Công nhận ông Lê Linh là ‘cha đẻ’ 4 nhân vật trong Thần đồng đất Việt

Sáng 3-9, TAND TP.HCM đã tuyên không chấp nhận kháng cáo của Công ty Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh, giữ nguyên bản án sơ thẩm và công nhận ông Lê Linh là tác giả duy nhất của hình tượng 4 nhân vật trong truyện Thần đồng đất Việt.

Sáng 3-9, TAND TP.HCM đã tuyên án vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ đối với hình tượng 4 nhân vật Tí, Sửu, Dần, Mẹo trong tác phẩm truyện tranh Thần đồng đất Việt giữa ông Lê Phong Linh (bút danh Lê Linh) và Công ty Phan Thị cùng bà Phan Thị Mỹ Hạnh.

HĐXX nhận định hình thức thể hiện của 4 nhân vật đang tranh chấp đã được Cục Bản quyền tác giả cấp cho chủ sở hữu là Công ty Phan Thị, với mục tác giả là tập thể tác giả. Tuy nhiên, nguyên đơn cho rằng ông là người trực tiếp sáng tạo ra 4 hình tượng nhân vật.

Còn bị đơn cho rằng bà Hạnh là tác giả của các nhân vật đang tranh chấp do các nhân vật này đã được định hình rõ ràng trong trí óc của bà. Ông Linh chỉ là người được bà thuê để vật thể hóa các ý tưởng đó ra thế giới bên ngoài, nguyên đơn không chứng minh được dấu ấn cá nhân của mình trong tác phẩm.

HĐXX đang tuyên án - Ảnh: TUYẾT MAI
HĐXX đang tuyên án – Ảnh: TUYẾT MAI

HĐXX cho rằng việc sáng tác và cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả diễn ra khi chưa có Luật sở hữu trí tuệ điều chỉnh, do đó cần áp dụng quy định về sở hữu trí tuệ của Bộ luật dân sự 1995 và các văn bản hướng dẫn của Bộ luật dân sự năm 1995 để giải quyết tranh chấp về quyền tác giả.

Về hình thức thể hiện, 4 nhân vật Tý, Sửu, Dần, Mẹo là các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng. Theo quy định, tác giả là người trực tiếp sáng tạo toàn bộ hoặc một phần tác phẩm văn học, nghệ thuật. Quyền tác giả phát sinh từ thời điểm tác phẩm được sáng tạo dưới hình thức nhất định, không phân biệt tác phẩm công bố hay chưa công bố, đăng ký bảo hộ hay chưa đăng ký bảo hộ.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn cung cấp bản thảo của 4 hình thức thể hiện tuy nhiên không thể hiện vẽ vào thời điểm nào, bị đơn cũng cung cấp những hình ảnh đầu tiên và những hình ảnh sau khi có sự góp ý của bà Hạnh nhưng cũng không cung cấp thông tin thời gian vẽ ra.

Trong các phiên tòa, hai bên thừa nhận nguyên đơn là người trực tiếp vẽ ra 4 hình tượng nhân vật. Trên các ấn phẩm đều thể hiện bút danh Lê Linh là người thể hiện phần tranh minh họa. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, mà theo bà Hạnh là để giao lưu, cũng thể hiện Lê Linh là tác giả.

Theo HĐXX. nguyên đơn là người thể hiện tác phẩm dưới một hình thức nhất định. Bị đơn cho rằng tác phẩm đã hình thành trong trí óc của bà Hạnh, ông Linh chỉ là người vẽ ra dưới sự kiểm soát của bà nên bà là tác giả, là không có căn cứ.

Ông Lê Linh tại tòa sáng nay - Ảnh: TUYẾT MAI
Ông Lê Linh tại tòa sáng nay – Ảnh: TUYẾT MAI

Dựa trên hợp đồng lao động, HĐXX cho rằng có cơ sở xác định nguyên đơn làm việc cho Công ty Phan Thị với nhiệm vụ vẽ tranh minh họa. Cụ thể, ông Lê Linh được Công ty Phan Thị giao nhiệm vụ vẽ hình tượng 4 nhân vật này để in trên tác phẩm nên Công ty Phan Thị là chủ sở hữu tác phẩm.

Do đó, Công ty Phan Thị được làm tác phẩm phái sinh nhưng không được sửa chữa, cắt xén hình thức thể hiện các nhân vật hoặc xuyên tạc hình thức thể hiện này dưới bất cứ hình thức nào gây phương hại đến danh dự, uy tín của ông Linh.

Khi ông Linh nghỉ việc, hai bên không có sự thỏa thuận nào khác, Công ty Phan Thị tiếp tục phát hành tiếp các tập tiếp theo của bộ truyện Thần đồng đất Việt và trong các ấn phẩm Thần đồng đất Việt mỹ thuật, Thần đồng đất Việt khoa học.

Theo quy định, tác phẩm phái sinh là là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn.

Tại phiên tòa, nguyên đơn cho rằng việc thể hiện 4 nhân vật trong các tập Thần đồng đất Việt từ tập 79 trở đi, Thần đồng đất Việt mỹ thuật, Thần đồng đất Việt khoa học có hình thức thể hiện khác so với hình thức thể hiện đã được đăng ký tại Cục Bản quyền tác giả là làm tác phẩm phái sinh, nhưng không nêu được đó là hoạt động nào trong các hoạt động dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn.

Theo các giấy chứng nhận bản quyền tác giả, hình thức thể hiện 4 nhân vật chỉ được diễn hoạt ở một vài khía cạnh như đằng trước, sau, bên trái, bên phải. Đây được xem là hình thức thể hiện gốc của tác phẩm.

Ông Linh là tác giả của hình thức thể hiện gốc. Công ty Phan Thị là chủ sở hữu tác phẩm, được sử dụng 4 hình tượng nhân vậy này vào các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình nhưng phải tôn trọng quyền nhân thân của tác giả.

Nhưng việc đưa hình ảnh nhân vật vào truyện, thể hiện tư thế, nét mặt, hành động sẽ làm sai lệch với hình thức thể hiện gốc, không được sự đồng ý của tác giả, đồng thời Công ty Phan Thị không ghi chú rõ việc sử dụng hình thức thể hiện 4 nhân vật trên là của tác giả Lê Linh, do đó có căn cứ xác định Công ty Phan Thị đã xâm phạm quyền nhân thân của ông Lê Linh.

Từ đó, HĐXX tuyên không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm, công nhận ông Lê Linh là tác giả duy nhất của hình tượng 4 nhân vật trong truyện Thần đồng đất Việt, buộc Công ty Phan Thị chấm dứt việc tạo ra và sử dụng những biến thể khác nhau của các hình tượng do ông Linh sáng tạo.

HĐXX cũng buộc Công ty Phan Thị công khai xin lỗi ông Lê Linh trên báo Thanh Niên, báo Tuổi Trẻ trong 3 kỳ liên tiếp. Đồng thời, buộc Công ty Phan Thị thanh toán chi phí luật sư cho nguyên đơn.

Theo tuoitre.vn

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN