Định cư nước ngoài – Xu hướng nhà giàu Việt?

Không có con số thống kê về số lượng doanh nhân Việt định cư ở nước ngoài trong những năm gần đây, nhưng có thể khẳng định, tìm đường định cư ở nước ngoài đang là một xu hướng của những người giàu Việt.

Mới đây, khi cần mua một va-ly, đến cửa hàng quen thuộc – trực thuộc một công ty TNHH mà tôi vẫn ấn tượng mãi về sự nhiệt huyết yêu nghề của người sáng lập kiêm giám đốc  –  tôi hỏi thăm cô bé bán hàng:

  • Cho cô xin lại số điện thoại của cô giám đốc được không con? Cô bị mất số của cô ấy rồi!
  • Dạ, cô con đi định cư nước ngoài rồi ạ!
  • Thế công ty giờ ai làm?
  • Cô bán cho người khác rồi ạ. Tên công ty cũng mới đổi đây.

Một thời gian mất liên lạc, hỏi lại thì đã bóng chim tăm cá. Thật vật đổi sao dời. Đã nhiều năm kể từ khi quen cô giám đốc công ty này trong một lần đi phỏng vấn, thỉnh thoảng tám chuyện qua điện thoại, tôi rất quý vì thấy cô chuyên tâm vào việc đưa ra thị trường những sản phẩm va ly chất lượng, dù cô làm gia công dưới một nhãn hiệu nước ngoài. Tôi trở thành khách hàng trung thành của cô, thỉnh thoảng vẫn ơi à góp ý với cô về cách trưng bày hàng, về mẫu mã sản phẩm. Một doanh nhân chí thú vào công việc của mình, xây dựng thành công chỗ đứng cho sản phẩm ngoài thị trường giờ đã bỏ cuộc chơi!

Mà không chỉ có mình cô…

Vào giữa năm 2013, trong một lần phỏng vấn một doanh nhân cũng nổi tiếng trên thương trường, anh có nhiều tâm tư về việc gìn giữ thương hiệu Việt trong ngành chế biến thực phẩm,  trước làn sóng “xâm lấn” của các thương hiệu nước ngoài – có vốn mạnh và bề dày kinh nghiệm “chinh chiến” trong nhiều thị trường khác nhau. Khi hỏi về gia đình vợ con của anh, anh bảo nhỏ: “Cách nay 14 năm tôi đã làm điều mà các doanh nhân ngày nay đang làm: đưa vợ và con ra định cư ở nước ngoài, vì tôi sợ trong tương lai, mình không đủ tiền cho con học ở nước ngoài”. Chấp nhận xa vợ con, một năm gặp gỡ nhau vài lần (họ về Việt Nam hoặc anh sang đó công tác), anh bảo sự hy sinh này cũng đáng. Hai người con của anh đều tốt nghiệp đại học danh tiếng ở nước ngoài và có thể trong tương lai, một trong hai người sẽ về Việt Nam để mở ra một hướng đầu tư khác cùng với cha.

định cư nước ngoài

Và trường hợp tương tự của một doanh nhân khác – hiện đang là tổng giám đốc một doanh nghiệp Nhà nước ăn nên làm ra. Với tâm niệm lo cho tương lai của con, hàng chục năm trước, ông và vợ đã chấp nhận ly hôn để vợ ông ra nước ngoài cùng với các con.  Gia đình họ hàng năm gặp gỡ nhau một lần…ở cái đất nước mà giờ đây con ông được hưởng một nền giáo dục tiên tiến với chi phí thấp giống như người bản địa. Ông tâm sự chỉ còn vài năm nữa mãn nhiệm kỳ thì ông cũng ra nước ngoài đoàn tụ cùng vợ con. Rõ là ông biết mình còn kiếm tiền được ở đây nên phải tranh thủ, chứ bản thân ông đâu còn gì gắn bó với mảnh đất này nữa! Đáng tiếc thay.

Phổ biến nhất là bằng cách bỏ vốn đầu tư, một số doanh nhân khác đã có được thẻ xanh định cư ở Canada, Mỹ, Úc, Singapore… cùng với cả gia đình. Nếu duy trì công ty ở Việt Nam, họ sẽ chọn người thân trong gia đình gánh vác tiếp trách nhiệm và chỉ tham gia điều hành từ xa. Lý do của chọn lựa này luôn luôn vì mục đích tìm kiếm môi trường giáo dục tốt cho con, một môi trường sống trong lành cho gia đình, sau cùng mới là việc tìm kiếm hệ thống y tế tốt cho bản thân lúc về già.

Hơn 20 năm trong nghề báo, tiếp xúc nhiều với lớp doanh nhân trẻ đầu tiên của TP HCM – những con người nhiệt huyết, tài năng –  tôi thấy rõ sự dịch chuyển của họ luôn hướng đến một môi trường sống tốt đẹp hơn. Lúc mới lập nghiệp, nơi sinh sống của cả gia đình không quan trọng, nhưng khi đã có sự nghiệp, đã thành đạt, ai cũng muốn di chuyển gia đình mình đến một môi trường sống tốt hơn. Sự chọn lựa đầu tiên có thể là biệt thự ở một khu dân cư chọn lọc trong một quận nào đó, sau đó là dời về khu biệt thự vườn ở Phú Mỹ Hưng hoăc quận 2…..và cuối cùng là Mỹ hoặc Canada/Úc/Sing. Âu cũng là lựa chọn hợp lý thôi.

Mục đích làm giàu kiếm ra nhiều tiền của con người chẳng phải có chung mục đích: để bản thân mình và gia đình mình có nhiều lựa chọn hơn đó sao? Với người nghèo, một căn hộ chung cư đã là giải pháp tuyệt vời và khiến họ hạnh phúc, đâu quan trọng là căn chung cư đó ở đâu? Còn với người giàu, môi trường sống tốt trong đó bao gồm hệ thống giáo dục và y tế hiện đại, đầy tính nhân văn…sẽ là điều họ phải đạt được bằng bất cứ giá nào.

Chỉ tiếc một điều là dường như không ai, không điều gì có thể ngăn cản sự dịch chuyển này – một sự dịch chuyển không chỉ mang đi “chất xám” mà còn là “ngoại tệ” – tức dòng tiền sinh lợi từ đây nhưng lại được tiêu ở chỗ khác! Thiệt thòi này không chỉ nền kinh tế Việt Nam gánh chịu mà đôi khi, còn ảnh hưởng đến cả thế hệ mai sau.

Thanh Thuỷ (Phụ Nữ Ngày Nay)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN