Chuyện giáo dục giới tính của bà mẹ có hai cô con gái

Những tin tức về việc trẻ vị thành niên dậy thì sớm, yêu sớm, bị lạm dụng tình dục, bị quấy rối…, như những mũi tên bắn thẳng hạ gục tôi, bà mẹ có tới 2 cô con gái.

Tôi lo lắng, nín thở quan sát con lớn lên, luôn để ý chọn thời điểm để nói chuyện giới tính và bảo vệ bản thân với con.

Hồi nhỏ, khi hai con còn chưa kịp biết xấu hổ, tôi bắt đầu dạy về giữ vệ sinh thân thể, cách mặc đồ, cách ngăn người khác chạm vào cơ thể mình. Với thói quen cưng nựng trẻ con suồng sã của người Việt, khá là khó khăn, nhưng tôi cũng vẫn kiên quyết khẳng định với con những điểm cấm, chỉ có mẹ và bác sỹ mới được chạm tới, cấm cả ba, cả ông bà, chú cậu, cô bác… mặc nhiều người thân quen có chút tự ái!

Chuyện giáo dục giới tính của bà mẹ có hai cô con gái

Tông giọng và tinh thần của người lớn khi nói về vấn đề giới tính sẽ quyết định sau này con có dám hỏi tiếp nữa không. (Ảnh minh họa)

Hôm nay, bé con 9 tuổi đang đọc truyện Nhóc Miko, bỗng chạy ra dựa vào chân tôi cười, ngần ngừ, hơi sượng sùng rồi hỏi: “Vòi trứng, buồng trứng ở đâu hả mẹ?”.

Nghe cách con hỏi, tôi biết bản năng đã tự mách bảo cho nàng rằng câu hỏi này có thể nằm trong vùng cấm. Thế nên tôi thản nhiên vạch áo lên, vẽ hình vòi trứng và buồng trứng trên bụng. Tôi dẫn con vào tận trong tủ, lôi các loại có cánh, dày mỏng, dài ngắn đêm ngày của mẹ ra, chỉ dẫn kỹ lưỡng.

Thế là con hỏi làm sao có em bé. Hít một hơi thật sâu, tôi thản nhiên nói về dương vật và âm đạo và tinh trùng và trứng!!! Gọi tên các bộ phận đó bằng từ khoa học hết. Thản nhiên, không ngập ngừng giấu diếm, như đang nói việc nấu bò kho thì cần loại thịt nào. Tôi nghĩ, tông giọng và tinh thần của mình sẽ quyết định sau này con có dám hỏi tiếp nữa không.

Rất may, hiện nay có nhiều sách báo và tài liệu trên mạng viết về những đề tài này khá cụ thể, khoa học, và dễ thương. Trong nhà tôi đã trữ sẵn một số cuốn như vậy, tôi vào lấy cho con đọc. Thấy nàng vui vẻ thở ra nhè nhẹ, tôi biết mình đã phá đựơc vài nhát trong bức tường giới tính mê hoặc trước mắt con rồi!

Một cô bạn tôi đã từng kể lần đầu tiên đi bơi ở Thụy Điển, ngỡ ngàng vì không tìm thấy cánh cửa hay vách ngăn các phòng tắm với nhau. Trong phòng thay đồ dành cho nữ, các bác, các chị, các em cứ đứng xếp hàng dài dưới các vòi sen tắm gội. Không lẽ một đất nước nằm trong top những quốc gia giàu nhất và có hệ thống phúc lợi cao nhất thế giới như Thụy Điển lại không đủ tiền xây cánh cửa ngăn các phòng tắm? Đơn giản vì họ cho rằng thân thể con người ai cũng như ai, cũng đều những bộ phận như thế và ai cũng hiểu biết đủ để không còn tò mò.

Chuyện giáo dục giới tính của bà mẹ có hai cô con gái

Cơ thể con người ai cũng như ai, cũng đều những bộ phận như thế và ai cũng hiểu biết đủ để không còn tò mò. (Ảnh minh họa)

Ở Phần Lan, trong phòng tắm hơi bằng gỗ truyền thống cũng là tắm khỏa thân… Tiền tổ chức các lớp giáo dục giới tính nhiều khi được trường thay bằng lớp tắm hơi miễn phí hay tắm nắng bắt buộc trên bãi biển trong điều kiện thời tiết cho phép. Các phòng tắm onsen của Nhật cũng phải khỏa thân tập thể tương tự.

Rất là nhân văn, khi họ quan niệm rằng, trên thế giới này, mỗi người đều khác nhau, nên chuyện kích cỡ to nhỏ thế nào cũng không phải là điều mình nên lấy ra bàn luận cho sướng miệng, hay mang về nhà dằn vặt, đau khổ.

Nhiều người hơi choáng khi nhà tôi xây cái phòng tắm bằng kính rất “mở”. Có sao đâu, ba mẹ con tôi thường xuyên tắm cùng nhau mà. Con sẽ biết khi lớn lên cơ thể mình sẽ phát triển thế nào. Ông bà nói “nữ thập tam, nam thập lục”, bây giờ tuổi dậy thì còn tới sớm hơn, cứ trừ đi khoảng 3 tuổi là tạm vừa. Kinh nghiệm suốt mấy năm trực đường dây nóng ở một tờ báo tuổi teen cho tôi nghe nhiều chuyện động trời. Học sinh cuối cấp 2 hiện nay đã rất nhiều bạn yêu và quan hệ tình dục với nhau. Nhiều bạn lớp 7, 8, 9 hỏi về việc cho ra tinh trùng ngoài có an toàn không, rồi thuốc phá thai loại nào uống thế nào, mua ở đâu, có em lớp 8 còn đọc thông tin trong giấy siêu âm thai cho tôi nghe, nhờ tôi giải thích các thuật ngữ… Tất nhiên những việc này các em đều giấu kín ba mẹ. Ở nhà, hay ở trường, ba mẹ và thầy cô giáo chỉ nắm được những vỏ bọc tròn trịa ngoan hiền của các em, vì họ chỉ muốn tin vào những vỏ bọc ngoan hiền đó. Chỉ những người xa lạ và cởi mở như chúng tôi mới được nghe những chuyện rụng rời này.

Chuyện giáo dục giới tính của bà mẹ có hai cô con gái

Tắm cùng nhau để con sẽ biết khi lớn lên cơ thể mình sẽ phát triển thế nào. (Ảnh minh họa)

Hươu chạy lạc đường không thể chỉ trách nhà trường hay xã hội, mà gia đình phải chịu trách nhiệm chính. Đừng quá trông đợi vào nhà trường, vì chính các cô giáo còn ngại ngùng, ngượng ngập khi dạy tiết Giải phẫu học. Mình phải chọn cách nói thẳng thắn và đơn giản, phải để con hiểu rằng, với mẹ, con luôn được hồ hởi đặt mọi loại câu hỏi. Cứ hỏi, cửa sẽ mở!

Sau hôm đó, con tôi còn tiếp tục hỏi mẹ: “Mẹ đã hôn ai chưa?”, “Có chứ, mẹ hôn ba đó”. “Ngoài ba ra mẹ hôn ai nữa chưa?”, “Có, hồi xưa mẹ có yêu mấy người nữa, mẹ cũng hôn họ”. “Ối, hôn thì sao hả mẹ, có sợ lắm không?”, “Có, cũng hơi sợ, nhưng mà cũng rất thích, vì biết người đó đang yêu thương mình”. “Có em bé có đau không?”, “Không đau nhưng nuôi con thì vất vả lắm”. “Con không thích có con đâu mẹ”, “Mẹ thì khác, đẻ được con và em con mẹ mừng lắm. Nhưng việc đó tùy con”… Mẹ và con cứ thủ thỉ như thế. Con còn bé, chưa có nhiều kinh nghiệm cuộc sống, chính cách nhìn nhận vấn đề của cha mẹ sẽ từ từ làm con định giá được các giá trị, hiểu việc gì là lớn, việc gì là nhỏ, cái gì nên đặt ở đâu.

Dạy con về tình yêu và giới tính là biết sẽ phức tạp. Không phải như trong truyện cổ tích, không phải chỉ cần hôn một cái là con ếch là sẽ hóa thành chàng hoàng tử khôi ngô, giỏi giang và sống hạnh phúc bên nhau suốt cuộc đời. Có những cô gái phải hôn nhiều con ếch mới tìm ra được hoàng tử. Có những cô gái rõ ràng đã hôn hoàng tử, nhưng rồi một thời gian sau mới tá hỏa nhìn ra là ếch. Việc yêu rồi hôn, rồi thất tình, và hậu thất tình, tôi nghĩ là còn quan trọng hơn những kiến thức về giải phương trình bậc 2 bậc 3, với sin với cos…

Nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp, ngay và luôn, và mãi mãi, tới cuộc đời của con. Con hạnh phúc hay bất hạnh, đứng lên hay gục ngã? Tôi nghĩ thà là thi trượt môn toán, hay bị điểm kém môn văn, chắc là cũng không làm con đau khổ bằng yêu nhầm, cưới nhầm, hay không biết tự bảo vệ mình. Những điều này, ba mẹ phải tự tìm cách học, và tìm cách truyền đạt cho con, từ từ, từng bước một.

Chỉ với một nguyên tắc, cứ hỏi, cửa sẽ mở!

(Theo MASK Online)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN