Khu vực bãi Tư Chính cách các nhóm đảo Phú Quý và Côn Đảo của Việt Nam khoảng 200 hải lý và bờ biển Việt Nam khoảng 220 hải lý, là phần kéo dài về phía Đông Nam của thềm lục Việt Nam. Đây là một bãi ngầm san hô dài 63 km, rộng 11 km. Cần chú ý là các bãi ngầm Tư Chính, Vũng Mây và các đá Ba Kè, Huyền Trân, Quế Đường, Phúc Nguyên là phần nối dài của thềm lục địa Việt Nam về phía Đông Nam. Các bãi cạn này ngăn cách với quần đảo Trường Sa bằng một rãnh sâu nên theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), nó không thuộc quần đảo Trường Sa.
Bãi ngầm Tư Chính nằm cách xa lục địa Trung Quốc khoảng trên 600 hải lý. Vì vậy, theo quy định của UNCLOS, khu vực này chỉ liên quan đến hai quốc gia có bờ biển đối diện với Việt Nam là Malaysia và Brunei. Hiện nay, tại khu vực này Việt Nam và Malaysia đã trình chung hồ sơ ranh giới ngoài thềm lục địa. Brunei không phản đối. Khu vực này trên thực tế thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, không phải vùng tranh chấp. Và hiện nay Việt Nam cũng đang kiểm soát và khai thác dầu khí tại đây.
Lý luận của Trung Quốc khi đưa ra yêu sách tranh chấp với Việt Nam là bãi này nằm trong phạm vi “đường lưỡi bò” hoặc là một phần của cái gọi là “vùng nước quần đảo Trường Sa”. Tuy vậy, phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực năm 2016 đã nêu rõ hai điểm: một là không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn và hai là không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng và các đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất. Như vậy, không thể dùng “đường lưỡi bò” hoặc “vùng nước quần đảo Trường Sa” để biện minh rằng vùng biển bãi Tư Chính là vùng tranh chấp.
Cần chú ý rằng theo như theo dõi của tôi trên ảnh vệ tinh, có lúc tàu Hải Dương Địa Chất 8 cùng các tàu hộ tống vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tới khoảng cách cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý. Như vậy tàu Trung Quốc đã vi phạm không chỉ vùng thềm lục địa mà cả vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Theo quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với vùng đặc quyền kinh tế. Quyền chủ quyền bao gồm đặc quyền thăm dò, khai thác, quản lý và bảo tồn tài nguyên tại mặt biển, vùng nước bên trên đáy biển, trên đáy biển và trong lòng đất dưới đáy biển và các hoạt động khác nhằm thăm dò, khai thác các tài nguyên nêu trên vì mục đích kinh tế. Quyền tài phán của quốc gia ven biển bao gồm quyền cho phép các quốc gia khác thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên, nghiên cứu khoa học, lắp đặt cáp ngầm và các công trình, thiết bị trong vùng này.
Đối với thềm lục địa, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền như nêu trên với tài nguyên trên đáy biển và trong lòng đất dưới đáy biển, cũng như quyền tài phán với việc thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên, nghiên cứu khoa học, lắp đặt cáp ngầm và các công trình, thiết bị trên đáy biển và trong lòng đất dưới đáy biển.
UNCLOS cũng quy định rằng các quốc gia khác khi thực hiện các hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thì phải tuân thủ pháp luật của quốc gia ven biển nếu pháp luật đó không trái với luật pháp quốc tế.
Việt Nam đã thực hiện tất cả các thủ tục cần thiết để thực hiện các quyền của quốc gia ven biển theo quy định của luật pháp quốc tế, bao gồm Tuyên bố của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam năm 1982, Hồ sơ ranh giới ngoài của thềm lục địa trình lên Liên hợp quốc năm 2009, ban hành Luật Biển Việt Nam năm 2012 và Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015. Trong các văn bản pháp luật nêu trên cũng như các văn bản dưới luật, Việt Nam đã xác định rõ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cũng như quy định chi tiết quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khác khi thực hiện các hoạt động, đặc biệt là nghiên cứu khoa học, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên, lắp đặt cáp, đường ống ngầm và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Làm phức tạp tình hình
Hành động của Trung Quốc trong những ngày qua là hành động cực kỳ nguy hiểm, đi ngược lại các quy định của luật pháp quốc tế và các nhận thức, thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Hành động của Trung Quốc cũng có thể coi là hành động khiêu khích, làm phức tạp tình hình, gây leo thang xung đột và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Hành động của Trung Quốc đặc biệt là nguy hiểm trong bối cảnh các nước ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán để đi đến ký kết văn bản Quy tắc về ứng xử các bên ở Biển Đông (COC). Trong bối cảnh đàm phán, các nước cần kiềm chế các hoạt động để đảm bảo tình hình Biển Đông ổn định, không làm gia tăng xung đột nhằm xây dựng lòng tin và sự thành tâm trong đàm phán. Như vậy, có thể nói rằng với các hoạt động vô pháp của mình, Trung Quốc phải chịu trách nhiệm chính nếu đàm phán COC bị kéo dài hoặc thậm chí không thành công.
Chống lại luật pháp quốc tế là chống lại cả cộng đồng quốc tế, hay nói cách khác là chống lại toàn thể loài người. Trung Quốc rất cần sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Muốn trở thành một nước lớn với tầm ảnh hưởng phù hợp, Trung Quốc phải tập tôn trọng và hành động theo luật pháp quốc tế. Trung Quốc không thể một mình chống lại cả cộng đồng quốc tế. Nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục hành xử như hiện nay, họ sẽ chịu những tổn hại rất lớn về uy tín và những thiệt hại cả về kinh tế, chính trị ngoại giao rất khó có thể tính được bằng tiền. Chắc chắn, những thiệt hại do Trung Quốc gây ra cho chính mình nhiều hơn rất nhiều những lợi ích mà họ đạt được khi họ đi bắt nạt và quấy rối các nước láng giềng của họ.
Chuyên gia Hoàng Việt thuộc Ban Nghiên cứu luật Biển và hải đảo (Liên đoàn Luật sư Việt Nam):
Bãi Tư Chính là một bãi san hô ngầm, luôn chìm dưới mặt biển. Theo quy định của luật quốc tế và UNCLOS thì vì luôn chìm dưới mặt nước nên bãi Tư Chính không thể là đối tượng để yêu sách chủ quyền được. Vì vậy, theo luật biển quốc tế thì bãi này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, nên Việt Nam có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với bãi.
Trung Quốc gọi bãi này là Vạn An Bắc và yêu sách nó là một phần của quần đảo Trường Sa, điều này vi phạm luật quốc tế. Gần đây, trên truyền thông cho biết Trung Quốc cho tàu Hải dương địa chất 8 đang tiến hành thăm dò địa chất tại khu vực gần Bãi Tư Chính. Điều này đã vi phạm luật quốc tế và UNCLOS, xâm phạm đến các quyền lợi biển của Việt Nam.
Mặc dù Trung Quốc luôn tuyên bố là muốn duy trì tình trạng ổn định ở Biển Đông, nhưng việc Trung Quốc tiếp tục theo đuổi yêu sách đường lưỡi bò trên thực tế, xâm phạm các vùng biển và đe dọa các tàu của Việt Nam, Malaysia cũng như đâm chìm tàu cá của Philippines khiến sự căng thẳng trên Biển Đông ngày càng dâng cao. Điều này đi ngược lại với những gì chính phủ Trung Quốc cam kết, cũng như các văn bản mà Trung Quốc đã ký kết với ASEAN, bao gồm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình soạn thảo Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Những hành động đó phá hủy lòng tin của cộng đồng thế giới với Trung Quốc.
Theo thanhnien.vn