Ngày nay, khi bước vào bất kỳ một hội chợ sách hay cửa hàng sách nào, người ta đều thấy danh mục những cuốn sách bán chạy nhất hay các gian hàng được ưu tiên hàng đầu (thường xuất hiện ngay ngoài cổng vào), la liệt truyện ngôn tình.
Đương nhiên là truyện ngôn tình rồi!
9 giờ sáng, ngày thứ bảy cuối tuần, Hà Nội giữa mùa hè nóng như nảy lửa. Trên phố Đinh Lễ, nhiều người quen gọi với tên “kho sách Hà Thành” đã chen chúc người qua lại bán mua. Không chỉ thu hút khách bởi số lượng lớn, sách ở đây còn đa dạng đề tài. Bạn có thể tìm ở bất kỳ cửa hàng nào các đầu sách như văn học Việt Nam, văn học nước ngoài, khoa học đời sống, giáo khoa, ngoại ngữ, đặc biệt là truyện ngôn tình, bày la bày liệt.
“Ngôn tình” – cái tên rất mỹ miều, thực chất là để chỉ dòng sách “tiểu thuyết tình cảm 3 xu” của các nhà văn trẻ ở Trung Quốc viết. Dù có rất ít giá trị văn học hay nghệ thuật, nhưng tiểu thuyết ngôn tình hướng tới đề tài giới trẻ rất thích: Những câu chuyện tình cảm lâm li bi đát kết hợp với sự ngắn ngủi, dễ đọc, ít có tính gợi mở, suy ngẫm.
Xuất hiện cách đây khoảng 1 thập kỷ với những tác phẩm của các nhà văn 8x Trung Quốc, ngôn tình bỗng biến thành một “cơn bão” tấn công vào những người trẻ Việt, đặc biệt là người đọc nữ. Sau này, một số tác giả Việt Nam cũng đi theo con đường này và gặt hái thành công.
Thời điểm ban đầu, ngôn tình ra đời cùng trào lưu văn học trên mạng. Vì vậy, nó chứa đầy đủ những yếu tố mà “cộng đồng mạng” yêu thích: Nội dung về tình yêu mới lớn, ngắn, dễ đọc, dễ hiểu, và… miễn phí.
Ngày nay, khi bước vào bất kỳ một hội chợ sách hay cửa hàng sách nào, người ta đều thấy danh mục những cuốn sách bán chạy nhất hay các gian hàng được ưu tiên hàng đầu (thường xuất hiện ngay ngoài cổng vào), la liệt truyện ngôn tình.
Ôm một chồng ngôn tình cao ngất ngưởng trên tay, T.Linh, sinh viên năm thứ hai chia sẻ: “Hè mà, không biết làm gì thì đọc ngôn tình thôi”.
“Đây là cuốn Bên nhau trọn đời của nhà văn Cố Mạn kể về chuyện tình luật sư Hà Dĩ Thâm và cô phóng viên ảnh Triệu Mặc Sênh 7 năm xa cách nhưng vẫn yêu nhau, đây là cuốn “Chờ em lớn nhé, được không?”, còn kia là “Anh có thích nước Mỹ không”, truyện đã chuyển thể thành phim đang hot nhất tuổi teen…”
Cứ như thế, Linh kể như học thuộc lòng nội dung 10 quyển truyện ngôn tình đã lùng được trong vòng chưa đầy một tiếng đồng hồ.
Giống như Tiki – một startup nổi lên từ bán sách trực tuyến từng thống kê, đó là 70% khách hàng của họ là nữ giới trẻ tuổi. Vì vậy, không lạ khi ngôn tình trở thành loại sách bán chạy nhất Việt Nam.
Không riêng gì Linh, trên phố Đinh Lễ người ta còn thấy những cô cậu học sinh mặc áo đồng phục cấp hai, cấp ba cũng đang ra công săn lùng, tìm đọc những cuốn ngôn tình đẫm nước mắt.
Không chỉ các hiệu sách trên phố Đinh Lễ, trên các trang mạng cũng ngập tràn truyện ngôn tình. Chỉ cần vào Google gõ chữ “ngôn tình” trong ngoặc kép sẽ cho ra gần 5 triệu kết quả với gợi ý: “Đọc truyện ngôn tình hay và mới nhất”; “Đọc truyện ngôn tình cảm động”; “List truyện ngôn tình”; “Truyện ngôn tình hay nhất mọi thời đại”…
Trên các diễn đàn cho giới trẻ hay các diễn đàn văn học trên mạng đều có thư mục dành riêng cho truyện ngôn tình. Đó là còn chưa kể trên Facebook, các cá nhân hoặc một nhóm người tự lập ra các Fanpage “Hội những người phát cuồng về ngôn tình và tiểu thuyết Trung Quốc” tới hàng chục nghìn người like và theo dõi thường xuyên…
Đọc giải trí lên ngôi
Khách quan mà nói, nếu truyện ngôn tình có thể tồn tại và phát triển mạnh thì nó phải đáp ứng tốt nhu cầu của độc giả Việt. Đó là giải trí.
Chúng ta không phải là chuyên gia văn học, vì vậy sau những giờ lao động căng thẳng, mọi người có nhu cầu tìm đến những công cụ giải trí nhẹ nhàng, như xem những game show, phim truyền hình dài tập hay lặng lẽ trong những tác phẩm ngôn tình. Các tác giả trẻ Việt Nam, cũng không thể thoát khỏi xu hướng mạnh mẽ này.
