Cúm B là gì? Tìm hiểu dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh bệnh

Cúm B thuộc nhóm các dịch bệnh hay gặp vào mùa Đông Xuân. Khác với Cúm A, Cúm B chỉ được tìm thấy ở người. Thông thường, người mắc Cúm B triệu chứng không nghiêm trọng và ít gây ra các đại dịch lớn. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp nó vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh.

1. Cúm B là gì?

Cúm B là một loại bệnh về đường hô hấp phổ biến ở người gây nên bởi virus. Khác với virus cúm A có nhiều chủng gây bệnh (H1N1, H3N2, H5N1,…), virus cúm B chỉ có một loại chủng duy nhất. Loại virus này ít biến đổi về cấu trúc kháng nguyên, và chỉ có thể gây nên các bệnh cúm thông thường, diễn biến đơn giản và có thể kết hợp với những loại virus cúm khác gây bệnh về đường hô hấp.

Theo các bác sĩ, cúm B là loại bệnh thời khí, hoạt động theo mùa. Điều kiện thời tiết chuyển giao rất thuận lợi cho virus cúm B phát triển. Thời gian ủ bệnh của virus cúm B là từ 1-3 ngày và diễn biến bệnh khoảng 3-5 ngày.

20191128070649793818cum-bmax-800x800-16028132981372034630537 Cúm B là một loại bệnh do virus gây nên – Ảnh Internet.

2. Dấu hiệu của cúm B

Cúm B triệu chứng không quá nặng nhưng nó nguy hiểm hơn cảm cúm thông thường. Người mắc Cúm B thường có các triệu chứng xuất hiện trên nhiều phương diện:

– Triệu chứng toàn thân:

Người bệnh thường có triệu chứng của viêm đường hô hấp trên: ho, sốt cao, đau đầu, đau họng, đau nhức cơ thể. Cụ thể: sốt từ vừa đến cao, có cảm giác ớn lạnh, cảm giác mệt mỏi, yếu ớt, bủn rủn chân tay, đau nhức cơ và cảm thấy đau khi vận động.

– Triệu chứng hô hấp:

Tương tự như cảm lạnh thông thường, cúm B có thể khiến người bệnh gặp các triệu chứng về đường hô hấp. Các dấu hiệu khởi phát thường bao gồm: ho, viêm họng, sổ mũi.

Tuy nhiên, bệnh nhân cần lưu ý các triệu chứng đường hô hấp do cúm có thể nghiêm trọng hơn và dẫn đến các biến chứng về sức khỏe khác. Nếu bạn bị hen suyễn, nhiễm trùng đường hô hấp có nguy cơ làm nặng thêm các triệu chứng và thậm chí là gây ra một đợt hen nghiêm trọng.

– Triệu chứng tiêu hoá:

Ngoài triệu chứng toàn thân và triệu chứng hô hấp nêu ở trên, người bị bệnh Cúm B có thể gặp phải một số vấn đề tiêu hóa như: buồn nôn. nôn mửa nhiều ở trẻ em, đau bụng, tiêu chảy, chán ăn, ăn không ngon miệng.

Đối tượng nhiễm bệnh cúm B là tất cả mọi người, đặc biệt là những đối tượng: trẻ em dưới 5 tuổi, người già, người bị suy giảm miễn dịch và những người đang mắc các bệnh mạn tính khác.

Có thể thấy Cúm B triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh lí đường hô hấp khác. Nhưng lại có thể gây nên những biến chứng cực kì nguy hiểm. Do đó, nếu có các triệu chứng nêu trên thì bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời, tránh để bệnh kéo dài.

Young woman lying on bed with common cold Cúm B triệu chứng không quá nặng nhưng nó nguy hiểm hơn cảm cúm thông thường – Ảnh Internet

3. Điều trị cúm B bằng phương pháp nào?

Nếu nghi ngờ nhiễm cúm B hay bất cứ loại cúm nào, bạn cần bổ sung thêm nhiều chất lỏng để tránh bị mất nước. Bên cạnh đó, bạn nên dành nhiều thời gian ngủ để cơ thể được nghỉ ngơi và nạp lại năng lượng.

