Từ thành phố Huế đi gần 30 km về phía nam theo quốc lộ 1A, rồi theo con đường làng râm mát cây xanh dài 11 km, chúng tôi đến hồ Truồi (xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế).
Theo ông Nguyễn Khắc Mai (Tạp chí Sông Hương), “Truồi không phải từ Hán, trong từ vựng Việt nó không có ý nghĩa. Tôi đã dò tìm trong từ điển Chăm-Việt không thấy có từ tương tự, may quá trong tiếng của người Pa-cô, một cư dân thượng du vùng Huế, nay họ cư ngụ trên dãy Trường Sơn, họ có từ a-truôi, nghĩa là con gà. Tôi ngờ rằng dưới chân núi Bạch Mã hẳn có nhiều tiếng gà rừng, gà gô, gà lôi, trĩ… Rồi vùng đất ấy xưa đã có tên là làng Gà”. Hỏi một thổ địa xứ Huế, chúng tôi biết thêm một giả thiết từ dân gian, Truồi là do cách đọc chệch âm từ chữ Trụ Ổi. Đó là những cây ổi đã bị cưa thành trụ ở nhà ga xe lửa. Người Pháp gọi lơ lớ là ga Truồi.
Truồi nổi tiếng ở đất cố đô với những cái tên như núi Truồi, sông Truồi, làng Truồi, dâu Truồi và hồ Truồi. Hồ Truồi là công trình thủy lợi lớn nhất ở Thừa Thiên – Huế, được xây dựng vào năm 1996, có đập tràn cao 50 mét tạo nên dung tích lòng hồ đến 60 triệu mét khối nước, với diện tích khoảng 400 ha, tưới tiêu cho đồng ruộng các xã Lộc Hòa, Lộc Điền thuộc huyện Phú Lộc. Có bốn con suối đổ vào hồ Truồi, là suối Hợp Hai, Vũng Thông, Ông Viên và Ba Trại.
Bến đò ở gần chân đập tràn. Đò rời bến, mênh mang nước trong xanh và mát dịu, ập đầy trong mắt là núi non trùng điệp kéo dài từ dãy Bạch Mã, ôm trọn lòng hồ rộng lớn. Nhìn sang phía bên kia là Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã nổi tiếng.
Rời bến khoảng 30 phút, đã bắt đầu nghe tiếng suối chảy róc rách và những làn gió ùa tới, xua tan đi cái nóng hầm hập của Huế.
Đò dừng ở bãi đá bên dòng suối nhỏ. Có rất nhiều chỗ dừng chân như thế này bên những dòng suối đổ ra hồ Truồi. Đi bộ dọc theo các bãi đá có thể ngắm toàn bộ cảnh quan hai bên. Những mảng xanh mát mắt. Những thanh âm của rừng của suối vang quyện vào nhau như một bản hòa tấu lâu ngày ta chưa được nghe lại, gợi những miền nhớ quen thuộc và xao xuyến.
Chúng tôi chọn một vũng suối để tắm. Vũng được tạo thành bởi một con đập bằng đá ngăn dòng. Nước suối trong xanh và mát lạnh. Hòa mình vào dòng nước mát, nhắm mắt lại, lắng nghe tiếng vỗ của nước vào đá đều đặn, đều đặn, thấy cảm giác toàn thân như đang được nâng lên, dập dìu theo dòng nước, cuốn đi mọi mệt nhọc, bộn bề và toan tính.
Chuyến đi sẽ thú vị hơn nếu chuẩn bị trước một ít thức ăn để ở lại qua buổi trưa và tự mình bắt cá tại ngay con suối này. Ở đây, chủ yếu là loại cá xanh, cá đối. Cá tươi vừa bắt từ suối lên nướng ngay, lại thưởng thức giữa khung cảnh thiên nhiên hoang dã thì không nhà hàng nào sánh kịp…
Bạn có thể đặt một tour ngoạn cảnh hồ Truồi từ 8 giờ sáng cho đến 5 giờ chiều, với giá 600.000 đồng, gồm cả tiền đò và thù lao hướng dẫn viên. Mỗi chiếc đò tại đây thường chở từ 15-20 người, do những người dân địa phương cầm lái. Đôi khi những người lái đò nhận lời kiêm thêm việc của “hướng dẫn viên du lịch” cho khách.Từ hồ Truồi, bạn có thể tham quan một trong các điểm du lịch sinh thái Vũng Thùng, Ba Trại, Hợp Hai của Vườn quốc gia Bạch Mã. Với độ cao 1.450m so với mực nước biển, khu vực núi Bạch Mã có khí hậu trong lành, mát mẻ và được các chuyên gia nước ngoài đánh giá là một trong những vùng núi có khí hậu dễ chịu nhất ở Đông Dương. Vườn có tính đa dạng sinh học cao. Thực vật ở đây gồm 2147 loài, trong đó có một số loài hiếm và có giá trị như hoàng đàn giả, trầm hương. Động vật đã ghi nhận được 1.493 loài, đặc biệt có một số loài mới được phát hiện ở Việt Nam như sao la… |
Kim Hoàng (Phụ Nữ Ngày Nay)