Có thể nói chưa bao giờ như bây giờ, vấn đề thực phẩm sạch lại “nóng sốt” trên từng mặt báo và trở thành nỗi “quan ngại” lớn lao của 90 triệu dân đất Việt.
Trước sự an toàn một cách mơ hồ về thực phẩm hiện nay, nhiều người thành thị đã trồng rau tự cung tự cấp để cứu mình. Giải pháp này tuy đã xuất hiện từ nhiều năm trước nhưng đến nay, nó mới thật sự trở thành trào lưu.
1. Khoảnh sân khô cằn 80 mét vuông ở Kiên Giang của chị Hạnh (Quận 8, TP HCM) giờ đã thành một vườn rau xanh muốt với đủ loại: rau muống, mồng tơi, chùm ngây, hẹ, hành, rau dền, khoai môn, khoai mì, lá sương sâm, rau càng cua và rau thơm…v.v. Ngày trước, chị Hạnh thường mua rau ngoài chợ hoặc siêu thị nhưng từ khi nghe Chi cục BVTV TP.HCM phạt ba chủ vựa rau vì kinh doanh cần tây, cần tàu và bông cải trắng chứa tồn dư hoạt chất Chlorpyrifos vượt mức cho phép, có khả năng tổn hại hệ thống thần kinh trung ương, chị Hạnh không dám ăn nữa.
Chị chia sẻ: “Giờ ăn gì, mua ở đâu cũng lo sợ nhiễm hóa chất gây ung thư. Vừa nghe tin trên thị trường có chất gì đó giúp trái cây một tháng…vẫn tươi, mình chưa hết bàng hoàng thì lại đón nhận tiếp cái vụ rau sống chứa hoạt chất hóa học vượt mức cho phép. Hồi trước mình chỉ ngại thực phẩm Trung Quốc còn giờ đây, mình ngại luôn thực phẩm Việt. Chợt nhớ ở quê còn một mảnh đất trống chưa làm gì, mình bảo người chị trồng rau và cứ nửa tháng đóng thùng gửi lên Sài Gòn một lần. Tuy hơi cực nhưng ăn thấy an tâm và cũng ngon hơn.”
2. Giờ đây, mỗi lần tan ca về, chị Loan (Quận Tân Bình, TP HCM) không còn tạt qua khu chợ gần nhà để “trả giá” vài đồng bạc cho một bó rau muống hay một mớ mồng tơi nữa. Cơn sốt rau bẩn lan truyền dày đặc trên truyền hình đến mặt báo đã ám ảnh chị. Được một người bạn mách kế, chị quyết định mua hạt giống về gieo trồng trong các chậu, các thùng trên ban công nhà. Lúc đầu, do phần đi làm khá bận rộn, chị chỉ trồng một ít để ăn cho “đỡ thèm”. Nhưng từ từ, nhận thấy những luống rau sạch do chính tay mình trồng là tác nhân chính làm bữa cơm ngon hơn, chị đã mua thêm nhiều thùng chậu về, gieo hạt và kiên nhẫn chăm sóc. Để rồi, cái ban công ngày nào với hai ba thùng chậu lắt nhắt ấy giờ đã được phủ xanh bởi nhiều loại rau tươi.
Chị Loan hớn hở “khoe” khu vườn rau sạch của mình mỗi khi có ai tới chơi và không kiềm được cảm xúc: “Thú thật lúc đầu trồng rau vì muốn bảo vệ sức khỏe cho mình và gia đình. Nhưng ai mà ngờ, mỗi khi ra tưới nước và chăm sóc, mình cảm thấy thư giãn hơn rất nhiều. Với lại không khí thành phố ngột ngạt đầy khói bụi nên đây là một nhỏ rất riêng tư để có thể được hít thở không khí trong lành, tươi mát. Giờ đây, chiều nào đi làm về mình cũng ra đây để tưới nước và tận hưởng sự trong lành”
3. Cứ khoảng tầm 6 giờ chiều là căn nhà trọ tại đường Nguyễn Tri Phương, Quận 5 lại lúc nhúc tiếng cười đùa của mấy em sinh viên Đại Học Sài Gòn. Công việc luôn được phân chia rõ ràng: một đứa nấu nước sôi, một đứa để mì ra từng cái tô, một đứa chạy lên sân thượng, hồi lâu thấy bưng xuống một rổ rau to đùng đủ 3 người ăn.
Có lần tôi đến chơi, thấy ba em đang sột soạt húp tô mì nóng hổi cùng những lá cải non mơn mởn, chợt hỏi: “Sao tụi em không ra siêu thị mua rau về ăn, trồng chi cho cực?”
Một đứa dừng đũa, trả lời tôi: “Rau bây giờ toàn thuốc trừ sâu, với lại thiệt tình là mua ở siêu thị đắt quá, giá gấp 3 lần ngoài chợ. Tụi em sinh viên mà, mua một lần thì không kể, chứ mua thường xuyên thì…chịu sao nổi. Với lại sân thượng để trống đâu làm gì, em xin ông chủ để tụi em trồng rau, lâu lâu ông chủ cũng lên hái ăn đó chị. Trồng vậy vừa vui, vừa tiết kiệm mà vừa an toàn.”
Khi các em còn đang huyên thuyên về “thành quả” trồng trọt của mình, trong đầu tôi cứ lởn vởn câu hỏi: “Rồi đến khi nào, việc bỏ 5000 đồng để mua một bó rau muống ngoài chợ sẽ không còn khiến người ta dè dặt và trăn trở nữa?”
Khi nhiều người vẫn đang thỏa thích với khu vườn rau sạch các kiểu của mình thì cũng là lúc, các chủ buôn rau sỉ và lẻ ủ rũ than trời, mong đến một ngày “qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai”.
Trương Quyên (Phụ Nữ Ngày Nay)