Toàn cầu ghi nhận hơn một triệu người chết vì nCoV trong hơn 34,4 triệu người nhiễm, trong khi WHO trấn an thế giới rằng Covid-19 ‘có thể ngăn chặn’.
- Hơn 33,7 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu
- Ca tái nhiễm nCoV làm lung lay niềm tin vaccine
- Hơn 32 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu
213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 34.442.935 ca nhiễm và 1.023.522 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 314.846 và 5.684 ca sau 24 giờ, 25.634.071 người đã bình phục, theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 7.490.075 ca nhiễm và 212.509 người chết, tăng lần lượt 48.073 và 875 ca so với một ngày trước đó.
Sức sống mới đang dần trở lại thủ đô Washington, khi nhiều điểm tham quan nổi tiếng bắt đầu tái mở cửa sau 6 tháng ngừng hoạt động, dù các rạp chiếu phim vẫn đóng cửa và nhà hàng chỉ được hoạt động một nửa công suất. Những biện pháp hạn chế nhằm phòng chống nCoV khác nhau giữa các bang, thậm chí thay đổi theo hạt.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 28/9 thông báo kế hoạch gửi 150 triệu bộ xét nghiệm nhanh cho các bang để hỗ trợ nỗ lực kiểm soát đại dịch, trong bối cảnh chính phủ đang thúc đẩy tái mở cửa trường học và doanh nghiệp.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới và lớn nhất châu Á, hôm qua báo cáo thêm 81.693 ca nhiễm và 1.096 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 6.391.960 và 99.804.
Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ hôm 29/9 cho biết, một cuộc khảo sát quốc gia được thực hiện từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9 cho thấy khoảng 63,78 triệu người Ấn Độ đã nhiễm Covid-19, cao hơn khoảng 10 lần số liệu được công bố. Có rất nhiều lý do cho điều này, nhưng chủ yếu do người dân không được xét nghiệm đầy đủ.
Dù ca nhiễm tại Ấn Độ tăng nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác, Bộ Y tế nước này vẫn chỉ ra dấu hiệu tích cực là tỷ lệ khỏi bệnh đã tăng gần 100% trong tháng qua, thêm rằng hơn 82% tổng số ca nhiễm, tương đương hơn 5 triệu người đã hồi phục và xuất viện.
Ấn Độ hai tuần trước mở cửa trở lại đền Taj Mahal sau 6 tháng ngừng đón khách du lịch. Số người tham quan mỗi ngày được giới hạn ở mức 5.000, so với trung bình 20.000 trước đại dịch. Vé vào đền chỉ được bán online, có khoảng 300 vé được bán ra trong ngày đầu mở cửa. Khách tham quan được kiểm tra thân nhiệt và phải tuân thủ quy định giữ khoảng cách với những người khác.
Một nhân viên y tế Tây Ban Nha thực hiện xét nghiệm nhanh Covid-19 đối với mẫu được lấy từ ca nghi nhiễm tại khu phố Vallecas, Madrid hôm 1/10. Ảnh: AFP.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 805 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 144.767. Số người nhiễm nCoV tăng 35.643 trong 24 giờ qua, lên 4.849.229.
Giới chuyên gia Brazil nhận định các mô hình cho thấy nước này đã qua đỉnh dịch, nhưng vẫn cảnh báo tình hình có thể đột ngột xấu đi nếu chính quyền địa phương cho phép tái mở cửa kinh tế quá sớm, không siết chặt các biện pháp cách biệt cộng đồng.
Thành phố Manaus, thủ phủ bang Amazonas, gần đây quyết định đóng cửa các quán bar và khu vực ven sông nhằm kiềm chế đợt bùng phát nCoV mới. Diễn biến này có thể làm đảo lộn giả thuyết rằng Manaus là một trong những nơi đầu tiên trên thế giới đạt miễn dịch cộng đồng.
Nga báo cáo thêm 169 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 20.891. Số ca nhiễm tăng 8.945, lên 1.185.231. Nga đã nối lại đường bay với Belarus, Kyrgyzstan và Kazakhstan từ ngày 21/9 và với Hàn Quốc từ ngày 27/9.
Tuần trước, Điện Kremlin cho biết họ không có kế hoạch áp đặt những biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt bất chấp số ca nhiễm nCoV mới vẫn tăng. Trong khi đó, Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin hôm 29/9 quyết định kéo dài kỳ nghỉ của các trường học thêm một tuần để hạn chế virus lây lan, đồng thời khuyến cáo những người có bệnh mạn tính hoặc trên 65 tuổi nên ở nhà.
Nam Phi, vùng dịch lớn thứ 10 thế giới và là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi, ghi nhận 676.084 ca nhiễm và 16.866 ca tử vong, tăng lần lượt 1.745 và 132. Số ca nhiễm tại nước này chiếm gần một nửa tổng số ca nhiễm ở châu Phi.
Chính phủ Nam Phi mở biên với tất cả quốc gia châu Phi từ ngày 1/10, trong khi vẫn cấm du khách từ 50 quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao, bao gồm Anh, Mỹ, Ấn Độ, Nga, Pháp. Những người đi lại vì mục đích công việc, nhà ngoại giao, nhà đầu tư và người thi đấu thể thao từ các quốc gia rủi ro cao được phép nhập cảnh.
Hành khách đến Nam Phi cần xuất trình kết quả âm tính nCoV được thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành, hoặc chịu cách ly bắt buộc và tự trả phí. Nước này từ hồi tháng 6 đã dần nới lỏng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hàng đầu thế giới, trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế.
Ca nhiễm tăng trở lại tại Tây Ban Nha, nước từng là vùng dịch lớn nhất châu Âu. Nước này báo cáo thêm 9.419 ca nhiễm mới và 182 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 778.607 và 31.973.
Chính phủ Tây Ban Nha ngày 1/10 thông báo kế hoạch phong tỏa Madrid, thủ đô với ba triệu dân và 9 thành phố xung quanh. Người dân ở đây không được rời khỏi khu vực nếu không vì mục đích thiết yếu. Quán bar và nhà hàng phải đóng cửa từ 23h mỗi ngày, công viên và sân chơi bị đóng cửa, chỉ cho phép tụ tập tối đa 6 người.
Tuy nhiên, chính quyền địa phương của Madrid phản đối quyết định này, nói rằng nó không có cơ sở pháp lý. Họ nói rằng tình hình ở đây đã “ổn định” và cảnh báo khu vực có thể đưa vụ này ra tòa.
Số ca nhiễm mới ở Pháp cũng tăng trở lại sau giai đoạn Covid-19 được kiềm chế. Nước này ghi nhận thêm 13.970 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số lên 577.505, trong đó 32.019 người chết, tăng 63 trường hợp.
Chính phủ Pháp gần đây tăng cường biện pháp kiềm chế virus, nhưng vẫn cố gắng tránh phong tỏa toàn quốc lần thứ hai. Từ ngày 28/9, các quán bar tại Paris và một số thành phố lớn khác phải đóng cửa vào lúc 22h.
Các chuyên gia y tế lo ngại đợt bùng phát nCoV mới, cùng những bệnh theo mùa như cúm, có nguy cơ khiến tình hình xấu đi rất nhanh. Số bệnh nhân Covid-19 phải nằm phòng điều trị tích cực đã chạm mức cao nhất trong vòng ba tháng.
Anh ghi nhận 460.178 ca nhiễm và 42.202 ca tử vong, tăng lần lượt 6.914 và 59 trường hợp.
Chính phủ Anh thông báo thắt chặt hơn các biện pháp giãn cách xã hội ở khu vực đông bắc đất nước từ hôm nay, nhằm ứng phó với tỷ lệ nhiễm nCoV cao và ngày càng tăng tại đây. Người dân thuộc khu vực này sẽ bị phạt tiền nếu bị phát hiện gặp người từ hộ gia đình khác trong không gian kín.
Dù số ca nhiễm đang tăng trở lại ở nhiều nơi trên đất nước, chính phủ Anh cho biết họ muốn tránh lệnh phong tỏa toàn quốc lần hai. Thay vào đó, họ chọn phương án thực hiện các biện pháp cấp địa phương, nhằm cố gắng kiềm chế sự lây lan của virus. Tuy nhiên, người dân khiếu nại rằng sự khác biệt ngày càng nhiều giữa các địa phương dễ gây nhầm lẫn.
Iran, vùng dịch lớn nhất Trung Đông,báo cáo 26.380 người chết, tăng 211, trong khi tổng số ca nhiễm là 461.044, tăng 3.825. Số ca nhiễm nCoV đã gia tăng ở gần như toàn bộ 31 tỉnh của Iran. Tổng thống Hassan Rouhani tuần trước cho biết chính phủ không có kế hoạch ban lệnh phong tỏa hoàn toàn. Tuy nhiên, một số biện pháp hạn chế được tái áp đặt ở thủ đô Tehran và nhiều thành phố khác sẽ vô cùng chặt chẽ.
Tại Đông Nam Á, Philippines là vùng dịch lớn nhất khu vực với 314.079 ca nhiễm và 5.562 ca tử vong, tăng lần lượt 2.415 và 59 ca.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 28/9 tuyên bố các biện pháp hạn chế tại thủ đô Manila và khu vực xung quanh sẽ được gia hạn thêm một tháng, tới ngày 31/10. Các thành viên nhóm chuyên trách Covid-19 của chính phủ cho biết họ không thể lơ là, mặc dù muốn thúc đẩy nền kinh tế.
Hầu hết doanh nghiệp được phép tái mở cửa từ khi Manila kết thúc lệnh phong tỏa hôm 19/8. Tuy nhiên, người dân vẫn phải đeo khẩu trang, duy trì khoảng cách an toàn, trong khi trẻ em, người già và phụ nữ mang thai được khuyến cáo nên ở nhà. Chính phủ đặt mục tiêu xét nghiệm 10 triệu người, tương đương 1/10 dân số, vào quý II năm sau.
Indonesia, vùng dịch lớn thứ hai khu vực, ghi nhận 291.182 ca nhiễm, tăng 4.174 so với hôm trước, trong đó 10.856 người chết, tăng 116 ca.
Thủ đô Jakarta nối lại các biện pháp giãn cách xã hội trên quy mô lớn từ hôm 14/9, có hiệu lực trong hai tuần, do tình trạng số ca nhiễm mới tăng vọt. Thống đốc Jakarta Anies Baswedan cho biết điều này là cần thiết nhằm ngăn hệ thống y tế sụp đổ. Bất kỳ ai dương tính nCoV, bao gồm cả những người không có triệu chứng, vẫn bị cách ly bắt buộc tại cơ sở của chính quyền.
Jakarta bắt đầu áp đặt hạn chế nhằm ngăn nCoV từ hồi đầu tháng 4, nhưng dần nới lỏng vào tháng 6. Tuy nhiên, vài tuần sau, số ca nhiễm mới ở thủ đô tăng vọt. Hàng nghìn binh sĩ và cảnh sát đã được triển khai để thực thi các biện pháp hạn chế từng thường xuyên bị phớt lờ, nhưng việc buộc người dân tuân thủ vẫn gặp nhiều khó khăn do nền kinh tế lao dốc.
Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 23 người chết và 57.784 người nhiễm, tăng 19 ca. Phần lớn các ca nhiễm mới vẫn là người lao động nhập cư sống trong các khu ký túc xá.
Singapore sẽ thí điểm chương trình thẻ thông hành cho các lãnh đạo doanh nghiệp cần đi công tác thường xuyên, khi họ tiếp tục nới lỏng một số hạn chế liên quan đến Covid-19. Chính phủ cho biết số lượng thẻ sẽ bị giới hạn trong giai đoạn đầu.
Phát ngôn viên WHO Margaret Harris hôm 30/9 thừa nhận việc hơn một triệu người chết vì nCoV trên toàn cầu là “một cột mốc vô cùng đáng buồn”, thêm rằng nhiều nạn nhân đã phải ra đi một cách “khó khăn và cô đơn” trong khi gia đình họ không thể nói lời từ biệt.
Tuy nhiên, bà Harris chỉ ra “điều tích cực” về đại dịch là nó “có thể ngăn chặn được, không phải bệnh cúm”.
Nguồn: AFP, Worldometer
Huyền Lê (Theo Vnexpress)