Những ảnh phong cảnh ở các tỉnh, thành từ Lạng Sơn, Hà Nội, Đà Nẵng cho đến miền Tây qua góc máy flycam được tác giả Lê Thế Thắng sáng tác trong hơn 2 năm qua.
Bắc Sơn (Lạng Sơn). Bắc Sơn là một huyện miền núi, nằm ở phía tây bắc của tỉnh Lạng Sơn. Nơi đây không chỉ nổi tiếng là địa danh lịch sử mà cảnh sắc còn đẹp đến mê hồn. Thung lũng Bắc Sơn trù phú nằm lọt giữa những bốn bề núi đá vôi trùng điệp, với những dòng sông uốn lượn qua các đồng lúa rộng bạt ngàn.
Làng Thổ Hà (Bắc Giang) bên dòng sông Cầu thơ mộng. Nơi đây gìn giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Thổ Hà đẹp cổ kính mang dấu ấn đặc trưng của một làng quê thuần Việt với quần thể kiến trúc, văn hóa, cảnh quan độc đáo.
Hồ Tây, hồ Trúc Bạch và đường Thanh Niên của thủ đô Hà Nội.
Hà Giang, nơi có những thửa ruộng bậc thang đẹp mắt, thu hút nhiều khách du lịch tìm đến mỗi ngày.
Cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) với đồng cải xanh rờn ra hoa trắng. Cao nguyên Mộc Châu có độ cao trung bình 1.050 m so với mực nước biển, mang đặc trưng của khí hậu cận ôn đới, đất đai màu mỡ phì nhiêu, thuận lợi cho phát triển cây chè, cây ăn quả (mận, đào) và chăn nuôi bò sữa.
Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) – di sản và là kỳ quan thiên nhiên thế giới.
Đại Nội (Huế) nhìn từ độ cao hơn 300 m. Ðại Nội bao gồm Hoàng Thành và Tử Cấm Thành, thuộc phường Thuận Thành, thành phố Huế.
Lăng Cô (Huế) – địa danh du lịch hấp dẫn với bãi cát đẹp và mịn, cách thành phố Huế 70 km về phía nam.
Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng). Ngũ Hành Sơn sở hữu vẻ đẹp hội tụ của vùng trời biển, non nước hữu tình với những giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh sâu sắc. Ngũ Hành Sơn là tên chung của một danh thắng gồm 6 ngọn núi đá vôi nhô lên trên một bãi cát ven biển với diện tích khoảng 2 km2, gồm Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn (có 2 ngọn) và Thổ Sơn. Mỗi ngọn núi có một vẻ đẹp riêng về hình dáng, vị trí, chất liệu đá, về hang động, chùa chiền.
Đỉnh Bà Nà (Đà Nẵng) bồng bềnh trên mây. Trung tâm của đỉnh Bà Nà nằm ở núi Chúa, độ cao 1.489 m so với mực nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình vào mùa hè khoảng 18ºC. Nhiều năm qua, nơi đây trở thành điểm du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng.
Phố cổ Hội An (Quảng Nam) trong buổi bình minh. Hội An nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30 km về phía nam.
Thánh địa Mỹ Sơn – di sản văn hóa thế giới. Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 69 km và cách thành cổ Trà Kiệu khoảng 20 km, là tổ hợp bao gồm nhiều đền đài Chăm Pa trong một thung lũng đường kính khoảng 2 km, bao quanh bởi đồi núi.
Tháp Chăm Cánh Tiên tại thị xã An Nhơn (Bình Định). Tháp được xây dựng vào thế kỷ thứ 12, dưới đời vua Chế Mân (Jaya Sinbavarman III).
Khu du lịch Ghềnh Đá Đĩa. Thắng cảnh nổi tiếng này nằm yên bình bên bờ biển thuộc địa phận xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Tháp bà Ponagar nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 10-12 m so với mực nước biển, ở cửa sông Cái (sông Nha Trang), cách trung tâm thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) khoảng 2 km về phía bắc.
Hồ Tà Đùng, xã Đắk Som, huyện Đắk G’lon (Đắk Nông). Tà Đùng nằm ở khu vực thượng nguồn của hệ thống sông Đồng Nai, có các dự án thủy điện Đồng Nai 3 và 4 đang hoạt động. Một số đảo ở đây có diện tích khá lớn thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái. Đứng từ trên cao nhìn xuống, mặt nước trong xanh, phẳng lặng của hồ Tà Đùng như được điểm xuyết bởi vô số hòn đảo nhỏ nổi lên.
Cao nguyên Lâm Đồng. Lâm Đồng là một trong năm tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, đồng thời tiếp giáp với vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Nằm trên cao nguyên cao nhất của Tây Nguyên là Lâm Viên – Di Linh với độ cao 1.500 m so với mực nước biển và là tỉnh duy nhất ở Tây Nguyên không có đường biên giới quốc tế.
Một góc bên sông thuộc thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp).
Một cánh đồng lúa vàng thuộc tỉnh An Giang.
Huyện Châu Thành (Cần Thơ).
Theo Zing