Phụ nữ làm báo, tình yêu, đam mê và những mảng sáng tối của nghề

Những cô nàng đã chọn và ở lại với nghề báo, sau nhiều năm thăng trầm đã chia sẻ những câu chuyện vất vả và cả niềm hạnh phúc với nghề nghiệp rất đặc thù này nhân Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6.

BTV Hà Khánh Linh, Ban Thời sự Đài truyền hình Việt NamNăm nay, tôi kỷ niệm 10 năm làm truyền hình, cũng là 10 năm gắn bó với thời sự của VTV. Đó là tình yêu và như là duyên nợ vậy. Khi nhìn vào các phóng viên VTV hay của bất kỳ đài truyền hình nào, có vẻ chúng tôi hào nhoáng hơn phóng viên của các loại hình báo khác. Cái sự “oai” này là nhờ các thiết bị đi kèm. Ở cơ quan tôi, mọi người vẫn trêu nhau rằng: ô tô đi là để bảo vệ thiết bị, mình chỉ là người được đi ké thôi.

Nói vậy chứ về cơ bản, nghề báo là nghề vất vả. Bên cạnh những công việc chuẩn bị của người làm báo thông thường, truyền hình sẽ phải chuẩn bị thêm một khâu công việc nữa là lên hình, kể những câu chuyện bằng hình sao cho hình ảnh và âm thanh được gắn kết, khán giả hiểu câu chuyện của mình rõ nhất khi xem cả hình lẫn tiếng.

nghe-baoBiên tập viên truyền hình xinh đẹp Hà Khánh Linh đã có 10 năm gắn bó với nghề báo.

Với công việc dẫn chương trình, tuy chất liệu dẫn thường được các phóng viên khác mang về, nhưng những người ở nhà cũng phải chú ý khâu tổ chức, sắp xếp, móc nối thông tin cũng như chuẩn bị tinh thần, tâm thế tốt nhất để lên hình. Thông thường, để chuẩn bị cho 45′ lên hình, người dẫn sẽ chuẩn bị trong vòng 4 – 5 giờ; tuy nhiên, cũng luôn phải sẵn sàng trong cả những tình huống phải lên hình mà không có đủ 15′ chuẩn bị; rồi ngay cả khi bạn gặp chuyện gì đó bực tức, buồn phiền, nhưng khi lên hình, mọi thứ phải hoàn toàn biến mất.

Như tối qua chẳng hạn, tôi dẫn trong tình trạng sốt, chân tay đau nhừ, cảm giác như chân có thể đổ khuỵu xuống, nhưng vẫn phải cố. Có thể hôm qua, khán giả chỉ cảm thấy cô Linh hôm nay dẫn chán hơn mọi hôm, nhưng ít ai biết lông tay cô ấy đang dựng ngược hết cả lên vì rét hay cô ấy đang sốt đùng đùng.

Tôi làm việc ở ban Thời sự với đặc tính là 24/7, 100% các bản tin của thời sự đều là hàng ngày và trực tiếp, vì vậy công việc luôn diễn ra tuần tự, đều đặn, không thiếu một ngày nào, đồng nghĩa với việc anh chị em sẽ phải làm việc cả ngày nghỉ, ngày lễ Tết. Mọi người cũng quen với việc đó rồi và thấy cũng là việc đương nhiên. Nếu đến ban thời sự vào lúc 10 giờ tối, bạn vẫn thấy đông như ban ngày nên làm việc chẳng có tí buồn khổ, trái lại còn rất vui. Tuy nhiên, công việc cũng linh hoạt, khi bận, bạn có thể nhờ người này người kia giúp đỡ nếu có việc cần nghỉ.

nghe-bao (1)

Chị Khánh Linh và người phụ nữ nhanh nhất hành tinh chụp ảnh lưu niệm trong một hội nghị quốc tế về bình đẳng giới ở Thái Lan.

Chỉ có người thân của những người làm thời sự thì khổ thôi. Trước khi kết hôn, tôi đã có 5 năm liên tiếp dẫn chương trình Chào buổi sáng, thức khuya dậy sớm. Khi lập gia đình, tôi có những việc khác đỡ khuya sớm hơn, nhưng dù gì, Ban Thời sự vẫn có đủ những khắc nghiệt của nó. Mỗi lần có kỳ nghỉ gì đó, chồng tôi thường hỏi: “Mình đi đâu em nhỉ?” và câu trả lời của tôi luôn là: “Có được nghỉ đâu mà đi”. Mọi người sẽ phải chấp nhận những điều vô lý như vậy thành có lý.

Tôi đã là mẹ của hai đứa trẻ, chính vì vậy nếu muốn có thời gian bên con, mình sẽ phải cố gắng hơn, ví dụ đi làm về, thay vì việc nghỉ ngơi, tôi dành thời gian tắm cho con, nấu nướng cùng con và luôn luôn ngủ cùng con, không thiếu một buổi nào, trừ khi đi công tác xa. Cuối tuần, nếu phải đi làm một buổi, buổi còn lại sẽ dành hết cho con và thực hiện đúng mọi kế hoạch đề ra cùng con, để cho con thấy mẹ bận nhưng mẹ vẫn quan tâm đến con và con cũng thông cảm với công việc của mẹ hơn. Bé thứ hai của tôi còn nhỏ, nên ngoài việc chăm sóc bé, tôi vẫn tranh thủ hút sữa ở cơ quan, nhiều khi vừa hút vừa ngủ, cứ gật gà gật gù. Đi công tác, tôi vẫn hút sữa đều đặn ngày 2 – 3 lần/ngày, trữ đông và mang về cho con.

nghe-bao (2)Gia đình nhỏ của chị Khánh Linh.

Tôi yêu và gắn bó với công việc này. Khi nhìn thấy nhiều đồng nghiệp khác vẫn miệt mài cống hiến, họ cũng có gia đình như mình, vẫn làm việc tốt, đó chính là động lực khiến tôi làm việc mỗi ngày. Điều khiến tôi lo lắng nhất, đó là đến một ngày nào đó, tôi không còn đủ sức đáp ứng công việc này nữa, nếu điều đó xảy ra thật, tôi sẽ đi, còn bây giờ, tôi vẫn làm hết sức của mình đã!

Phóng viên Nguyễn Lê,  báo Nông thôn Ngày nay (mảng Dân tộc và Miền núi)

Mình học ở Sài Gòn, làm truyền thông một thời gian rồi chuyển sang làm báo. Khi về miền Bắc, mới đầu mình làm ở tờ Dân tộc và Phát triển, cơ quan ngôn luận của Uỷ ban Dân tộc, sau đó chuyển sang báo Nông thôn Ngày nay, tiếp tục làm ở mảng Dân tộc và Miền núi. Mình cũng có cơ hội để chuyển sang mảng, lĩnh vực khác nhưng mình yêu thích và gắn bó với mảng này cũng được 6 năm rồi, một phần là vì sở thích muốn được khám phá về mảnh đất, con người, văn hoá của những nơi khác nhau.

Lịch làm việc của mình khá “căng”, phải đi lại khá nhiều, trung bình mỗi tháng, mình mất khoảng 10 ngày “trên tầng cây số” tới các tỉnh miền núi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Thách thức ở mảng đề tài của mình cũng rất nhiều, vì đây là một mảng rộng, từ kinh tế, xã hội, văn hóa cho đến tất cả mọi thứ liên quan tới đồng bào dân tộc. Muốn phản ánh được hay phải sâu sát, hiểu rõ về phong tục tập quán của bà con cũng như phải liên tục nắm được các chương trình, chính sách. Đặc thù ở địa bàn miền núi cũng khác ở miền xuôi. Mình phải đến với bà con bằng sự chân tình, họ mới cởi mở với mình. Người dân tộc thiểu số ở bản, buôn thường có tâm lý ngại ngùng, kín đáo khi giao tiếp với người lạ, đặc biệt là phụ nữ, họ thường từ chối nói không biết và đẩy cho đàn ông trả lời. Nếu không hiểu được phong tục, tập quán của bà con, rất khó để thu thập được thông tin.

nghe-bao (3)Chị Nguyễn Lê “cày sâu cuốc bẫm” ở một mảng khó nhằn là dân tộc và miền núi.

Thêm nữa là điều kiện giao thông khó khăn, mất rất nhiều thời gian mới làm được một đề tài sâu, có khi phải ăn, ngủ nhờ nhà dân cả tuần liền để thu thập tư liệu. Hầu như ai làm báo ở mảng này cũng phải lái xe rất siêu và đi bộ rất giỏi vì phải tự mình đổ đèo, leo núi là chuyện thường.

Khó khăn nhiều nhưng cũng không ít điều thú vị. Phóng viên đi một mình, nhất là nữ giới gặp rất nhiều khó khăn. Có những hôm đổ đèo, ngã xe dọc đường, cũng bà con ra giúp mình một tay, đưa mình vào nhà chăm sóc, sửa sang xe cộ giùm. Rồi khi đi dọc đường chưa đến được trung tâm mà trời tối rồi, vào nhà dân vẫn được mọi người giúp đỡ rất nhiệt tình, cho ăn, cho ngủ nhờ. Từ cán bộ cho tới bà con ở miền núi, ai cũng có tấm lòng rộng mở, chân thành. Mỗi lần mình đi công tác vẫn giống như cảm giác được trở về nhà. Đến với vùng sâu vùng xa, mình cũng giúp họ kết nối với thế giới miền xuôi, đưa những vẻ đẹp, những phong tục, tập quán, phong cảnh ở nơi đó tới mọi người, đó cũng là một cảm giác rất thú vị.

SONY DSC
Vẫn độc thân, chị đi công tác triền miên và bị “nghiện” cảm giác khám phá những vùng đất mới.

Hiện tại, mình vẫn độc thân, hay như nhiều người bảo là “ế” (cười). Nhiều khi mải mê công việc nên không có thời gian để chăm sóc, gặp gỡ người mình yêu thương. Nếu gặp được người thông cảm thì đỡ, nhưng người không thông cảm sẽ rất khó. Ai mà chịu được cô vợ đi công tác suốt cả tháng trời thì đúng là có sức chịu đựng ghê gớm (cười). Ngược lại, vì chưa có gia đình nên mình cũng ham việc, dồn nhiều thời gian cho công việc nên cũng lỡ dở nhiều thứ. Biết đâu, có chồng con vào rồi mình cũng tính đường bỏ nghề thiệt, vất vả quá mà!

