Thời tiết làm ảnh hưởng nhiều đến làn da của chị em, đặc biệt khi nắng gió kết hợp lúc giao mùa. Vậy làm sao để tránh các hiện tượng sạm, nám, nhăm da. Cùng bác sĩ Đoàn Mạnh Khải, Khoa thẩm mỹ – BV Từ Dũ (TPHCM) giải đáp thắc mắc để có biện pháp làm đẹp da đúng cách.
- Mách bạn cách chăm sóc da với cà chua
- Tẩy da chết – Bí quyết chăm sóc da trong mùa hè
- Làm sao phục hồi làn da nhanh chóng để đi dự tiệc?
Tôi 35 tuổi, thường bị nám da hai bên má khi thời tiết thay đổi. Có cách nào để chữa bệnh nám da ít biến chứng nhất? Có thể chữa khỏi bệnh nám da 100% hay không? (Thanh Thủy – Q.2, TP.HCM)
Bệnh nám da (melasma) là một bệnh lành tính của da, biểu hiện bởi những mảng tăng sắc tố ở vùng da phơi bày ánh sáng: mặt, cổ và vai. Bệnh thường gặp ở giới nữ, xuất hiện rõ trong thai kỳ hoặc ngoài thai kỳ liên quan đến sử dụng thuốc ngừa thai. Nguyên nhân thường do cơ địa (yếu tố di truyền), môi trường (ánh sáng mặt trời, sử dụng mỹ phẩm, nước hoa kém chất lượng…), nội tiết tố (oestrogene). Ở mặt, bệnh nám da thường xuất hiện ở vùng trán, xung quang mắt (gò má), vùng xương hàm, vùng môi trên và thường xuất hiện đối xứng. Điều trị bệnh nám da rất khó khăn và lâu dài. Thời gian điều trị có thể kéo dài từ sáu tháng đến một năm. Những phương pháp điều trị cần được phối hợp để đạt được hiệu quả cao nhất gồm: Sử dụng thuốc thoa có hoạt chất ức chế sản xuất melanine như: Hydroquinone, acide retinoid, acide azelaic…(cần có chỉ định của bác sĩ về thời gian cũng như số lần sử dụng). Lột bằng hóa chất (peeling) với acide trái cây, acide glycolique, acide tricloacetique, phenol… (không phù hợp lắm với khí hậu Việt Nam và phải do chính bác sĩ thực hiện). Laser Q-Switched, laser fractional phải được thực hiện bởi bác sĩ chuyên về laser. Kết quả điều trị có thể đạt được 60%-70% hoặc cao hơn tùy độ sâu, tính chất của bệnh nám da nhưng trên hết việc bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời là một yếu tố tiên quyết để ngăn ngừa bệnh nám da quay trở lại, vì khả năng tái phát của bệnh nám da rất cao. Chị có thể trực tiếp đến khám tại bệnh viện chuyên khoa về da để được chẩn đoán chính xác và được điều trị hiệu quả.
Gần đây, da mặt tôi chuyển sang sạm đen, đặc biệt ở vùng gò má. Tôi nên dùng thuốc thoa hoặc kem trị sạm da nào không? (T. Huệ – Q. Bình Tân)
Hiện nay các thuốc thoa hoặc kem trị sạm da trên thị trường có rất nhiều, thành phần phối hợp khác nhau tùy theo công thức của nhà sản xuất mục đích ức chế tế bào sắc tố sản xuất melanin, làm bong sừng và sáng da.
Tùy tình trạng da, độ sạm của da mà bác sĩ sẽ chỉ định các thuốc thoa phù hợp. Do đó để biết được mức độ sạm của mình như thế nào, khả năng điều trị, thời gian cũng như kết quả điều trị, bạn nên đến khám và tư vấn trực tiếp các phòng khám chuyên khoa da. Việc tự ý sử dụng các thuốc thoa điều trị sạm có thể làm nặng hơn tình trạng sạm da hiện có.
Tôi mới 30 tuổi mà vùng mắt xuất hiện những nếp chân chim nhiều quá. Mỗi lần cười là thấy mình già đi nhiều tuổi. Liệu có cách nào khắc phục được không? (Thúy Hằng – Q.2)
Nếu da mắt không được chăm sóc tốt trước khi chạm 30 thì các tế bào da dễ lão hóa và gây ra các vết chân chim.
Bạn nên uống nước nhiều và thường xuyên để có được sức khỏe và một làn da láng mịn bởi nước giúp da dễ đào thải những chất có hại, duy trì độ ẩm cho da giúp tránh những vết nứt nẻ, thô ráp.
Khi ra đường nhớ đeo kính râm vì ánh nắng mặt trời sẽ là nguyên nhân gây nheo mắt tạo những vết nhăn, có khi thành rãnh sâu.
Các sản phẩm kem chuyên dụng cho vùng da mắt có thành phần từ tự nhiên có công thức chống lão hóa và cung cấp độ ẩm cũng góp phần giảm việc hình thành các nếp nhăn quanh mắt hiệu quả.
Và quan trọng nữa là việc giảm stress và tránh các căng thẳng thần kinh. Sau khi rửa mặt sạch, bạn nên thường xuyên massage theo vòng tròn xung quanh mắt để giúp mắt được thư giãn. Nên đắp mặt nạ cho mắt bằng các loại trái cây hoặc mặt nạ chống nhăn. Không chà xát mạnh vùng da quanh mắt khi bôi kem hoặc khi rửa mặt.
Tránh các loại đồ uống có cồn, ga và hút thuốc vì rất có hại cho da.
Phụ Nữ Ngày Nay