Hiện tượng ruồi bay là những điểm lạ xuất hiện trong tầm nhìn như các đốm đen hay các vết màu xám, đôi lúc có hình sợi dài hay hình mạng nhện trôi dạt lơ lửng khi chúng ta di chuyển mắt nhìn.
Hầu hết các hiện tượng ruồi bay xảy ra do những thay đổi liên quan đến tuổi tác khi chất dịch kính bên trong mắt trở nên lỏng hơn khiến các sợi nhỏ trong dịch kính này có xu hướng co cụm lại với nhau và đổ bóng trên võng mạc thành hình ruồi bay. Nếu chúng ta thấy gia tăng đột biến số lượng ruồi bay trong mắt thì cần viếng thăm chuyên gia mắt ngay lập tức – nhất là khi có kèm theo hiện tượng lóe sáng hay mất thị lực hai bên mắt vì đây là tình trạng cấp cứu có thể gây mù vĩnh viễn.
Các dấu hiệu của hiện tượng ruồi bay bao gồm: nhìn thấy một đốm đen hay nhiều đốm đen xếp thành chuỗi, những đốm đen này lơ lửng khi ta di chuyển đôi mắt, và khi ta cố gắng nhìn thì ruồi sẽ… bay nhanh chóng ra khỏi tầm mắt. Chứng ruồi bay rõ nhất khi chúng ta nhìn vào một nền sáng đơn giản như trên bầu trời xanh hoặc trên bức tường trắng. Nên đi thăm thày thuốc ngay nếu ta thấy nhiều ruồi bay trước mắt hơn bình thường, ruồi bay kèm lóa sáng hay mất thị lực hai bên vì đây là dấu hiệu nguy hiểm có thể đưa đến rách võng mạc hay bong võng mạc.
Hiện tượng ruồi bay có nguyên nhân là những thay đổi trong thủy tinh thể hay dịch kính khiến chất này không còn trong suốt mà xơ hóa hay vẩn đục tạo thành các hạt cản quang gây nên những bóng đen nhỏ trên võng mạc. Viêm màng bồ đào sau mắt cũng gây ra hiện tượng ruồi bay trong mắt. Xuất huyết trong dịch kính do chấn thương và các bệnh lý của mạch máu nuôi mắt, bệnh lý rách võng mạc khi chất dịch kính co kéo gây áp lực trên võng mạc cũng đưa đến hiện tượng ruồi bay mà nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến bong võng mạc và mất thị lực vĩnh viễn. Nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc hiện tượng ruồi bay bao gồm tật cận thị, chấn thương mắt, các biến chứng sau phẫu thuật đục thủy tinh thể và bệnh võng mạc tiểu đường.
Muốn chẩn đoán hiện tượng ruồi bay, thày thuốc thường tiến hành khám mắt sau khi nhỏ thuốc giãn nở đồng tử để nhìn rõ hơn các thành phần bên trong mắt. Đôi khi thày thuốc còn cho xét nghiệm máu, siêu âm hay chụp cắt lớp điện toán để tìm nguyên nhân gây ra chứng ruồi bay.
Trong hầu hết các trường hợp, không cần điều trị chứng ruồi bay mà nên tập sống chung với các chú ruồi này tuy lúc đầu chú làm cho ta khó chịu bực bội.
Trong trường hợp hiếm hoi, các chú ruồi bay quá lớn hay quá nhiều làm giảm tầm nhìn, ảnh hưởng đến sinh hoạt và việc làm thì cần xem xét phẫu thuật.
Thày thuốc nhãn khoa sẽ dùng tia laser bắn phá các chú ruồi bay, tuy nhiên rủi ro phẫu thuật là gây tổn thương võng mạc nếu… bắn không chính xác. Thày thuốc có thể loại bỏ dịch kính qua một vết rạch nhỏ trong mắt và đặt vào đó một dung dịch thay thế giúp duy trì hình dạng bình thường của mắt. Sau đó, cơ thể của chúng ta sẽ dần dần tạo ra chất dịch mới lấp đầy chất dịch kính cũ. Tuy nhiên, phẫu thuật loại bỏ chất dịch kính không tiêu diệt được tất cả các chú ruồi bay và nhiều ruồi bay mới vẫn có thể phát sinh thêm, chưa kể đến các rủi ro phẫu thuật như xuất huyết võng mạc và rách võng mạc.
Theo Bác sĩ Đào Ty Tách (Phụ Nữ Ngày Nay)