Nhiều tín hiệu tích cực trong hệ thống đào tạo trường chuyên

Sau 4 năm triển khai thực hiện “Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020”, các cơ quan quản lý giáo dục từ Bộ GD-ĐT đến các địa phương, cơ sở đã có những hoạt động tích cực nhằm hoàn thiện hệ thống và nâng cao chất lượng giáo dục trong các THPT chuyên.

Không ít người đặt ra câu hỏi: Được ban hành từ tháng 6/2010, mục tiêu phát triển hệ thống trường chuyên trong Đề án có phù hợp với mục tiêu đổi mới giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 29-NQ/TW không?

Theo ông Vũ Đình Chuẩn – Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), mục tiêu trường chuyên nêu tại Đề án xác định “Xây dựng và phát triển các trường trung học phổ thông chuyên thành một hệ thống cơ sở giáo dục trung học có chất lượng giáo dục cao, đạt chuẩn quốc gia, có trang thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại đảm bảo thực hiện nhiệm vụ phát hiện những học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập để bồi dưỡng thành những người có lòng yêu đất nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc; có ý thức tự lực; có nền tảng kiến thức vững vàng; có phương pháp tự học, tự nghiên cứu và sáng tạo; có sức khỏe tốt để tạo nguồn tiếp tục đào tạo thành nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế. Các trường trung học phổ thông chuyên là hình mẫu của các trường trung học phổ thông về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và tổ chức các hoạt động giáo dục”.

Nhiều tín tiệu tích cực trong hệ thống đào tạo trường chuyên
Chất lượng của học sinh trường chuyên đã có những thay đổi tích cực theo hướng tiếp cận tiên tiến của thế giới.

Đối chiếu với mục tiêu giáo dục phổ thông nêu tại Nghị quyết số 29-NQ/TW là “Tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống văn hóa, lịch sử, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời”, có thể khẳng định rằng, mục tiêu phát triển trường chuyện theo Đề án hoàn toàn phù hợp.

Vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt đề án

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho hay, năm 2010, khi bắt tay vào thực hiện đề án, hệ thống trường chuyên còn hạn chế, bất cập như: Nhận thức về vai trò và mục tiêu phát triển trường chuyên chưa thống nhất. Một số địa phương do chưa hiểu đúng về mục tiêu của trường chuyên nên không chú trọng đến phát triển đội ngũ, đầu tư cơ sở vật chất và chưa quan tâm đến giáo dục toàn diện; Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới cả về số lượng và trình độ, thiếu các kỹ năng nghiên cứu phát triển chương trình và tài liệu; kỹ năng dạy học, nhất là dạy học thực hành, dạy học trải nghiệm thực tế còn hạn chế; Cơ chế quản lí chương trình giảng dạy, kế hoạch giáo dục chưa phù hợp, chưa tạo điều kiện phát huy tính chủ động và khả năng sáng tạo của người dạy và người học; phương pháp dạy học chưa phát huy tính tích cực, khả năng sáng tạo của học sinh; việc thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng hoạt động xã hội còn rất hạn chế; chất lượng học tập các môn ngoại ngữ, tin học nhiều trường chuyên chưa đạt yêu cầu; Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của hầu hết các trường chuyên chưa tương xứng với nhiệm vụ.

Đa số các trường có khuôn viên chật hẹp, không đủ phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn, thiếu những phương tiện dạy học hiện đại, thiếu sân chơi, bãi tập, nhà tập đa năng, ký túc xá cho học sinh; Cơ chế, chính sách đối với giáo viên, cán bộ quản lý và học sinh trường chuyên chưa đồng bộ.

Đến nay sau 4 năm thực hiện nhiều mục tiêu đã có kết quả rất khả quan. Cụ thể: Mạng lưới trường chuyên từng bước được hoàn thiện, quy mô trường lớp và học sinh được mở rộng. Đến nay, tất cả 63 tỉnh, thành phố và một số đại học, trường đại học đã có trường trung học phổ thông chuyên với 76 trường trung học phổ thông chuyên, các trường chuyên đã xây dựng đề án phát triển nhà trường và đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và từng đang từng bước triển khai thực hiện.

So với thời điểm năm 2009-2010 đã thành lập mới được 6 trường chuyên. Về quy mô số học sinh chuyên so với học sinh THPT đã đạt khoảng 2,1% đạt mức yêu cầu 2% của Đề án.

Năm học 2009 – 2010, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của hầu hết các trường chuyên chưa tương xứng với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Đa số các trường có khuôn viên chật hẹp, không đủ phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn, thiếu những phương tiện dạy học hiện đại, thiếu sân chơi, bãi tập, nhà tập đa năng, ký túc xá cho học sinh. Hầu hết các trường đều thiếu kinh phí để cải tạo, nâng cấp trường và trang bị thêm thiết bị dạy học hiện đại.

Đến năm học 2014 – 2015, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các trường chuyên được tăng cường. Hầu hết các trường chuyên trong toàn quốc đều có đề án phát triển nhà trường, được cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện; nhiều trường chuyên đã và đang được xây dựng mới hoặc nâng cấp cơ sở vật chất. Đến cuối năm học 2013 – 2014, cả nước có khoảng 60% số trường chuyên trong cả nước được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Các trường chuyên chưa đạt chuẩn chủ yếu là các trường chuyên mới thành lập hoặc trường chuyên trực thuộc các đại học, trường đại học, về cơ bản các trường này đã đảm bảo các tiêu chuẩn quy định, nhưng còn khó khăn về diện tích và mặt bằng xây dựng.

Thiết bị dạy học, tại các trường chuyên đã được ưu tiên mua sắm, bổ sung hàng năm, hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền internet của các trường chuyên đã được nâng cấp đảm bảo cho việc thực hành, thí nghiệm Vật lí, Hóa học, Sinh học và dạy học Ngoại ngữ.

Về tỉ lệ giáo viên, cán bộ quản lý có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ tăng nhanh, đáp ứng nhu cầu vừa tăng quy mô, vừa nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục trong các trường trung học phổ thông chuyên. Đến năm 2013, số cán bộ quản lý có trình độ tiến sĩ đạt 7,6%, trình độ thạc sĩ 55,8% (so với năm 2010 tăng thêm được 03 tiến sĩ, 32 thạc sĩ); số giáo viên dạy môn chuyên có trình độ tiến sĩ đạt 1,23%, trình độ thạc sĩ 43% (so với năm 2010 tăng được 8 tiến sĩ, 799 thạc sĩ) và hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ, sử dụng thông thạo tin học và thiết bị dạy học hiện đại; nhiều cán bộ quản lý, giáo viên sử dụng được ngoại ngữ trong giảng dạy, giao tiếp…

Thay đổi để gặt hái hàng loạt thành tích

Công tác tuyển sinh vào trường chuyên đã có đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng tuyển sinh, tuyển chọn đúng học sinh có đủ năng lực vào các lớp chuyên. Song song với việc tuyển sinh theo hướng dẫn đã tổ chức thí điểm đánh giá chỉ số thông minh IQ, chỉ số xúc cảm EQ, chỉ số vượt khó AQ cho học sinh dự tuyển sinh vào các trường chuyên Hạ Long, Quảng Ninh; trường chuyên Bắc Giang và trường chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương.

Trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, từ năm học 2011 – 2012, đã đưa việc thi các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết vào thi môn Ngoại ngữ; từ năm học 2012 – 2013 đã đưa nội dung thi thực hành, thí nghiệm vào thi các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học. Kết quả việc điều chỉnh nội dung, hình thức thi đã tác động tích cực đến việc đổi mới phương pháp dạy – học các môn Ngoại ngữ, Vật lí, Hóa học, Sinh học tại các trường chuyên hiện nay.

Đối với việc thi chọn và tập huấn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực, quốc tế cũng đã được đổi mới như: tổ chức thêm vòng thi tuyển chọn để có điều kiện tuyển chọn chính xác học sinh tham gia đội tuyển; tổ chức thi thực hành đối với các môn thực nghiệm Vật lí, Hóa học, Sinh học để tăng cường chất lượng tuyển chọn; tăng thời gian tập huấn đội tuyển quốc gia; giao việc chủ trì tập huấn đội tuyển cho các đơn vị có điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất và khả năng tập hợp đội ngũ chuyên gia tham gia tập huấn. Với những điều chỉnh này, thành tích của các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế có sự tiến bộ vượt bậc so với các năm trước, số lượng và chất lượng giải của các môn khoa học thực nghiệm được nâng lên rõ rệt.

Bên cạnh đó, việc đổi mới phương pháp dạy học được triển khai sâu, theo đặc thù của bộ môn đến từng giáo viên; chú trọng sử dụng các trang thiết bị, đồ dùng dạy học nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Giáo viên đã vận dụng hợp lý các phương pháp dạy học cho từng đối tượng học sinh; đã giúp học sinh phát triển phương pháp tự học, tự nghiên cứu, kỹ năng phân tích, tổng hợp, tư duy lô gíc, trình bày, diễn đạt ý tưởng khoa học.

Công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh đã được các trường chuyên vận dụng hiệu quả. Đề kiểm tra xây dựng theo ma trận đề, theo hướng đánh giá năng lực tư duy, khả năng sáng tạo của học sinh. Đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng hạn chế học thuộc lòng, chỉ ghi nhớ máy móc. Đổi mới cách ra đề theo hướng nêu vấn đề gợi mở, đòi hỏi hỏi học sinh vận dụng tổng hợp kiến thức, kĩ năng và biểu đạt chính kiến của bản thân…

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, các trường chuyên luôn đạt mức cao về chất lượng giáo dục. Xếp loại trung bình hàng năm học sinh chuyên có học lực khá, giỏi, khá chiếm 98,2%, hạnh kiểm tốt chiếm 95,6%; tỷ lệ trúng tuyển vào đại học nguyện vọng 1 trên 90%.

Trong các kì thi Olympic khu vực, quốc tế, đoàn học sinh Việt Nam với hầu hết là học sinh trường chuyên luôn là một trong những nước có kết quả xếp hạng cao. Tính từ năm 2010 đến năm 2014, thi Olympic quốc tế các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học đã giành được 22 huy chương Vàng, 43 huy chương Bạc, 45 huy chương Đồng. Thi Olympic Vật lí châu Á giành được 4 huy chương Vàng, 11 huy chương Bạc, 9 huy chương Đồng. Thi Olympic Tin học châu Á, năm 2013 mới đăng ký dự thi qua 2 năm dự thi đã giành 1 huy chương Vàng, 7 huy chương Bạc, 3 huy chương Đồng. Thành tích đạt được đã khẳng định chất lượng đào tạo mũi nhọn của trường chuyên và tạo uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế về đào tạo học sinh giỏi.

Trong cuộc thi Intel ISEF: Đoàn học sinh Việt Nam liên tiếp những năm gần đây đều có các dự án của học sinh trường chuyên đoạt giải Intel ISEF…

Nguồn Dân Trí

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN