Thói quen khiến bạn dễ mất mạng khi trời trở lạnh

Nhiệt độ lạnh làm cho các mạch máu co lại, huyết áp tăng cao và là thủ phạm khiến nhiều người gặp biến chứng nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

Đột quỵ, nhồi máu cơ tim là 2 nguyên nhân gây tử vong rất cao, đều liên quan sự hình thành các cục máu đông gây tắc nghẽn động mạch. Trước đây, đột quỵ thường là bệnh của người lớn tuổi. Tuy nhiên, số ca bị đột quỵ tại Việt Nam và thế giới ngày càng trẻ hóa. Thậm chí, nhiều người khỏe mạnh, vận động viên thể thao hay trẻ em cũng có thể bị đột quỵ.

Khi miền Bắc bước vào mùa đông, trời trở lạnh, số ca đột quỵ tăng cao. Tại nhiều quốc gia, số ca đột quỵ vào mùa lạnh cũng có xu hướng tăng. Nhiều báo cáo cũng chỉ ra mối liên hệ giữa thời tiết và số ca tử vong vì đột quỵ.

Những thói quen dưới đây vô tình trở thành thủ phạm gây ra hiện tượng đột quỵ, dễ đoạt mạng nạn nhân.

Uống rượu

Trời lạnh, dịp lễ tết là thời điểm nhiều người Việt có thói quen rủ nhau uống rượu, liên hoan với quan niệm “uống một chút cho ấm bụng”. Tuy nhiên, quan niệm uống rượu để làm nóng cơ thể là hoàn toàn sai lầm.

Theo PGS.TS Tạ Mạnh Cường, Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, thói quen uống rượu mùa lạnh, mặc quần áo không đủ ấm, vừa phản khoa học vừa khiến nhiều người dễ gặp nguy hiểm.

Vị chuyên gia này lý giải uống rượu khiến các mạch máu giãn ra. Gặp trời lạnh, mạch đột ngột co lại và gây tăng huyết áp, dễ khiến nhiều người bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim, nguy cơ tử vong rất cao.

Chưa kể, nếu người dân mua phải rượu giả, không rõ nguồn gốc, chúng ta có thể bị ngộ độc, xuất huyết não nặng và khó bảo toàn mạng sống. Uống rượu khi điều khiển phương tiện giao thông còn gây nguy hiểm tới tính mạng của nhiều người, vi phạm quy định pháp luật.

s1Thói quen uống rượu vào trời lạnh dễ gây cảm lạnh, nguy cơ dẫn tới đột quỵ. Ảnh: iStock.

Tập thể dục sáng sớm

Nhiều người có thói quen dậy sớm khoảng 4-5h để tập thể dục. Tuy nhiên, thói quen này ở người già dễ trỏ thành nguyên nhân gây ra các cơn đột quỵ bất ngờ vào sáng sớm.

Theo PGS.TS Hà Hoàng Kiệm, Chủ nhiệm khoa Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Quân Y 103, Hà Nội, những trường hợp tai biến sau khi tập thể dục vào sáng sớm không hiếm. Thói quen này với thanh niên không ảnh hưởng nhiều nhưng nhóm tuổi trung niên, người già là hết sức nguy hiểm, nhất là khi một số trường hợp mặc không đủ ấm.

Việc tập thể dục quá sớm vào mùa đông dễ khiến chúng ta bị nhiễm lạnh đột ngột. Nó có thể gây ra liệt dây thần kinh số 7, đột quỵ, gây các bệnh về phổi, viêm phế quản…, đặc biệt là những người bị tăng huyết áp, bệnh về khớp cần tránh để nhiễm lạnh.

s2Tập thể dục vào sáng sớm, nhất là khi thời tiết lạnh giá, dễ khiến huyết áp tăng vọt và gây tai biến mạch máu não. Ảnh: Freepik.

Trời rét, các mạch máu co lại khiến huyết áp tăng vọt và dễ gây tai biến. Vừa thức dậy, ra khỏi chăn ấm là thời điểm chúng ta dễ bị nhiễm lạnh nhất, huyết áp tăng đột ngột. Điều này rất dễ dẫn đến các biến cố như vỡ mạch máu, co thắt ngực. Nhiệt độ thay đổi đột ngột cũng ảnh hưởng sự trao đổi chất trong cơ thể. Đặc biệt, người cao tuổi có sức đề kháng suy giảm, dễ đổ bệnh khi thời tiết thay đổi đột ngột.

Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo trong những ngày thời tiết lạnh, người cao tuổi nên tập luyện, vận động nhẹ nhàng với bài tập yoga, đi bộ trong nhà, nơi có mái che. Nếu cần ra ngoài trời, chúng ta nên trang bị đủ áo, mũ ấm, không nên tập luyện quá gắng sức.

Tắm đêm

Vào mùa đông, nhiều người có thói quen tắm khuya, sau 22h. ThS.BS Dương Văn Tâm, Trưởng khoa Điều trị Liệt vận động ngôn ngữ, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, Hà Nội, khuyến cáo thói quen này là một trong những nguyên nhân có thể dẫn tới đột tử.

Tạp chí Time dẫn lời GS.BS Brandon Mitchell, Đại học George Washington, cho biết tắm đêm dù bằng nước nóng cũng tiềm ẩn nhiều nguy hại. Đêm là thời điểm nhiệt độ xuống thấp. Những người có miễn dịch yếu sẽ dễ bị cảm lạnh và viêm phổi. Tắm khuya còn có thể gây đau đầu, sốt, nhiễm trùng phổi, đột quỵ và nguy cơ tử vong cao.

Bên cạnh đó, đại tá, lương y Bùi Hồng Minh, Phó chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội, vào buổi tối, nhiệt độ, không khí giảm xuống nên tắm đêm sẽ không có lợi, thậm chí gây tổn hại cho sức khỏe. Người trẻ tuổi tắm đêm sẽ khiến mạch máu bị co lại, nhất là khi tắm nước lạnh, mạch máu lưu thông khó khăn. Từ đó, ngay cả thanh niên, người trẻ tắm đêm cũng có nguy cơ bị đau đầu, đau vai gáy, lâu dần sẽ thành bệnh đau đầu kinh niên.

Người cao tuổi có đặc điểm sinh lý như mạch máu bị co lại, lòng mạch máu bị xơ vữa (vôi hóa), máu cô đặc và quánh cao hơn người trẻ nên thường gặp chứng huyết áp cao. Nếu tắm vào các thời điểm đêm muộn, họ rất dễ bị đột quỵ với khả năng cao hơn rất nhiều so với người trẻ.

Do đó, lương y Hồng Minh khuyến cáo những người bị huyết áp cao, rối loạn tiền đình tuyệt đối không tắm đêm để tránh đột quỵ.

s3Tắm đêm là nguyên nhân gây đột quỵ hàng đầu. Ảnh: iStock.

Thường xuyên thức khuya

Chuyên gia về đột quỵ, tiến sĩ Larry Goldstein, Đại học Duke, Mỹ, cho biết thời tiết lạnh giá khiến mạch máu chịu áp lực, dễ gây căng thẳng lên tim mạch. Ngược lại, “độ ẩm cao có thể gây mất nước, dễ hình thành cục máu đông trong mạch”. Việc giãn nở bất thường mạch máu dễ khiến cơ thể mất kiểm soát, gây tai biến, nhồi máu cơ tim và dẫn tới tử vong.

Thói quen thức khuya đến 2-3 h khiến cơ thể bị thay đổi nhiệt độ đột ngột, mạch máu giãn nở chưa thể thích nghi kịp. Chúng ta cũng rất dễ bị cảm lạnh trong khoảng thời gian này. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra nhóm ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm có nguy cơ đột quỵ cao gấp 4, 5 lần so với người ngủ đủ 8 giờ/ngày.

Ngoài ra, nhiều người có thói quen ngồi bật dậy ngay khi thức giấc, tuy nhiên, thói quen này xấu làm tăng nguy cơ đột quỵ. Nguyên nhân là huyết áp thường tăng cao vào buổi sáng sớm khi vừa thức dậy, tạo sức ép lên thành mạch, hình thành cục máu đông.

Để tránh đột quỵ, tốt nhất bạn nên tuân theo nguyên tắc 2-2-1: Thức dậy, nằm trên giường trong 2 phút. Sau đó, bạn ngồi dậy và ở trên giường thêm 2 phút, rồi hạ chân xuống giường trong một phút rồi đứng dậy, đi lại.

Thiên Nhan (Theo Zing.vn)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN