Cả tuổi thanh xuân, người phụ nữ này đã dành thời gian phụng dưỡng bố mẹ già. Hạnh phúc muộn mằn đến khi bà chấp nhận về sống cùng người đàn ông góa vợ, đã có hai con. Nhân hậu, hết lòng vì chồng, tình nguyện hiến một quả thận để cứu con riêng của chồng, người phụ nữ này đã xóa đi quan niệm ngàn năm mà người đời cay nghiệt thường nói: “Mấy đời bánh đúc có xương…”
Con trai là “bà mối” tìm vợ cho bố
Đến thôn Kiến Xá, xã Nguyên Xá (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), chúng tôi được nghe câu chuyện cảm động đầy tình người về bà Phạm Thị Lý (SN 1969) đã tình nguyện hiến một bên thận của mình để cứu con riêng của chồng.
Khi chúng tôi có mặt tại gia đình cũng là lúc vợ chồng bà Lý đang tất bật xếp hàng để anh Lân (người con trai thứ hai) đi giao cho các mối nhận. Vừa nhanh tay mang những kệ hàng, ông Trương Văn Ước (SN 1960, chồng bà Lý) cho biết: “Đến giờ cũng không hiểu tại sao bà ấy lại đồng ý lấy tôi khi chính con trai tôi mối lái. Có lẽ, bà ấy đến với tôi cũng là do tình thương. Đây cũng là duyên phận của chúng tôi”.
Theo lời kể của ông Ước, năm 1978, ông tham gia bộ đội và được biên chế vào đơn vị lính thuỷ đánh bộ đóng quân tại Hải Phòng, Quảng Ninh. Bốn năm sau, ông rời quân ngũ trở về địa phương và xây dựng gia đình với người vợ cùng quê. Đến năm 1986-1988 hai người con trai Trương Văn Lượng, Trương Văn Lân lần lượt chào đời trong niềm vui của họ hàng, nội tộc. Khi học xong THPT, hai anh em Lượng, Lân đi nghĩa vụ quân sự, trong đó anh Lượng đóng quân tại đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Với mong muốn có được công việc để lập nghiệp, nên khi hoàn thành nghĩa vụ, cả hai anh em đều theo học nghề điện và nghề lái xe.
Nói về tình yêu của mình, bà Lý kể, vì hai ông bà cùng xã nên biết nhau từ nhỏ, đặc biệt từ khi vợ ông Ước mất, thấy cảnh gà trống nuôi con, bà rất cảm thông và thương xót. Tuy nhiên, lúc đó bà không nghĩ sẽ lấy ông Ước làm chồng, chỉ đến khi Lân đến đặt vấn đề “cho bố cháu tìm hiểu” thì bà Lý mới để ý. Bà tâm sự: “Hồi ấy Lân chơi với cháu gái tôi, có lẽ Lân thấy tôi nhiều tuổi mà chưa xây dựng gia đình nên đã dò hỏi. Sau đó Lân mạnh dạn đặt vấn đề cho bố tìm hiểu”.Gần 40 tuổi, bà Lý mới bắt đầu cuộc sống gia đình. Biết cả ba bố con thiệt thòi về tình cảm, cho nên từ ngày về chung một nhà, bà luôn chăm lo mọi việc, vun vén hạnh phúc cho gia đình.
Tai họa bất ngờ ập xuống gia đình nhỏ khi anh Lượng mắc phải căn bệnh suy thận vào năm 2007. Ba năm sau, anh Lân cũng mắc phải căn bệnh này. Vì phát hiện bệnh muộn nên hai anh em Lượng, Lân phải ngừng học nghề để chạy chữa.
“Ước gì, tôi có thể cứu được cả hai con”
Bà Lý rưng rưng: “Khi biết hai con mắc phải căn bệnh này, tôi với bố các cháu chết lặng. Vì đã mắc này, việc chữa chạy tốn kém mà chưa chắc đã khỏi. Cũng vì căn bệnh này mà ngày trước mẹ của Lượng không qua khỏi, cho nên tôi thương hai con lắm”.
Ngoài mấy sào ruộng khoán thì vợ chồng bà không biết làm gì để có tiền lo chữa bệnh cho con. Có những hôm, bà vừa đưa con lên bệnh viện làm thủ tục, lo chỗ ăn ở xong, bà vội bắt xe quay về để làm việc, vì nếu không làm thì không có tiền cho con chạy thận. Thời gian đầu, khi anh Lượng đi chạy chữa, hầu như đêm nào bà cũng thức trắng vì những cơn đau hành hạ Lượng. Lúc đó, bà chỉ biết ngồi xoa bóp, vỗ lưng cho con đến sáng.
Mặc dù không phải con mình dứt ruột sinh ra, nhưng bao nhiêu năm qua, bà Lý vẫn lặng lẽ chăm sóc tận tình hai con của chồng không một lời kêu ca, phàn nàn. Khoảng tháng 1/2013, anh Lân được bác sĩ thông báo bệnh tình đang ở giai đoạn cuối. Để duy trì sự sống, chỉ có cách chạy thận nhân tạo và ghép thận. Nếu chạy thân nhân tạo thì điều kiện kinh tế không có, trong khi sức khỏe của Lân ngày càng yếu. Nếu ghép thận phải tìm được người cho phù hợp, chi phí cho ca phẫu thuật rất lớn.
Khi thấy bác sĩ bảo vậy, hai vợ chồng ông Ước đã làm xét nghiệm, nhưng chỉ có nhóm máu của Lân là phù hợp với bà Lý. Biết tin, bà Lý vừa mừng, vừa lo vì bà có thể hiến một bên thận để cứu sống được một trong hai đứa con của chồng, nhưng bà lại lo lắng đến khoản chi phí cho ca ghép thận tốn đến gần 300 triệu đồng mà gia đình không biết xoay sở ra sao? Không còn cách nào khác, vợ chồng bà bán mọi thứ trong nhà, đi vay thêm mọi nơi và được chính quyền địa phương hỗ trợ chút đỉnh, ca ghép thận đã thành công, sức khỏe của hai mẹ bà con dần bình phục.
Khi chúng tôi hỏi, tại sao bà lại quyết định hiến thận cho con chồng mà không nghĩ đến sức khỏe sau này, bà Lý cười bảo: “Đã xác định làm vợ và về chung sống với nhau thì con nào cũng là con. Khi thấy con bệnh tật ốm đau, người làm cha, làm mẹ nào chẳng xót xa, trong khi mình có khả năng cứu thì mình cố thôi”. Những ngày anh Lượng không đi chạy thận ở Bệnh viện Đại học Y Thái Bình, anh lại làm việc giúp bố mẹ. Còn Lân được cứu sống nhờ mẹ kế hiến thận nên sức khỏe đã khá hơn. “Mỗi tuần Lượng phải chạy thận nhân tạo 3 lần. Không biết sức khỏe của cháu sẽ đi đến đâu? Ước gì tôi có thể cứu được cả Lượng. Lúc nào, tôi cũng thương hai đứa. Chỉ sợ biết hai con bệnh tật, không ai muốn xây dựng hạnh phúc gia đình cùng thì khổ…”, bà Lý ngậm ngùi.
Đức Tùy/Theo GiadinhNet