Đôi khi các triệu chứng cúm B sẽ tự động thuyên giảm mà không gặp biến chứng gì với sức khỏe. Tuy nhiên, những người có nguy cơ cao gặp biến chứng khi bị cúm thì nên đến khám bác sĩ ngay lập tức để kịp thời điều trị.

3.1. Phương pháp điều trị các triệu chứng

Khi cúm B gây sốt cao (trên 38 độ C), bệnh nhân nên dùng Paracetamol để hạ sốt. Người bện cần lưu ý tránh dùng những thuốc có chứa thành phần Salicylate như Aspirin vì có khả năng gây nên hội chứng Reye vô cùng nguy hiểm ở trẻ em.

Ngoài ra, những người bệnh cũng cần phải chủ động cách ly để hạn chế virus cúm B lây lan trong cộng đồng, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, có thể ăn đồ ăn dễ ăn như cháo, uống nhiều nước và bổ sung vitamin qua các loại rau, củ, quả. Bạn cũng có thể dùng thêm một số thuốc để giảm đau đầu, giảm tiết dịch.

3.2. Phương pháp điều trị bằng thuốc đặc hiệu

Những loại thuốc này có chứa thành phần kháng virus dược dùng để đặc trị những trường hợp xảy ra các biến chứng hoặc mắc cúm nặng. Có hai loại thuốc đang được các bác sĩ dùng để chống lại virus cúm B đó là Tamiflu và Relenza.

Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý các loại thuốc này cần được sử dụng theo sự hướng dẫn của các bác sĩ. Thuốc có thể gây nên một số tác dụng phụ nếu bệnh nhân sử dụng không đúng cách.

Đối với trường hợp người mắc cúm là trẻ em, cha mẹ nên ưu tiên đưa trẻ đến cơ sở y tế trước khi áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà. Bởi vì một số loại thuốc nếu dùng tùy tiện có thể làm tăng nguy cơ xảy ra biến chứng. Trẻ bị sốt do cúm nên ở nhà ít nhất 24 giờ sau khi sử dụng các biện pháp hạ sốt tự nhiên (không cần dùng thuốc).

cam-cum-may-ngay-thi-khoi-16028391607821187997274 Điều trị cúm B cần sử dụng đúng cách vì có thể gây ra một số tác dụng phụ – Ảnh Internet

4. Biến chứng của bệnh cúm B

Bệnh cúm B không nguy hiểm, đa phần người bệnh sẽ tự khỏi sau khi được nghỉ ngơi, ăn uống điều độ và khoa học. Tuy nhiên, chúng ta không vì thế mà chủ quan vì có thể xảy ra nhiều biến chứng của bệnh cúm B gây nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh.

Cúm B sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh nếu không được phát hiện kịp thời, nhất là với những người hệ miễn dịch yếu. Bởi vì khi mắc cúm, người bệnh sẽ dễ dàng mắc thêm các bệnh khác hoặc gặp biến chứng bệnh ở thể nặng, gây nguy hiểm.

Biến chứng nặng nhất của bệnh cúm B chính là suy hô hấp. Biểu hiện rõ nhất của biến chứng này là khi người mắc cúm đã quá 3 đến 5 ngày mà vẫn tiếp diễn, kèm theo các triệu chứng khó thở, thở gấp, khạc ra đờm đặc có lẫn máu. Lúc đó, người bệnh sẽ tử vong nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời.

Ngoài biến chứng suy hô hấp, người mắc cúm B phải đối mặt với cúm ác tính nếu để lâu dài. Triệu chứng bệnh ban đầu giống như bệnh cúm thông thường, sau đó xuất hiện những biểu hiện của viêm phổi cấp tính dẫn tới thiếu ôxy máu và tử vong.

Ngoài ra, phụ nữ mang thai trong giai đoạn 3 tháng đầu có khả năng sinh non hoặc sảy thai nếu mắc cúm B do cơ thể có nhiều biến đổi, suy giảm hệ miễn dịch.

5. Những cách phòng ngừa cúm B hiệu quả

Các bác sĩ và nhiều tổ chức y tế trên thế giới đều khuyến cáo tất cả mọi người nên tiêm phòng vaccine cúm B và các loại cúm nói chung hàng năm để tự bảo vệ bản thân chống lại những chủng virus thông thường.

20191229150450085119tiem-cum-roi-co-bi-cumax-800x800-16028392577901396847546 Tiêm vaccine là biện pháp phòng ngừa cúm B cũng như các loại cúm khác tốt nhất – Ảnh Internet.

Chúng ta có thể tiêm vaccine phòng cúm Vaxigrip (0,25ml và 0,5ml) do hãng Sanofi Pasteur (Pháp) sản xuất. Đây là một tập đoàn dược phẩm lớn trên thế giới đã có hơn 100 năm hoạt động về lĩnh vực chủng ngừa để bảo vệ sức khỏe con người. Tại Việt Nam, vaccine phòng cúm Vaxigrip của Sanofi đã được Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế cấp phép lưu hành vào ngày 30/10/2018.

Cúm B là bệnh khó phòng, khó cách ly, bởi chúng phát tán theo mùa trên diện rộng, lây qua đường hô hấp. Người hàng ngày giao tiếp với người mắc cúm thì rất dễ mắc bệnh, nhất là trong các môi trường tập thể như trường học, cơ quan, các địa điểm diễn ra các hoạt động xã hội…

Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo ngoài việc tiêm phòng, cần có những biện pháp cách ly khi bị nhiễm bệnh như không cho trẻ đến trường học, trường mầm non để lây sang những trẻ khác. Người lớn nhiễm bệnh cần chủ động cách li với các thành viên trong gia đình và đồng nghiệp.

Đặc biệt trong vùng có dịch, tất cả mọi người cần đeo khẩu trang khi đi đường cũng như khi tiếp xúc với người bệnh. Mỗi gia đình nên thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân như: đeo khẩu trang, rửa sạch tay bằng xà phòng sau khi ho, hắt hơi hoặc khi tiếp xúc với người nhiễm cúm là cách phòng ngừa cúm B.

6. Nguyên tắc dinh dưỡng với người mắc cúm B

6.1. Người mắc cúm B nên ăn uống như thế nào?

Người bệnh cần đảm bảo đủ lượng nước trong cơ thể:

Nước chiếm gần 60% khối lượng cơ thể. Vì vậy, nước rất cần thiết với sức khỏe con người nói chung, đặc biệt là những người mắc cúm B. Thông thường, mỗi người khỏe mạnh nên cung cấp đủ từ 1.5 lít- 2 lít/ ngày.

Tuy nhiên, khi bị cúm B, người bệnh cần phải bổ sung nhiều nước hơn bình thường do cơ thể mất nước vì nhiều lý do như đổ mồ hôi, nôn, ăn ít đồ ăn.

Bên cạnh việc cấp nước, giải độc cho cơ thể người bệnh, nước còn có tác dụng làm loãng dịch gây tắc nghẽn mũi và ngăn ngừa nhiễm trùng cơ thể. Theo đó, bổ sung nước cho cơ thể bằng cách uống nhiều loại nước khác nhau, như: nước lọc; nước hầm xương; các loại trà như trà thảo mộc, trà gừng, trà xanh; các loại nước trái cây giàu vitamin như nước cam, nước dừa,…

20200226173459860569uong-nuocmax-1800x1800-1602752314085-1602752316001637738957 Người bị cúm B cần bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể – Ảnh Internet.

Cháo, súp gà:

Cháo hay súp gà đều là thực phẩm phù hợp với người bị cúm B. khi mắc bệnh, người bệnh sẽ không có cảm giác thèm ăn, khó ăn. Khi đó, cháo hay súp gà là thực phẩm dễ ăn, đồng thời dễ tiêu và chứa rất nhiều chất dinh dưỡng.

Thông thường, trong cháo gà có thịt, nước, các loại rau củ quả khác nhau. Vì vậy, đây là nguồn cung cấp lượng nước và muối đã bị mất trong cơ thể và bổ sung thêm các vitamin, khoáng chất, protein cần thiết.

Các loại thực phẩm giàu kẽm:

Chất kẽm có trong nhiều loại thực phẩm như: thịt bò, tôm, hàu, sò, thịt gà, ngũ cốc, ,… rất tốt cho người mắc cúm B. Thịt bò là một thực phẩm tiêu biểu trong nhóm kẽm. Không chỉ chứa kẽm, thịt bò còn giàu protein, magie, kali và vitamin B6 giúp người bệnh mau chóng hồi sức và cải thiện hệ miễn dịch.

Vì thế, bệnh nhân mắc cúm B cần bổ sung thịt bò và các thực phẩm giàu kẽm nói chung và trong khẩu phần ăn của mình.

Các loại rau củ quả:

Theo các nghiên cứu, rau củ quả là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, giúp hỗ trợ xây dựng một hệ miễn dịch khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Vì thế, người bệnh nên bổ sung đa dạng hóa nhiều loại rau củ trong khẩu phần ăn của mình, nhất các loại rau củ quả có màu đậm như các loại rau lá xanh: cải bó xôi,… vì chúng có tác dụng tăng cường hệ thống miễn dịch vì có chứa cả chất xơ, vitamin C và vitamin E.

Gừng, Tỏi:

Đây đều là những loại thực phẩm có chứa chất kháng sinh tự nhiên, có hiệu quả trong việc điều trị cúm B. Người bệnh cúm B nên ăn gừng, tỏi ngay khi có các dấu hiệu đầu tiên của bệnh.

6.2. Người mắc cúm B không nên ăn gì?

Ngoài những thực phẩm có lợi cho người mắc cúm B thì có một số loại thực phẩm không những không giúp ích cho việc phục hồi bệnh, mà còn làm trầm trọng hơn các triệu chứng của bệnh. Điển hình như:

– Các loại thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều dầu mỡ: Những loại thực phẩm này sẽ khiến người bệnh buồn nôn, khó tiêu. Hơn nữa, các loại thức ăn này thường không chứa nhiều chất dinh dưỡng.

Thay vì ăn đồ ăn chế biến sẵn, người bệnh nên ăn những thực phẩm tươi và giàu chất dinh dưỡng. Đồng thời, nên lựa chọn những cách chế biến đơn giản, thanh đạm như: luộc, hấp,… tránh đồ chiên xào nhiều dầu mỡ.

– Đồ uống có chứa cồn và chất kích thích như: rượu, cafe, soda: những loại đồ uống này sẽ làm giảm hệ thống miễn dịch và gây mất nước của cơ thể.

– Tránh hoặc hạn chế những đồ ăn như: bánh quy, khoai tây chiên…. vì những thực phẩm này cứng và khó tiêu có thể làm nặng thêm cơn ho và đau họng.

Chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng rất lớn đến việc điều trị cúm B. Vì thế người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn cũng như sự tư vấn của các bác sĩ.

7. Một số câu hỏi thường gặp về bệnh

– Cúm B có lây lan không?

Cúm B là bệnh về đường hô hấp, rất dễ lây lan trong cộng đồng, chỉ lây từ người sang người.

– Cúm B có nguy hiểm tới tính mạng không?

Cúm B là nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh cúm ở người. Đây là loại virus lành tính, đa phần người mắc phải sẽ tự khỏi sau vài ngày nghỉ ngơi.

Tuy nhiên, bệnh cúm B có thể trở thành mối nguy hiểm với người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai hoặc những người bị suy giảm hệ miễn dịch nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.

– Cúm B có di truyền không?

Cúm B là loại bệnh do virus gây ra nên không có tính di truyền.

Theo Ngọc Điệp – phunuvietnam.vn

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN