa qua mép mấy cái rồi vừa xỉa răng vừa sửa soạn túi nilong để lấy phần. Họ nhanh chóng chia nhau tất cả những món khô còn lại trên bàn tiệc, mỗi người lủng lẳng một túi xách về.
Bây giờ, đến đám cưới ít thấy đàn ông vì họ ăn uống cũng chẳng là bao nhưng nam nhi đại trượng phu chả lẽ ăn xong lại gói gém đùm to đùm nhỏ thì kể cũng ngượng. Cho nên cứ để cánh đàn bà, con gái đi ăn cho dễ lấy phần.
Thời buổi này cũng chẳng khó gì miếng ăn, bữa cơm ngày thường cũng có phần rôm rả nhưng ai nấy đều tự nhủ đã mừng cái phong bì đầy đặn thì cũng cứ ăn cho nó hết cái phần của mình chứ, tội gì.
Biết được tâm lý ấy, chủ nhà cũng bố trí thực đơn toàn các món khô dễ chia, dễ lấy phần. Giò lụa 6 miếng, giò bò 6 miếng, thịt gà 12 miếng, bánh giày 6 cái, quýt 6 quả… mâm 6 người cứ thế mà chia. Đến cái tăm cũng tròn 6 cái, ai xỉa răng mà vô tình làm gẫy thì thôi, để về nhà xỉa tiếp.
Cứ đám nào lấy phần được nhiều thì các bà khen từ trong nhà khen ra ngoài ngõ. Còn đám nào thực đơn nhiều món xào xáo canh kệ, các bà giận ra mặt, còn đem kể mãi tận làng trên xóm dưới chứ chẳng chơi.
Bi hài đón dâu
Giờ phút vui vẻ nhất, được chào đón, mong đợi nhất trong một đám cưới là lúc đón dâu. Nhưng mọi thứ cứ nhoáng nhoàng, vội vã như thể vừa cưới vừa chạy. Khách khứa đến ăn ào ào, bỏ phong bì cho xong rồi lẳng lặng ra về.
Có đám còn xảy ra hỗ chiến vì hai họ tranh nhau hát. Ai cũng muôn làm ngôi sao ca nhạc, muốn được tỏa sáng trong đám cưới người thân, luyện giọng cả tháng trời để hát mừng cô dâu chú rể nhưng lại bị ban tổ chức từ chối vì sợ muộn giờ, hoặc MC đám cưới vòi thêm tiền vì mất công chơi nhạc.
Nhiều chú rể bị ép uống rượu hoặc vui bạn vui mồi, nhậu sau đứ đừ, người mềm như bún, không biết đâu là vợ mình, đâu là vợ người. Không ít chú rể phải nhờ người dìu sang nhà gái để đón dâu.
Thậm chí, có chú rể sau khi uống say còn ngủ quên ở bụi chuối khiến cả họ phải nháo nhào đi tìm vì muộn giờ đón dâu. Cũng vì thế, nhiều cô dâu thay vì e lệ nép sau vai chồng thì phải gồng mình lên để đỡ chú rể đang chân nam đá chân chiêu chẳng biết trời đất là gì.
Chiếc váy trắng bồng bềnh của cô dâu cũng không tránh khỏi việc có thêm vài vết bẩn có mùi chua chua do chú rể không hãm được cơn say đã trót nôn vào. Làng trên xóm dưới được một phen dở khóc dở cười, cứ kể mãi cái chuyện đón dâu.
Hạnh phúc không phụ thuộc vào tiền mừng
Trao đổi với PV về thực trạng của nhiều đám cưới thời nay, TS. Nguyễn Văn Thành (Bộ GD&ĐT) cho hay: “Hạnh phúc của cô dâu, chú rể trong cuộc sống vợ chồng sau này không phụ thuộc vào đám cưới to hay nhỏ, tiền mừng nhiều hay ít.
Ngày xưa, mỗi đám cưới đều trải qua rất nhiều nghi lễ khác nhau như dạm ngõ, ăn hỏi, đón dâu, ở rể… Thông qua các nghi lễ đó, cô dâu, chú rể sẽ được rèn luyện các cung cách ứng xử trong gia đình, với họ hàng, lối xóm.
Còn bây giờ, đám cưới nào cũng chỉ ào ào cho xong, nặng về hình thức, nặng về lỗ lãi mà bỏ qua nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp vốn có của nó. Nhiều quan chức thường tổ chức đám cưới rất to để thu tiền mừng. Điều này là rất đáng lo ngại”.
Theo Nguoiduatin.vn