“Capsaicin, chất làm nên vị cay đặc trưng của ớt có thể chặn đứng quá trình di căn của ung thư phổi”. Kết quả bất ngờ này được chỉ ra trong nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học đến từ đại học Marshall (Mỹ).
Chỉ tính riêng ở Mỹ, mỗi năm đã có thêm 200.000 người được chẩn đoán mắc ung thư phổi. Đồng thời, căn bệnh này cũng cướp đi mạng sống của khoảng 150.000 người mỗi năm, khiến ung thư phổi trở thành một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu vì ung thư ở cả nam giới lẫn phụ nữ, tại đất nước cờ hoa.
Với mục tiêu phát triển giải pháp chữa ung thư phổi mới, nhóm các nhà khoa học của trường đại học Marshall đã tiến hành thí nghiệm đánh giá tác động của capsaicin, chất gây ra vị cay đặc trưng của ớt, lên các tế bào ung thư phổi.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã tiến hành nuôi cấy 3 dòng tế bào ung thư phổi không tế bào nhỏ, sau đó cho thêm capsaicin vào và theo dõi diễn biến. Kết quả chỉ ra rằng, capsaicin đã ngăn cản sự xâm lấn của các tế bào ung thư, đây cũng chính là giai đoạn đầu tiên của di căn.
Sau khi ghi nhận kết quả, nhóm nghiên cứu tiếp tục thử nghiệm trên động vật, bằng cách cung cấp một khẩu phần ăn giàu capsaicin cho những chú chuột bị ung thư phổi. Kết quả ở thí nghiệm này cũng thể hiện tính liên kết với thí nghiệm trước đó: Những chú chuột được bổ sung capsaicin phát hiện thấy ít tế bào ung thư phổi di căn hơn so với đối chứng.
Nhóm nghiên cứu cũng đồng thời tìm ra nguyên nhân dẫn đến khả năng ngăn chặn sự di căn của tế bào ung thư phổi của capsaicin. Theo đó, hợp chất này sẽ ngăn chặn sự hoạt động của protein Src, loại protein thiết yếu trong việc điều tiết sự sống/chết và quá trình phát triển của tế bào.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng khuyến cáo rằng, capsaicin có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn, điển hình là cảm giác cay, nóng, kích ứng đường ruột và đau bụng.
Theo Minh Nhật (Dân Trí)