Tết là… hết chịu nổi!

Mới bước vào tuổi 22, vừa ra trường và đi làm ở một cơ quan báo chí được hai tháng, tôi đã vội vã lấy chồng. Phải, bây giờ thì tôi có thể dùng từ “vội vã” cho một trong những việc quan trọng bậc nhất đời mình này. Nhưng hồi đó, tôi không nghĩ mình vội vã, tôi và người đầu tiên tôi cưới làm chồng, đã yêu nhau hơn bốn năm ròng, đã trải qua những khúc thăng trầm tình cảm để rồi vẫn quyết định kết hôn.

Tôi vô cùng nhớ cái Tết đầu tiên ở nhà chồng. Bỡ ngỡ, e sợ, và mang một gánh nặng tinh thần dường như hơi quá sức. Tôi không phải là một phụ nữ hoàn hảo, mặc dù tôi luôn luôn cố gắng. Tôi, một cô con dâu trưởng trong dòng họ, gày yếu, nước da mai mái và tự thấy mình chẳng có gì xinh đẹp, dáng mỏng manh, lại chậm mồm chậm miệng, luôn ngại ngùng trước mỗi người trong gia đình chồng. Trong gia đình phần nhiều đàn ông, chỉ có mẹ chồng và tôi là đàn bà, thì tôi bỗng bị đẩy vào thế yếu. Mặc dù chẳng ai làm gì tôi, nhưng tôi luôn lo sợ sẽ không làm vừa lòng những người nhà chồng, mà tôi chưa thể có ngay mối tình thân được trong cái Tết đầu tiên ấy. Chỉ có chồng là thân thuộc giữa gia đình lạ lẫm với tôi, nhưng anh  không phải lúc nào cũng kè kè bên tôi mà “chống lưng” cho tôi được. Thực sự tôi cảm thấy lạc lõng, cô đơn và nhớ nhà tôi kinh khủng. Tôi thèm về nhà mình, ăn tết ở nhà mình. Nhưng lệ ở Việt Nam, là cứ Tết đến phải ở nhà bên chồng, tôi chẳng thể khác được.

Tết là… hết chịu nổi!
Phong tục đón Tết khác nhau là áp lực với các cô dâu trẻ khi về nhà chồng (Ảnh minh họa)

Quê chồng tôi ở vùng ven thị xã Hưng Yên, một vùng quê rặt với nhiều tập tục đã ăn đời ở kiếp cùng con người, ràng rịt con người. Tôi là dâu mới, khi về nhà chồng cũng cần tuân thủ mọi thứ. Tôi cũng là người Hưng Yên, nhưng ở cách xa quê chồng dăm chục cây số, vậy mà tập tục cũng đã khác nhau. Ở vùng quê tôi (Văn Lâm, Hưng Yên), thì trong ba ngày Tết, chỉ cần cúng cả mâm cỗ đêm Ba mươi, còn những ngày Tết khác, chỉ cúng bánh chưng và khoanh giò, con gà, đĩa xôi, là đủ. Nhưng ở quê chồng tôi (Tiên Lữ, Hưng Yên), thì ngày phải cúng đủ ba mâm cỗ nóng. Thế là tôi và mẹ chồng, em chồng luôn tất bật ngày lo đủ ba mâm cỗ nóng đặt lên bàn thờ tổ tiên. Mâm cỗ phải đủ nem, giò nạc, chả, giò thủ, gà luộc, món xào, miến hoặc mỳ nấu, măng, lòng lợn, dưa góp hoặc hành muối, rau thơm… Bấy nhiêu món lặp đi lặp lại, khiến tôi muốn oải. Mà thường là gia đình chồng cúng cả mâm cỗ nóng, đợi tàn tuần hương thì hạ mâm xuống và cả nhà mới được ngồi vào bàn ăn. Lúc đó món nào cũng nguội tiệt cả. Thú thật là tôi ăn chẳng món nào thấy ngon, do thức ăn bị nguội, do tôi căng thẳng quá, hay do hương hồn các cụ đã về ăn hương ăn hoa mà làm nhạt cỗ đi, hay do tất cả?

Ngày mùng Một Tết, trời rét căm căm, tôi theo chồng và mẹ chồng từ làng Vương băng qua một cánh đồng rộng, có đoạn đường đứt, phải lội qua bùn thật thảm hại cho tôi và đôi giày da mới sắm diện Tết, để đến làng bên cạnh chúc tết họ hàng nhà chồng. Toàn những người tôi chưa bao giờ gặp, và vĩnh viễn tôi chẳng thể nhớ tên, bởi tôi luôn căng thẳng với ý nghĩ họ đang soi thật kỹ cô dâu mới, và sau khi tôi rời đi thể nào họ cũng bình phẩm vài câu. Chúng tôi đã đi rất nhiều nhà để thăm, và một nỗi khổ của đứa dâu mới chậm mồm chậm miệng là tôi không thể nào cất lên câu nói dường như vô cùng dễ dàng, có thể thuộc làu làu ngay lập tức “Năm mới, chúng cháu đến chúc ông bà, gia đình an khang, thịnh vượng, làm ăn phát đạt bằng năm bằng mười năm trước”. Hoặc “Năm mới, em chúc anh chị năm nay có thằng cu!”. Đó là hai câu chúc quen thuộc nhất, tới nhà nào cũng chúc tụng câu như thế ở quê chồng, mà tôi không mở miệng ra nói trơn tru được. Tôi cứ cả nghĩ, thấy câu chúc này nó hám lợi, nó bất bình đẳng thế nào ấy. Tại sao lại phải hối thúc nhau kiếm tiền nhanh như thế, tại sao lại phải hối thúc nhau đẻ con trai? Những điều đó, có thể là tập tục, là thói quen ở đây, nhưng thật xa lạ với tôi.

Tết là… hết chịu nổi!
Đó là cái Tết đầu tiên làm dâu (Ảnh minh họa)

Đó là cái Tết đầu tiên làm dâu, và cái Tết đầu tiên tôi phải chịu đựng Tết. Tôi chỉ mong sao cho Tết chóng hết để tôi được trở về Hà Nội làm việc, về nhịp sống bình thường. Đó là cái Tết đầu tiên mà tôi mất đi cảm giác tận hưởng Tết sung sướng của suốt những năm tháng chưa chồng. Trong những ngày Tết đầu tiên ở nhà chồng, có những giây phút tôi được giải thoát, ấy là khi cuối ngày, tôi được gọi điện thoại về nhà mẹ đẻ tôi để nói chuyện hỏi thăm mọi người. Tôi ước gì mình được trở lại nhà mình. Dở hơi làm sao. Chính tôi là người quyết định lấy chồng cơ mà! Để rồi sau những lần gọi điện thoại về nhà hỏi thăm bố mẹ và các em, tôi phải đi ra một góc sân, đứng một mình, lặng lẽ rơi nước mắt. Tôi tự mâu thuẫn với chính mình.

Tết đầu tiên về nhà chồng, một cái Tết đầy áp lực đối với tôi. Tôi đã thất bại không thể tìm thấy niềm vui trong cái Tết ấy. Có thể đó là điềm báo cho cuộc sống hôn nhân không suôn sẻ của tôi sau này chăng. Hoặc, phụ nữ khi đã làm dâu, thì Tết trở thành trách nhiệm, thành gánh nặng, Tết không còn là niềm vui nữa?

Kiều Bích Hậu (Phụ Nữ Ngày Nay)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN