Trước những băn khoăn về thông tin chương trình GD phổ thông mới sẽ dạy xác suất, thống kê cho học sinh từ lớp 2, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, GS Đỗ Đức Thái, tổng chủ biên Chương trình môn Toán giải thích đó không phải điều gì to tát.
- Đông Nhi hôn Ông Cao Thắng ở AustraliaTuyển thủ Việt Nam ăn chơi ngày xả trại
- Tuyển thủ Việt Nam ăn chơi ngày xả trại
Làm quen với khái niệm “chắc chắn”, “không thể, có thể”
Chương trình GD phổ thông mới sẽ được thiết kế với các chuỗi hoạt động học, bao gồm các thao tác của học sinh do giáo viên hướng dẫn. Bài học liên quan tới xác suất, thống kê ở lớp 2, lớp 3 nhìn qua các hoạt động học này khá đơn giản.
GS Đỗ Đức Thái nêu ví dụ: “Khi chơi cá ngựa, mỗi lần gieo viên xúc sắc, sẽ có kết quả khác nhau. Các em học sinh sẽ thấy mình không thể chắc chắn mình gieo được mặt sáu, mặt năm. Mà mỗi lần gieo có thể là sáu, năm nhưng có thể là một, hai…
Thao tác đó cho các em khái niệm về sự “chắc chắn” hay “có thể”. Khi nào ta chắc chắn vào một việc gì đó và khi nào không thể chắc chắn, kết quả là có hoặc không.
Hay một trò chơi khác, cho các quả bóng màu xanh và đỏ vào hộp kín và thỏ tay lấy bóng ra, có thể sẽ lấy vào quả xanh, nhưng có thể lấy quả đỏ.
GS Thái cũng đưa ra các ví dụ mà chương trình được cụ thể hóa bằng hoạt động học trong các sách giáo khoa. Ví dụ khi đặt ra câu hỏi “mặt trời có thể mọc vào ban đêm không?” hay “Mặt trăng có mọc vào giữa trưa không?”, câu trả lời là “không thể”.
Theo ông Đỗ Đức Thái, nói dạy “xác suất” ai cũng sợ, nhưng thực chất nó đơn giản, nhẹ nhàng như thế. Đó là cách để trẻ có khái niệm ban đầu về những hiện tượng, sự việc có thể hoặc không thể xảy ra trong cuộc sống xung quanh. Nó không chỉ có trong toán mà còn có trong các môn học khác như Tự nhiên xã hội khi đặt ra các tình huống cụ thể.
Ví dụ: Nếu sờ tay vào ổ điện sẽ có thể xảy ra điều gì? Nếu ổ điện không có điện sẽ không sao cả, nhưng nếu có điện sẽ gặp nguy hiểm. Chạm tay vào vung nồi đang nấu, có thể không sau nhưng nhiều khả năng sẽ bị bỏng tay. Dạy trẻ điều đó để biết khi ta hành động thì có thể sẽ xảy ra hậu quả gì…
Bài học về “thống kê” ở tiểu học cũng đơn giản như vậy. Ở lớp 2, trẻ có thể sẽ thực hiện các yêu cầu đi trong lớp để xem có bao nhiêu bạn đang có tẩy, bút chì, vở và ghi lại con số đã đếm. Đó là cách để trẻ làm quen với thao tác thu thập, kiểm đếm đơn giản.
Lớp 3, cao hơn một chút, sẽ ấn định tiêu chí để học sinh thu thập, kiểm đếm. Ví dụ đặt yêu cầu “hãy xem lớp có bao nhiêu bạn nam, bao nhiêu bạn nữ?”. Học sinh đếm và ghi thống kê số học sinh nam riêng, nữ riêng, trên tổng số bao nhiêu…
Không to tát
Từ các ví dụ cụ thể, ông Đỗ Đức Thái cũng cho thấy việc đưa xác suất, thống kê từ lớp 2 là cần thiết. Vấn đề quan trọng ở đây là mức độ và cách triển khai hoạt động học như thế nào phù hợp. Khái niệm ở khía cạnh khoa học thì có vẻ to tát, nhưng thực chất nó hết sức đơn giản.
Và những bài học như thế này, không thể nói là giáo viên không thể dạy được. Dĩ nhiên giáo viên sẽ phải thay đổi cách dạy cũ để áp dụng phương pháp dạy mới, tổ chức hoạt động học cho học sinh với các thao tác cụ thể, ví dụ cụ thể từ chính cuộc sống.
TS Nguyễn Đức Hoàng, hiệu trưởng trường THPT chuyên ĐHSP Hà Nội, cũng cho biết ông đã nghiên cứu chương trình và một số sách giáo khoa toán viết theo chương trình mới thì quả thực những nội dung được cho là “xác xuất, thống kê” không phải điều ghê gớm như dư luận lo ngại.
Đó chỉ là những yêu cầu ở dạng đơn giản có trong cuộc sống hàng ngày mà trẻ tiếp thu được nhằm hình thành khái niệm ban đầu, khả năng quan sát, kiểm đếm, những nhận xét về quy luật tự nhiên trong cuộc sống.
“Phụ huynh khi xem sách giáo khoa, với cách thiết kế các hoạt động học thì sẽ đỡ lo lắng băn khoăn thôi”- TS Hoàng chia sẻ.
Trước đó, các tác giả biên soạn chương trình môn toán – chương trình GD phổ thông 2018 cho biết “xác xuất, thống kê” là những nội dung mới trong chương trình toán sẽ triển khai tới đây. Nó xuất hiện từ lớp 2 đến hết các bậc học phổ thông, tùy theo mức độ khác nhau.
Theo tuoitre.vn