Nói vậy chứ khi đã gắn bó với một công việc quá lâu, tự khắc mình sẽ yêu quý nó,  cho dù nó có khó khăn vất vả tới đâu. Nếu có cơ hội chọn lại, mình vẫn sẽ làm báo thôi. Ngày xưa cũng phải rất quyết tâm mới theo đuổi được nghề báo nên không dễ gì từ bỏ được! Tháng nào mà chưa công tác ở đâu, cũng cảm thấy bồn chồn, nói vui là nhớ núi, nhớ người. Thế là lại phải xách ba lô lên đường. Bởi lẽ ở đó còn có những người cần đến mình, những người chào đón mình. Nhiều khi, làm báo chỉ cần thế là đủ!

BTV Nguyễn Thị Hà (Hà Ngọc Nga), báo điện tử Trí Thức Trẻ

Nhà mình, cả hai vợ chồng đều làm báo. Hai đứa mình yêu nhau từ hồi học đại học, khi đó, cả hai đều lựa chọn nghề báo, nên biết rằng sau này nếu lấy nhau thì sẽ là một lợi thế, sẽ hiểu nhau hơn, thông cảm cho nhau hơn, chứ đặc thù như nghề báo mà đối phương không hiểu thì cũng sẽ căng thẳng lắm!

Chồng mình, anh Công Nguyên, đang làm ở Ban Nội chính báo Thanh Niên, còn mình, hồi đó làm ở Tuổi Trẻ. Có giai đoạn cực kỳ căng thẳng, nhất là lúc chập tối. Thường thì, với những gia đình khác, đó là giờ vui vẻ, quây quần bên nhau, thì hai vợ chồng mình lại là lúc tin bài đổ dồn về nhiều nhất. Con khóc, vợ thì xử lí bài, chồng thì bị sếp giục nộp bài vở, cơm chưa có mà ăn, thế là cáu nhau. Đó là lúc chồng mình bàn với mình, một đứa nghỉ đi làm việc khác.

nghe-bao (5)Sau 5 năm “bám sát” mảng phóng sự xã hội và y tế, chị Hà đã từng dừng việc theo đuổi nghề báo trong 1 tháng.

Mình cũng thấy vậy, nên đã chuyển sang làm bộ phận PR, quảng cáo; nhưng được một tháng, hai vợ chồng ngồi với nhau, chồng lại bảo: “Em quay lại nghề báo đi em”. Bản thân mình cũng thấy mình không thể không làm báo, vì nó là thứ phù hợp nhất với mình, thế là quay lại, hai vợ chồng lại tất bật nhưng vui vẻ hơn, tối nào cũng nói chuyện về thời sự, về chuyện nghề. Mình hiểu, đó là một phần kết nối hai đứa, và nghề báo cũng đem đến cho mình nhiều thứ thú vị. Mình cũng nhận ra rằng, điều quan trọng nhất là người ta còn cảm hứng với công việc thì dù vất vả, ta vẫn vượt qua được hết.

nghe-bao (6)Hiện tại, cả chị và chồng vẫn đang công tác trong lĩnh vực khắc nghiệt nhưng cũng đầy thú vị này.

Một bước ngoặt khác của mình là khi trở lại đi làm sau khi sinh con, mình đã từng phân vân, liệu mình có nên làm báo nữa hay không, vì một câu hỏi cứ trở đi trở lại: “Làm báo thì thời gian đâu dành cho con?”. Mình đã nghĩ rất nhiều và cuối cùng quyết định nghỉ việc ở Tuổi Trẻ để đầu quân làm quản lý một bộ phận tại Trí Thức Trẻ, vẫn áp lực nhưng cũng giải quyết được phần nào, vì thời gian linh hoạt hơn.

Mình biết, nhiều phụ nữ đã bỏ nghề báo sau nhiều năm gắn bó, chuyện đó cũng không khó hiểu ở một nghề nhạy cảm và đầy áp lực như làm báo. Nhưng mình cho rằng, không có công việc nào tốt nhất, chỉ có công việc phù hợp nhất với bản thân người đó ở từng thời điểm mà thôi. Khi ai đó bỏ nghề, không hẳn là vì nó khó, nó khổ mà là do nhiệt huyết cảm hứng với nó còn nữa hay không. Nếu còn nhiệt huyết với nghề, thì khó khăn đến đâu cũng ở lại với nó, còn khi đã hết lửa, công việc suôn sẻ, đãi ngộ tốt đến đâu thì người ta cũng chán mà bỏ. Phụ nữ chẳng cần hy sinh đam mê vẫn giữ được hạnh phúc gia đình, bởi vì, khi mình sống với đam mê con người mình vui vẻ, tràn đầy năng lượng thì gia đình mình cũng vui vẻ lây.

Theo Trí Thức Trẻ

 

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN