“Tôi thành thật xin lỗi bà con vì để xảy ra tình trạng này. Trong vòng 20 ngày sẽ có phản hồi và không để bà con chịu thiệt”- ông Trình nói.
Cho rằng các công ty chế biến hải sản gây ô nhiễm khiến cá nuôi chết trắng, người dân nuôi cá tại các lồng bè dưới chân cầu Chà Và (xã Long Sơn, TP Vũng Tàu) sáng ngày 7/9 đã chở hàng trăm kg cá chết đến UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhờ giải quyết.
Trước đó, ngày 6/9, khoảng 15 hộ dân nuôi cá lồng bè tại cầu Chà Và phát hiện chỉ trong một đêm hàng ngàn con cá giống và cá nuôi đồng loạt chết sạch.
Khi rọi đèn thấy nước ô nhiễm chảy về, nhiều người đã dùng cánh quạt của các cano chở hàng đẩy nước ô nhiễm đi để tránh cho cá ngợp chết nhưng không có hiệu quả.
Theo nhiều hộ dân, tình trạng cá chết đột ngột trên sông Chà Và không chỉ mới xảy ra mà đã xảy ra nhiều năm qua. Đặc biệt, chỉ trong thời gian 2 tháng trở lại đây đã 3 lần xảy ra tình trạng trên. Tuy nhiên, lần này mức độ nghiêm trọng hơn khiến người dân bức xúc và lo lắng.
Các hộ nuôi cá cho biết thêm, nguyên nhân khiến cá chết là do nước thải ở một số nhà máy chế biến hải sản nằm gần cổng xả số 6 của khu chế biến thủy sản xã Tân Hải, huyện Tân Thành đổ trực tiếp ra sông khiến nguồn nước bị ô nhiễm nặng.
Sự việc đã được người dân nhiều lần báo lên các cơ quan chức năng TP Vũng Tàu, huyện Tân Thành cũng như tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để.
Quá bức xúc trước sự việc trên, trưa 6/9, hàng chục hộ dân đã chở xác cá chết đến một số nhà máy chế biến hải sản đổ trước cổng và yêu cầu cơ quan chức năng sớm có câu trả lời để giải quyết dứt điểm sự việc trên.
Do không được giải quyết, đến ngày 7/9, người dân tiếp tục đem cá chết đến UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhờ giải quyết.
Tại buổi gặp với Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, người dân bức xúc vì sự việc đã kéo dài nhiều năm nhưng vẫn chưa được xử lý khiến nhiều hộ dân thiệt hại về kinh tế.
Một người dân cho biết: “Số tiền đầu tư để nuôi cá đa phần người dân đều vay của ngân hàng hoặc vay ngoài với lãi suất cao. Tình trạng cá chết thường xuyên khiến nhiều người đổ nợ đã “treo” bè, thậm chí có người bỏ bè, bỏ trốn. Nay đề nghị tỉnh sớm có biện pháp hỗ trợ người dân”.
Đại diện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ông Lê Tuấn Quốc, Giám đốc Sở cho biết, trong thời gian qua địa phương đã có nhiều biện pháp để ràng buộc các doanh nghiệp chế biến hải sản không gây ô nhiễm. Nếu tình trạng vẫn tái diễn Sở sẽ trình UBND tỉnh yêu cầu 18 nhà máy trong khu vực ngừng hoạt động.
“Việc xác định nhà máy nào vi phạm cần phải có thời gian. Nhà máy nào gây ra thiệt hại phải có trách nhiệm đền bù những tổn thất cho bà con”, ông Quốc nói.
Sau khi nghe người dân và lãnh đạo Sở trình bày, ông Nguyễn Văn Trình- Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nói rằng ngay trong tuần sẽ tạm dừng hoạt động các công ty chế biến hải sản để cơ quan chức năng điều tra nguyên nhân cá nuôi lồng bè chết trên sông Chà Và. Đồng thời sẽ thanh tra, kiểm tra nhằm xác định trách nhiệm, hiện trạng và thiệt hại của bà con nông dân.
“Tôi thành thật xin lỗi bà con vì đã để xảy ra tình trạng này. Trong vòng 20 ngày sẽ có kết quả phản hồi với bà con và nhất định không để bà con chịu thiệt thòi”, Chủ tịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói.
Chiều cùng ngày, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có cuộc họp khẩn cấp cùng các ngành chức năng liên quan để xử lý vụ cá chết hàng loạt ở xã Long Sơn.
Nguồn Phụ Nữ Online
Xem thêm:
>> Ngư dân đem cá chết đổ trước cổng nhà máy
>> Du lịch một ngày đến đảo Long Sơn – Vũng Tàu