Phụ Nữ và Cuộc Sống – Tìm kiếm rau khúc ở xã Dương Quang huyện Gia Lâm

Bài dự thi cuộc thi ảnh ” Phụ nữ và Cuộc sống” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.

Tác giả: Trương Thị Kim Dung
Địa chỉ: Ba Đình, Hà Nội

Từ tháng 2 đến tháng 3 Âm lịch, sương xuống nhiều nhưng cũng bắt đầu của những trận mưa xuân. Đó cũng là mùa rau khúc sinh sôi. Vào thời điểm này, những người bà người mẹ ở xã Dương Quang huyện Gia Lâm (Hà Nội) ra đồng tìm hái rau khúc về làm bánh khúc cho con cháu thưởng thức món ăn truyền thống của quê nhà.

Lá khúc nhỏ, hơi dài có màu xanh ánh bạc rất đặc trưng, mang mùi thơm ngai ngái gần giống ngải cứu nhưng dịu hơn. Có hai loại: khúc nếp và khúc tẻ. Khúc nếp lá nhỏ, mau đốt, mau cành. Khúc nếp có độ dẻo dính, đưa lên miệng nhai chẳng khác gì kẹo cao su. Còn lá khúc tẻ thì to bằng đầu ngón tay, lá xanh và ít lông hơn, nhưng  không thơm bằng khúc nếp nên khi làm bánh, người ta thường tìm chọn lá khúc nếp. Rau khúc hái từ ruộng về phải chế biến ngay, kẻo để lâu rau bị “ôi” làm bánh sẽ không được như ý.

Nguyên liệu làm bánh khúc gồm: Rau khúc giã nhuyễn, bỏ xơ, trộn với bột gạo nếp pha bột gạo tẻ (theo một tỉ lệ thế nào là thuộc về bí quyết từng người làm). Nhân bánh gồm:  đỗ xanh, thịt lợn cộng với gia vị.

Mỗi chiếc bánh được hấp đồ với xôi nếp thơm phưng phức. Những hạt xôi nếp căng mọng dính vào bánh khúc trông như những hạt ngọc. Bánh khúc phải ăn nóng, vừa ăn vừa thổi thổi mới tận hưởng hết hương vị thơm ngon lạ lùng dân dã  từ cây rau khúc.

Phụ Nữ và Cuộc Sống – Tìm kiếm rau khúc ở xã Dương Quang huyện Gia Lâm

MS: 1308

Cuộc thi ảnh với chủ đề “PHỤ NỮ VÀ CUỘC SỐNG” do ấn phẩm Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức với mong muốn tạo sân chơi cho những ai yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh, đồng thời phát hiện tôn vinh các tác phẩm xuất sắc, khai thác, lột tả nhiều khía cạnh của đề tài này.

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN