Chưa đầy 90 phút diễn ra với sự có mặt của hàng trăm khán giả tại khán phòng Nhà hát Bến Thành vào đêm 23-4, có những khoảnh khắc như lặng người, lại có lúc những tràng pháo tay không ngớt. Đó là những cung bậc cảm xúc khác nhau chương trình hòa nhạc – múa nghệ thuật mang tên Tổ quốc mang đến cho khán giả.
Lời chào thiêng liêng
Tổ quốc – hai tiếng gọi thiêng liêng, là niềm tự hào về quá khứ hào hùng của dân tộc trải suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm chống giặc ngoại xâm, là niềm tự hào của đất nước giàu đẹp hôm nay như nhắc nhớ cho các thế hệ về một thời oanh liệt đã qua, tiếp tục phấn đấu vì Tổ quốc thân yêu và không ngừng nuôi dưỡng tình yêu bất diệt đó.
Những lý tưởng ấy đã được gói gọn một cách trọn vẹn trong không gian nghệ thuật vừa đậm chất hàn lâm nhưng cũng thật sự gần gũi. Mà quả thực, không gần gũi sao được vì mạch ngầm Tổ quốc luôn chảy trong huyết quản của mỗi người con đất Việt.
Chương trình hòa nhạc – múa nghệ thuật Tổ quốc mở màn bằng một lời chào: Chào Việt Nam (Marc Lavoine – lời Việt: Vũ Phúc Ân). Lời chào ấy nhẹ nhàng, bình dị nhưng đầy lôi cuốn đưa bạn bè khắp năm châu đến với một Việt Nam giàu lòng hiếu khách, một Việt Nam tươi đẹp.
Lời chào ấy cũng là phần gợi mở đưa khán giả vào một không gian âm nhạc, nơi những khúc tráng ca vốn đã quá quen thuộc nhưng mỗi lần vang lên vẫn đầy hào hùng. Đó là những: Tình ca (Hoàng Việt), Giai điệu Tổ quốc (Trần Tiến), Lá đỏ (Hoàng Hiệp), Bác đang cùng chúng cháu hành quân (Huy Thục), Đất nước tình yêu (Lệ Giang), Cuộc đời vẫn đẹp sao (Phan Huỳnh Điểu) nhưng được các nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, Vũ Phúc Ân, Đăng Tiến Đạt hòa âm, phối khí mang đến làn gió mới.
Các ca sĩ: Đào Mác, Phạm Khánh Ngọc, Nhóm Tuxedo cùng góp giọng để tạo nên những phần trình diễn tuyệt vời vừa hào sảng, trang nghiêm, đầy sâu lắng và rất đỗi thân thương. Trong khi đó, góp phần không nhỏ cho thành công của hòa nhạc này không thể không nhắc đến nhạc trưởng Vũ Phúc Ân cùng dàn nhạc giao hưởng 99%, với các nhạc công chuyên nghiệp là giảng viên, sinh viên đến từ Nhạc viện TPHCM.
Thăng hoa cùng Tổ quốc
Những cung bậc cảm xúc ấy dường như càng được thăng hoa và tiếp lửa hơn trong phần 2 của chương trình với tổ khúc múa Tổ quốc, gồm 4 chương: Khoảnh khắc, Rào cản, Cuộc chiến nội đô, Khúc khải hoàn.
Khán giả dường như nín thở, lặng người đi, lúc lại vỡ òa cảm xúc hân hoan khi cùng trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau nơi câu chuyện lịch sử dân tộc được thể hiện qua từng động tác múa nhuần nhuyễn.
Đó là những khoảnh khắc đau thương khi đất nước chìm trong lửa đạn chiến tranh, nơi mỗi người dân chịu gông cùm xiềng xích. Bối cảnh năm 1954 được tái hiện trên sân khấu khi đất nước chia cắt hai miền, nơi nhà tù, trại tập trung, những bắt bớ, giam cầm, tra tấn… xảy ra khắp nơi. Không lặng người sao được, trước một câu chuyện mà ký ức tưởng chừng như chỉ của ngày hôm qua, nay được tái hiện quá chân thật.
Khúc tráng ca ấy lại được tiếp nối trong chương Rào cản, khi bao thế hệ thanh niên miền Bắc lần lượt lên đường vào chiến trường miền Nam, dẫu lắm hy sinh gian khổ nhưng chưa một lần chùn bước. Cuộc chiến nội đô càng khốc liệt hơn bắt đầu từ làn sóng biểu tình, những trận chống càn, phản chiến quyết liệt diễn ra khắp mọi nơi. Cuộc chiến thầm lặng, cuộc chiến không cân sức tưởng chừng bị đè bẹp ấy cứ như ngọn lửa âm ỉ và chỉ chờ thời cơ để thực sự bùng cháy.
Và trong Khúc khải hoàn là niềm vui sum họp, niềm vui đoàn tụ, non sông nối liền một dải, để đất nước vươn mình ra biển lớn. Hình ảnh tư liệu chiếc xe tăng tiến vào Dinh độc lập, lá cờ đỏ thắm sao vàng phấp phới bay càng nhân lên niềm tự hào Tổ quốc.
Cái tôi, cái chúng ta hòa làm một
Điều thú vị ở chỗ, toàn bộ các tiết mục trong chương trình hòa nhạc – múa nghệ thuật Tổ quốc đều đặt cái chung, cái chúng ta là trung tâm, nhưng trải suốt chiều dài lịch sử của dân tộc còn những câu chuyện rất riêng.
Đó là hình ảnh người mẹ mòn mỏi cầm cây đèn trước giông bão, lửa đạn chiến tranh mong ngóng con trở về, ngay cả khi đất nước đã bình yên. Người mẹ ấy đã đau cùng nỗi đau của dân tộc, đã sống trọn một kiếp đợi chờ và đã hiến dâng tất cả. Người mẹ ấy của riêng mỗi chúng ta, nhưng, đó cũng là người mẹ Tổ quốc. Câu chuyện của mẹ là câu chuyện điển hình thấm đượm linh hồn Tổ quốc.
Một điều rất đáng ngợi khen, đó là sự góp mặt của những người trẻ gồm hơn 40 diễn viên múa đến từ HBSO (Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TPHCM), học sinh – sinh viên Trường Múa TPHCM. Với sự dẫn dắt của NSND Hà Thế Dũng, NSƯT Thùy Chi, nghệ sĩ Lương Xuân Thành, đã thực sự truyền lửa tình yêu, lòng tự hào Tổ quốc đến cho khán giả.
Xét trên phạm vi tổng thể, chưa thể nói chương trình Tổ quốc đã hoàn hảo một cách tuyệt đối nhưng thành công lớn nhất của chương trình, như mục tiêu ban đầu đề ra, là đưa nghệ thuật hàn lâm (giao hưởng thính phòng, múa) đến gần hơn với đông đảo tầng lớp nhân dân yêu nghệ thuật.
Khán phòng Nhà hát Bến Thành không chật kín khán giả nhưng tất cả đã cùng ngồi lại đến phút chót, đã nối dài những tràng pháo tay không ngớt. Trong số hàng trăm khán giả đến với đêm nghệ thuật Tổ quốc, ngoài những người tóc đã hai màu còn có rất đông khán giả trẻ. Tín hiệu vui đó khiến êkíp thực hiện mong sẽ một cuộc hạnh ngộ trong thời gian sớm nhất.
Theo sggp.org.vn