MỸ – Các nhà khoa học khuyến cáo nhiệt độ cao không hạn chế Covid-19 lây lan, các nước cần chuẩn bị sẵn tình huống dịch bùng phát vào mùa hè.
- 194 nước cùng thông qua nghị quyết kêu gọi điều tra về COVID-19
- Những nước nhỏ ‘vượt mặt’ siêu cường trong cuộc chiến Covid-19
Theo nghiên cứu của nhóm nhà khoa học từ Đại học Princeton và Viện Y tế quốc gia Mỹ, thời tiết nóng không tác động nhiều tới Covid-19 vì con người dễ bị mắc các bệnh, trái với hy vọng bệnh sẽ lây lan chậm lại do thay đổi mùa.
Kết quả nghiên cứu này đăng trên tạp chí Science ngày 18/5. Các nhà khoa học đã xây dựng mô hình lây nhiễm Covid-19, với các thông số gồm sự thay đổi khí hậu ảnh hưởng tới truyền bệnh, thời gian miễn dịch sau nhiễm trùng, điều chỉnh theo độ nhạy khí hậu so với hai chủng virus corona khác.
Sau đó, họ đưa ra nhiều kịch bản dựa trên hiểu biết về nCoV. Kết quả, nhóm nghiên cứu nhận thấy điều kiện thời tiết, như nhiệt độ và vĩ độ, chỉ tạo ra những “thay đổi khiêm tốn” về quy mô đại dịch. Về lâu dài, những thay đổi này có thể hữu ích trong việc dự đoán các đợt bùng phát trong tương lai.
Ngoài ra, tỷ lệ dân số có miễn dịch sẽ ảnh hưởng đến sự lây lan của đại dịch, vì mọi người đều dễ nhiễm bệnh. Các chuyên gia không chắc chắn liệu kháng thể ở người mắc Covid-19 có bảo vệ họ không tái phát, và nếu bảo vệ sẽ kéo dài bao lâu.
“Các nước nhiệt đới và ôn đới nên chuẩn bị cho đợt bùng phát mạnh của dịch bệnh, bởi nhiệt độ mùa hè sẽ không ngăn được lây lan”, nhóm nghiên cứu kết luận.
Người dân đeo khẩu trang trong giờ cao điểm tại ga Shinagawa, Nhật Bản, để phòng Covid-19. Ảnh: Reuters.
Nhóm nghiên cứu cũng cảnh báo về đợt bùng phát Covid-19 thứ hai ở châu Âu, khi các quốc gia dỡ bỏ phong tỏa. Nhóm kêu gọi tiếp tục thực hiện những biện pháp phòng dịch như xét nghiệm, truy vết, giãn cách xã hội và rửa tay.
Nhiều nghiên cứu trước đây về ảnh hưởng của nhiệt độ cũng cho kết quả tương tự. Tháng 2, nghiên cứu của một nhóm chuyên gia, bao gồm nhà dịch tễ học Marc Lipsitch từ Trường Y tế Công cộng Chan thuộc Đại học Harvard, cho biết nCoV vẫn có thể truyền nhiễm ngay cả trong môi trường nhiệt độ và độ ẩm cao. Nghiên cứu của Pháp vào tháng 4 cũng phát hiện một số chủng virus có thể sao chép kể cả ở nhiệt độ 60 độ C.
Đến nay Tổ chức Y tế Thế giới và giới chức y tế các nước vẫn giữ khuyến cáo nCoV, cũng như các chủng virus corona khác, bị tiêu diệt ở môi trường nhiệt độ cao. nCoV chỉ sống được trong môi trường ẩm thấp, dưới 25 độ C. Tuy vậy, quan điểm khác cho rằng còn sớm để kết luận thời tiết nóng có thể diệt nCoV.
Chi Lê (Theo vnexpress.net)