Người “Cha đỡ” tận tâm

Trong lời thề Hippocrates có câu: “Tôi sẽ luôn nhớ rằng nghệ thuật của việc chữa bệnh hay của khoa học, cần sự ấm áp, cảm thông, và sự hiểu biết, điều đó có thể lớn hơn con dao của bác sĩ phẫu thuật hoặc thuốc của người dược sĩ”. Nếu hỏi về một tấm gương như thế tại Khoa Đẻ A2, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, bạn bè đồng nghiệp sẽ nói ngay đến bác sĩ Trưởng khoa Lưu Quốc Khải, một “cha đỡ” mát tay, có tâm, có nghề, một người bác sĩ dường như đã trải qua đủ gian nan, thử thách để rồi có được cho mình những giai thoại, những câu chuyện nghề, chuyện đời mà ai biết đến cũng không khỏi cảm phục, yêu mến.

“Ưu tiên những người nghèo khó và bộ đội”

Gặp gỡ bác sĩ Lưu Quốc Khải, ta sẽ cảm nhận ngay được ở anh sự thân thiện, nhiệt tình và cả sự chân chất. Ít ai biết rằng, bác sĩ Khải “mát tay”, mỗi năm cùng các bác sĩ trong khoa Đẻ A2 đỡ đẻ hơn 20.000 sản phụ lại từng tình nguyện đi bộ đội, từng làm việc không lương, làm phụ hồ, bảo vệ để có tiền theo đuổi đam mê ngành Y. Xuất thân như vậy, anh thấu hiểu hơn ai hết những nỗi vất vả của các gia đình sản phụ nghèo, vùng sâu vùng xa và vợ các quân nhân phải “vượt cạn” một mình.

h1BS Khải chia sẻ:“Nếu có ưu tiên thì tôi sẽ ưu tiên những người nghèo khó và bộ đội hơn. Họ là những người rất vất vả. Có người nghèo đến mức đi đẻ với đôi bàn tay trắng, có những sản phụ đi đẻ một mình vì chồng là bộ đội phải trực không được về… Những con người đó, thực sự họ rất cần sự quan tâm, động viên từ các y, bác sĩ”, bác sĩ Khải chia sẻ.

Hai lần phơi nhiễm HIV

Chắc chắn không ít người còn nhớ, cách đây gần 4 năm, trong một ca cấp cứu, do tình huống quá khẩn cấp nên các y, bác sĩ đã không kịp chuẩn bị các phương tiện phòng chống lây nhiễm HIV. Bác sĩ Khải chính là người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật. Và cũng ít ai biết rằng, trước đó anh cũng đã từng phải điều trị phơi nhiễm HIV cũng do cấp cứu cho một bệnh nhân có H từ tuyến dưới chuyển lên.

h2Bs Khải trong một ca mổ tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội

Nhưng khi nói về hai lần “thử thách lớn” bản lĩnh nghề nghiệp đó, chỉ cảm thấy trong anh sự xót xa khi nói về ánh mắt ẩn chứa nỗi buồn khôn tả của những sản phụ bị HIV. “Đó là những ánh mắt tự ti đầy bất lực, mặc cảm, sợ bị mọi người xa lánh nhưng sâu thẳm trong họ là nỗi khát khao được làm mẹ mặc dù mình đang có H”.

Người “cha đỡ” không nhớ nổi mình đã đỡ đẻ cho bao nhiêu sản phụ, có bao nhiêu đứa trẻ đã cất tiếng khóc chào đời trên đôi tay anh. Thế nhưng cảm xúc bồng bế một sinh linh và chứng kiến niềm hạnh phúc hay nỗi đau khổ của gia đình đứa trẻ vẫn không khác lần đầu tiên anh đỡ đẻ. Rất nhiều giọt nước mắt mừng vui và có cả những giọt nước mắt nghẹn ngào sinh ly tử biệt của tình mẫu tử. Đó là những ca sinh cứ ám ảnh người bác sĩ mãi.

Ngắm pháo hoa năm mới từ phòng mổ

Nói về những cái Tết phải đi trực của mình, bác sĩ Khải cho biết, Tết của bác sĩ không có gì khác biệt. Nhớ lại cái Tết đầu tiên đi trực, bác sĩ Khải kể, đó là hồi anh còn rất trẻ, còn rất háo hức để xem pháo hoa. Đến khoảnh khắc giao thừa, anh vừa chăm sóc bệnh nhân lại vừa mở cửa sổ nhìn trộm bắn pháo hoa rồi tò mò xem những sản phụ sinh vào khoảnh khắc giao thừa rồi vui lây cùng họ.

“Giờ phút giao thừa, mọi người cùng nhau chia sẻ chúc mừng năm mới. Khi mình lên làm phó trưởng khoa, trưởng khoa, trực tết thành thói quen, đầu tiên phải chúc mọi người nhất là những sản phụ sinh trong đêm giao thừa nhiều may mắn trong năm mới. Rất may nhiều năm làm trong ngành, đêm giao thừa không xảy ra điều gì gọi là đáng tiếc, toàn niềm vui nên mình rất thích”, bác sĩ Khải chia sẻ.

Sau mỗi ca trực, 7 giờ sáng kết thúc, anh lại trở về nhà bẻ cành lộc bên đường rồi lì xì gia đình, đưa mọi người đi chơi phố.

Và anh vẫn nghĩ đó là sự ưu ái đối với mình và những đồng nghiệp bởi anh được ban giám đốc bệnh viện chúc Tết, được nhìn thấy những em bé chào đời và niềm hạnh phúc của gia đình sản phụ, đã hơn hẳn những người lao công, những người lính đứng gác ở ngoài kia…

Một buổi sáng cuối tháng 2 lành lạnh, tranh thủ thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi, anh khoe bài thơ anh mới sáng tác nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, là ngày của các anh, các chị. Niềm vui của người bác sĩ dường như đơn giản, nhẹ nhàng là thế, nhưng thật ấm áp và gói gọn trong đó bao tâm sự của anh. Xin trích đoạn bài thơ “Lời ru của Mẹ” thay cho lời kết:

Ầu ơ… tiếng ru của Mẹ
Xua tan cái nắng trưa hè
Mơn man trên làn môi bé
Ngủ ngoan con nhé! Ầu ơ…

Lời ru có tự bao giờ
Mà như món quà của Mẹ
Phút giây con yêu chào đời
Lời ru Mẹ dành cho bé…

Ai đem lời ru cho Mẹ
Hỡi em, cô gái ngành Y
Nghiêng đầu, em cười nhỏ nhẹ
Mắt em như nắng xuân về

Nâng niu tiếng tim non trẻ
Hân hoan đón bé chào đời
Mênh mang lời ru của Mẹ
Em cười mà giọt lệ rơi…

BVPSHN

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN