Rời bỏ quê hương để lên thành phố tìm kiếm tương lai cho con cháu, thế nhưng đã hơn 20 năm trôi qua, gia đình 6 con người họ vẫn lênh đênh trên con thuyền nhỏ giữa dòng nước, Sài Gòn đâu hẳn là chốn thiên đường.
Người ta vẫn gọi Sài Gòn là miền đất hứa, miền đất cho những người nghèo có cơ hội đổi đời. Thế rồi người ta dắt díu nhau vào chốn thị thành để tìm kiếm cái điều mơ ước ấy. Cũng có người đổi đời, trở nên khá giả sung túc, nhưng cũng có những con người cứ mãi loay hoay trong cái vòng xoáy của thị thành để rồi thời gian cứ trôi đi và họ chỉ mãi là những đứa con rơi của Sài Gòn.
Loay hoay giữa chốn thiên đường, người ta vẫn mãi chỉ là những kẻ tạm bợ của thành phố.
Những chiếc thuyền ôm ấp những giấc mơ
Dọc bờ sông đường Trần Xuân Soạn (quận 7, TP. HCM) là nơi tập trung rất nhiều thuyền bè neo đậu, một phần trong đó là thuyền chở hàng hóa lên thành phố bán hàng, phần còn lại là những gia đình từ miền Tây lên Sài Gòn để lập nghiệp. Đa phần là dân lao động nghèo, với nguồn thu nhập thấp họ không đủ tiền thuê một căn nhà để ở, buộc phải sinh sống trên chính con thuyền của mình.
Khu vực Trần Xuân Soạn (quận 7) là nơi tập trung rất nhiều dân nhập cư từ miền Tây Nam Bộ lên sinh sống.
Ông Trần Văn Giai (ông Tư, 55 tuổi, Bến Tre) ngồi nhâm nhi ly trà sáng bên chiếc bàn quen thuộc và kể cho chúng tôi nghe về những ngày đã qua. “Tui có 3 thằng con trai, ngày xưa sống ở dưới quê, cuộc sống khó khăn, nên vợ chồng bàn nhau lên Sài Gòn để làm ăn. Thế là cả nhà tui lái ghe từ Bến Tre lên thành phố để buôn bán và sinh sống” – ông Tư trầm ngâm kể.
Hơn 20 năm trước gia đình ông Tư lên Sài Gòn sinh sống.
Thời đó vợ chồng con cái ông cùng nhau sống trên một chiếc ghe nhỏ ở trên sông Sài Gòn. Sáng họ chở dừa lên bờ sông để buôn bán, chiều tối lại trở về ghe để ngủ. Cuộc sống cứ thế trôi qua, họ bắt đầu quen dần với nếp sống nơi thành thị.
Mãi hơn 20 năm sau gia đình họ vẫn chật vật với những khó khăn.
Thấm thoắt đã hơn 20 năm trôi qua, tóc ông bà Tư cũng bạc đi nhiều, thế nhưng gia đình ông vẫn từng ngày, từng ngày chật vật với khó khăn. Bà Tư ôm đứa cháu nội vào lòng rồi buồn thiu tâm sự: “Hai anh đầu đã có vợ rồi, một thằng thì sống cùng vợ chồng tui, thằng thứ hai về quê vợ ở Bình Thuận. Còn thằng út đi xuất khẩu lao động ở Nhật 3 năm, lâu lâu nó vẫn gửi tiền về phụ giúp nhưng cũng không nhiều nhặn gì”.
Dù cố gắng làm việc nhưng họ vẫn không đủ tiền để thuê một căn nhà trọ.
20 năm, ông bà Tư chưa từng dám nghĩ đến việc sẽ lên bờ thuê một căn nhà để sinh sống cho sạch sẻ, đàng hoàng. “Bà con ở dưới quê hỏi sao đi lên Sài Gòn mấy chục năm mà không mua nổi cái nhà. Tui cũng chỉ biết lắc đầu. Thuê nhà ở còn không đủ tiền, lấy đâu ra tiền mà mua nhà” – bà Tư tâm sự.
Bán dừa là nguồn thu nhập chính của gia đình anh Toàn.
May mắn họ được một gia đình ở dưới chân cầu Tân Thuận 1 cho sử dụng phần đất phía sau nhà để sinh hoạt vào ban ngày, nên những năm gần đây gia ông Tư có thêm không gian để sinh hoạt. Hàng ngày ông Tư lái đò chở hàng hóa qua sông, còn con trai cả của ông là anh Trần Văn Toàn bán dừa hoặc đi làm thuê để kiếm sống.
Được người dân giúp đỡ, gia đình ông Tư có thêm không gian để sinh hoạt vào ban ngày.
Như cánh lục bình
Vợ chồng anh Trần Văn Toàn có hai đứa con là Trần Duy Khang (9 tuổi) và Trần Mỹ Ý (4 tuổi). Vì kinh tế gia đình khó khăn nên Duy Khang mới được đi học cách đây một năm, còn Mỹ Ý vẫn phải ở nhà cùng ông bà.
Anh Toàn cố gắng làm việc để nuôi hai con nhỏ.
Dù sinh ra ở thành phố, nhưng lũ trẻ chưa bao giờ ý thức chúng là người thành thị, sống lênh đênh trên sông nước cùng gia đình từ nhỏ, vì vậy cái nếp sống vùng sông nước ăn sâu vào con người chúng như điều tất yếu.
Bé Khang còn nhỏ nhưng rất siêng năng.
Tuy còn nhỏ nhưng Duy Khang luôn ý thức được rằng phải biết phụ giúp những công việc hàng ngày để đỡ đần cha mẹ. Dù vậy sự hồn nhiên trong hai đứa trẻ vẫn chưa bao giờ bị cái nghèo cướp đi. Chúng vẫn luôn vui tươi, tinh nghịch như chính cái tuổi của mình.
Các em rất hồn nhiên và tinh nghịch.
Bà Tư ngậm ngùi nói: “Mong cho tụi nhỏ được học cái chữ để có tương lai. Chứ đừng giống cha mẹ của nó, không có cái chữ thì chỉ biết lao động chân tay, đi làm thuê làm mướn suốt đời”.
Sống cuộc đời sông nước, đôi khi bạn bè không nhiều, nên các em luôn biết bao bọc yêu thương nhau.
Ước mong là thế, nhưng có lẽ bây giờ ông bà Tư và vợ chồng anh Toàn đang còn phải đau đầu về chuyện sắp tới họ sẽ đi về đâu. Trong thời gian tới khu vực bờ sông Trần Xuân Soạn sẽ được giải tỏa, điều chắc chắn là thuyền bè của gia đình ông bà sẽ không còn được neo đậu ở đây nữa.
Tương lai lũ trẻ rồi sẽ về đâu khi phía trước vẫn còn quá tăm tối.
Hơn 20 năm trước họ rời quê hương để tìm đến chốn thiên đường và 20 năm sau có lẽ họ sẽ lại trở về. Chạy trốn từ cái nghèo này để đến cái nghèo khác, họ chạy mãi chẳng thấy lối ra. Thôi thì cứ như cánh lục bình tự do trôi theo con nước.
Những cao ốc lộng lẫy phía xa bên kia mãi mãi là điều gì đó quá xa với đối với những con người lam lũ như vợ chồng ông Tư, anh Toàn và có thể là cả bé Khang, bé Ý. Thiên đường chỉ cách họ một con sông, mà sao xa quá!
Theo Trí Thức Trẻ