“Sách văn học, báo chí, kinh tế, khoa học, công nghệ thông tin… cũng bán được nhưng đa số khách đến hiệu chúng tôi là những sinh viên, học sinh, giới trẻ và họ chủ yếu tìm mua truyện ngôn tình. Thanh niên con trai thì mua truyện kiếm hiệp. Có khoảng 40% khách tìm đến đây để mua ngôn tình, còn lại là các loại sách khác”, chủ một nhà sách trên phố Đinh Lễ chia sẻ.
Ngỏ ý tìm mua cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc nhưng tôi nhận được câu trả lời từ chủ hiệu: “Sách đó lâu lắm rồi không có ai mua nên tôi không nhập nữa”.
Cũng có những bạn trẻ vẫn đọc những tác phẩm kinh điển trên thế giới nhưng thẳng thắn thừa nhận rằng đọc tiểu thuyết tình cảm dễ cuốn hút so với việc cảm nhận một tác phẩm văn học hay một cuốn sách khoa mang nặng tính phân tích tư duy có giá trị.
Trên thực tế, đây là trào lưu chung trên mọi nền tảng. Từ Internet, mạng xã hội, truyền hình cho tới đọc sách, tất cả đều đang nhường chỗ cho những tác phẩm giải trí ngắn đỡ “đau đầu hơn”.
Còn về phía các nhà phát hành sách, để đáp ứng nhu cầu độc giả và tối đa hóa lợi nhuận, những đầu sách ngôn tình cứ ồ ạt nhập về.
Nhìn theo góc độ này, rất dễ hiểu vì sao những cuốn sách hay bằng tiếng Anh được đóng mác “best seller” lại có tốc độ ra mắt tại Việt Nam chậm hơn, ít nhà xuất bản nhập về hơn so với các tác phẩm ngôn tình ít danh tiếng bằng tiếng Trung.
Tất nhiên, ngôn tình cũng có cạnh tranh. Theo thời gian, để đáp ứng nhu cầu lớn hơn của người đọc, những tác phẩm ngôn tình cũng phải thêm nhiều loại “gia vị”. Tuy nhiên, cũng giống như những chương trình showbiz, những chất xúc tác này không tăng cường chiều sâu tác phẩm, mà được lấp đầy bằng những chi tiết giật gân như khiêu dâm, tình yêu đồng giới, bạo lực.
Làm sao để thay đổi thói quen?
Ông Nguyễn Cảnh Bình, CEO của Alphabook chia sẻ, sách ngôn tình vẫn đáp ứng được nhu cầu của một nhóm đối tượng độc giả trẻ mới lớn, yêu thích sự lãng mạn, vì vậy cũng không nên có cái nhìn quá khắt khe.
“Trước đây, cũng có thời gian chúng ta từng cấm đoán nhạc Vàng hay dòng sách lãng mạn của Tự lực văn đoàn vì cho rằng đây là dòng nhạc ủy mị, khiến ý chí con người sa sút. Ngôn tình có lẽ cũng vậy.
Vấn đề là mức độ như thế nào mà thôi. Cũng giống như đối với con người, chúng ta vẫn cần ớt, cần hạt tiêu, cần gia vị, cần sex… nhưng ở mức độ nào đó cho phép và phù hợp. Song dường như ở Việt Nam những thứ này đôi khi quá mức, quá nhiều… các bạn trẻ có thể gặp những rối loạn của cuộc sống hoặc thậm chí mất phương hướng sống nếu chìm đắm trong những cuốn sách ngôn tình đó, cũng giống như chìm đắm trong cơn mê chất gây nghiện vậy”, ông Bình nhận định.
Những năm gần đây, Chính phủ cũng đã nỗ lực khuyến khích mọi người đọc sách nhiều hơn khi chọn ngày 21/4 hàng năm là ngày sách Việt Nam, những hội sách và hoạt động tăng cường văn hóa đọc sách cũng được triển khai.
Mục tiêu mà Nhà nước đề ra rất rõ ràng. Đó là tăng cường dân trí. Tuy nhiên, để nâng cao văn hóa đọc, biến đọc sách không chỉ là hình thức giải trí đơn thuần mà còn mang lại kiến thức sẽ phải cần tới sự nỗ lực đồng bộ của nhiều “người chơi” như chính phủ/nhà nước; doanh nghiệp (Nhà xuất bản); tác giả, học giả… và độc giả.
“Chính phủ đã có những bước đi đúng đắn khi khuyến khích mọi người đọc sách, nhưng cần được phát triển sâu hơn nữa, không chỉ ở các thành phố lớn mà cả những tổ chức cấp thấp hơn như huyện, xã. Chính phủ cũng cần tăng chi phí đầu tư cho lĩnh vực này thông qua các chương trình có kết hợp xã hội hóa, đặc biệt chú trọng đối với trẻ em. Bên cạnh những hỗ trợ mang tính đường lối của Nhà nước, một sự thay đổi đồng bộ từ phía các DN xuất bản, các tác giả văn học,… mới đủ để giúp người Việt phát triển thói quen đọc sách tìm tri thức”, ông Bình chia sẻ.
Theo Trí Thức Trẻ