“Điểm mặt” 8 nỗi lo của ứng viên trước buổi phỏng vấn

Dù bạn từng có thâm niên trong nghề hay chỉ là lính mới, những buổi phỏng vấn xin việc làm đều đem đến ít nhiều áp lực. Nếu thiếu kinh nghiệm và không có sự chuẩn bị kĩ, bạn sẽ dễ dàng đánh mất cơ hội ngay cả khi có năng lực chuyên môn khá tốt. Dưới đây là 8 nỗi sợ phổ biến mà hầu hết các ứng viên đều gặp phải khi phỏng vấn và cách khắc phục để “ghi điểm” tối đa với nhà tuyển dụng.

Sợ đến trễ giờ

Đúng giờ được xem là phép lịch sự và yêu cầu tối thiểu mà mỗi ứng viên cần phải đặc biệt lưu ý. Nếu như bạn không chắc chắn về địa chỉ phỏng vấn, bạn nên chủ động liên hệ, hỏi thăm nhà tuyển dụng, thậm chí có thể thử đến trước đó vài ngày để nắm rõ đường đi. Bởi rất nhiều các doanh nghiệp nhỏ đặt trụ sở tại các con hẻm sâu giữa thành phố lớn. Việc tìm đường trước sẽ giúp bạn dự đoán khoảng thời gian di chuyển cần thiết, bao gồm cả sự cố kẹt xe.

Sợ quên tài liệu cần thiết

Thông thường, khi đến một buổi phỏng vấn tìm việc nhân sự hay bất cứ lĩnh vực nào khác, bạn phải mang theo một số giấy tờ, tài liệu, chẳng hạn như sơ yếu lý lịch, thư xin việc viết tay hoặc các chứng chỉ, văn bằng, chứng nhận thành tích… Đây có thể không phải là điều bắt buộc với một số trường hợp, nhưng việc chuẩn bị những tài liệu này sẽ giúp nhà tuyển dụng hình dung rõ hơn về bạn và sẽ tạo ấn tượng tốt trong mắt họ. Nếu bạn sợ bản thân bỏ quên các “phụ kiện” cần thiết này do tâm lý bất an, hồi hộp, thì hãy luôn phòng hờ vài bản photo ngay trong cốp xe.

Sợ trang phục không phù hợp

Tuyển dụng nhân viên công sở thường chỉ cần yêu cầu trang phục lịch sự, áo có cổ, quần hoặc váy không quá ngắn. Nhưng nếu là các startup trẻ thì có thể phóng khoáng hơn, nhưng đừng quá hở hang, lòe loẹt. Gợi ý bạn nên chọn các màu sắc nhã nhặn như trắng, xanh dương… với kiểu cách đơn giản, dễ nhìn. Đừng mang theo các món đồ trang sức không cần thiết và tóc tai cần gọn gàng. Nếu có thể hãy hỏi trước nhà tuyển dụng để có cách ăn mặc phù hợp nhất với môi trường phỏng vấn.

Sợ gọi nhầm tên người tuyển dụng

Rất nhiều người hay bị quên khi căng thẳng và ít khả năng nhớ đúng tên người đối thoại ngay lần đầu gặp gỡ. Tất nhiên nếu bạn gọi nhầm tên người phỏng vấn sẽ khiến đối phương cảm thấy khó chịu, mất thiện cảm. Hãy hỏi trước qua điện thoại hoặc email về tên người sẽ trực tiếp tham gia phỏng vấn, hoặc bạn có thể nhìn bảng tên của họ khi phỏng vấn. Đọc nhầm tên vài ba lần hoặc ghi nhanh vào giấy nháp cũng là các cách hữu hiệu.

Sợ trình bày sót hoặc sai về bản thân

Dù nhà tuyển dụng đã nắm sơ lược thông tin của bạn qua CV, nhưng họ vẫn muốn nghe bạn nói để nhận xét khả năng trình bày, thái độ, tác phong… của ứng viên có phù hợp với doanh nghiệp hay không. Nếu không có sự chuẩn bị kĩ, nhiều khả năng bạn sẽ nói sai hoặc sót thông tin về ưu điểm, mục tiêu và kinh nghiệm làm việc của bản thân. Tốt nhất bạn cần soạn và tập dượt phần trình bày một cách kĩ lưỡng để có thể nói lưu loát, rành mạch khi được yêu cầu.

Sợ nói vấp, ngôn ngữ cơ thể không phù hợp

Sau bài tự giới thiệu về bản thân, bạn sẽ phải đối thoại với nhà tuyển dụng. Nếu bạn là tuýp người hướng nội thì sẽ gặp nhiều bất lợi. Thực tế chúng ta đều ít nhiều “bị khớp” và thiếu kiểm soát cơ thể khi ở vào tình huống căng thẳng. Để khắc phục tình trạng này thì bạn nên tự diễn tập buổi phỏng vấn ở nhà bằng cách nói trước gương, chú ý biểu cảm gương mặt và sử dụng ngôn ngữ cơ thể phù hợp. Bạn cũng nên nhờ người thân hỗ trợ và tham khảo các video liên quan để rút tỉa kinh nghiệm.

Sợ “tịt ngòi” trước các câu hỏi khó

Tất nhiên chẳng ai là thông thạo hết tất cả mọi thứ, nhưng nếu bạn liên tục “câm nín” hoặc trả lời lắp ba lắp bắp trước các câu hỏi của nhà tuyển dụng thì đương nhiên sẽ bị đánh giá thấp. Hãy dành thời gian tìm hiểu kỹ về thông tin công ty như văn hóa doanh nghiệp, lịch sử hình thành, định hướng tương lai và cả các vấn đề liên quan đến vị trí ứng tuyển. Gợi ý rằng bạn có thể tự đặt ra các câu hỏi ở cương vị nhà tuyển dụng để có sự “đón đầu” tốt nhất.

Sợ thất bại

Đây là nỗi sợ phổ biến mà bất kì ai cũng gặp phải không chỉ riêng trong chuyện phỏng vấn. Hãy nhớ, niềm tin là một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự thành công. Do vậy, bạn phải luôn giữ tinh thần tích cực để gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng, đồng thời giúp cho bản thân phấn chấn và thể hiện tốt hơn. Mặt khác, bạn cũng nên có các phương án dự trù để nếu thất bại cũng không quá thất vọng và hụt hẫng.

Trung Thành

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN