Mấy năm qua, Manzi art space – café – bar (14 Phan Huy Ích, Hà Nội) đã là một không gian nghệ thuật thú vị và thực dụng, không phải bởi sự lộng lẫy, lạ mắt, mà bởi những hoạt động nghệ thuật – văn hóa, tri thức… rất thiết thực của nó. Khoảng một năm gần đây, cùng với chương trình Art for you, Manzi đã thực hiện việc bắc nhịp cầu nghệ thuật giá hợp lý (giá rẻ) đến với nhiều người, và nhiều nơi.
Ban đầu, Manzi do Vũ Ngọc Trâm và Đặng Hoàng Giang (Giang Đặng) thành lập, hiện nay do Vũ Ngọc Trâm và Nguyễn Hoàng Long điều hành. Mục đích của Manzi: 1) Tìm kiếm, phát triển lượng khán giả/người tiêu dùng cho nghệ thuật đương đại; 2) Hỗ trợ các nghệ sĩ trẻ Việt Nam; 3) Tạo thêm không gian công cộng cho khán giả/người tiêu dùng nghệ thuật, văn hóa, tri thức… tại Việt Nam. “Bà bầu Manzi” Vũ Ngọc Trâm có cuộc trò chuyện với PNNN.
Thưa chị, nghe cái tên Manzi, hẳn nhiều người sẽ tò mò hoặc cảm thấy ngồ ngộ. Vậy tại sao là Manzi?
Cuối năm 2012, khi có được không gian và chuẩn bị khai trương, chúng tôi đã suy nghĩ, tranh luận rất nhiều về cái tên, có nhiều ý tưởng được đưa ra nhưng khó có chung cuộc. Ban đầu định lấy tên tác phẩm Jờ Joạcx của Trần Dần để đặt, nhưng nhà thơ Dương Tường nói rằng việc đọc đúng âm của hai chữ này không hề dễ. Ngay lúc đó, vấn đề của học giả Nguyễn Văn Vĩnh lại được phục hồi mạnh mẽ, tôi lại nhớ về tên cuốn sách của ông mà bố tôi hay nhắc – cuốn Lời người man di hiện đại – rồi đưa ra bàn, mọi người đồng ý.
Lý lẽ của chúng tôi như sau: Ngày xưa Trung Quốc gọi các nước xung quanh là man, là di, cách gọi này đương nhiên không đúng, vì có ý kinh khi, miệt thị. Thế nhưng đến học giả Nguyễn Văn Vĩnh, ông đã “tương kế” khi tự gọi bản thân (và thời của) mình là “man di hiện đại”, với ý thức rằng chúng tôi khác biệt với các dân tộc khác, vì vậy chúng tôi độc lập, riêng rẽ, không thể đồng hóa.
Khi làm Manzi art space – café – bar, chúng tôi không hề có ý so sánh mình với Nguyễn Văn Vĩnh hay bất kì ai, mà chỉ mong ước rằng chúng tôi cũng tạo được một không gian độc lập để đồng hành, để “chơi” cùng nghệ thuật đương đại Việt Nam.
Ngay từ đầu Manzi đã xác định việc bắc nhịp cầu “nghệ thuật giá hợp lý”, hay sau này mới điều chỉnh?
Phải tìm mọi cách mang nghệ thuật đến với mọi người, chứ không thể mong chờ điều ngược lại, đó là tiêu chí ngay từ đầu của chúng tôi. Chính vì vậy, những hoạt động như Art for you (Nghệ thuật giá hợp lý) là việc “tự nhiên” đến trong quá trình tìm kiếm các phương thức tồn tại.
Hơn nữa, không gian của chúng tôi thuộc mô hình độc lập, mới nghe nhiều người nghĩ “độc lập thật là ngầu”, nhưng thực tế độc lập cũng đồng nghĩa với việc tự chu toàn mọi thứ. Chi phí của Manzi hiện nay vào khoảng 100 triệu đồng/tháng, tất cả đều đến từ túi của Manzi, nên Art for you phải gánh một phần trong đó. Chúng tôi hạn chế tối đa việc xin tài trợ cho không gian Manzi chỉ với mong muốn nó được độc lập, càng tối đa càng tốt.
Những nghệ sĩ như Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Quang Huy, Lê Quý Tông, Doãn Hoàng Lâm, Hà Mạnh Thắng, Ngô Văn Sắc… có giá bán tác phẩm không hề rẻ. Làm thế nào để Manzi có được tác phẩm giá rẻ từ các tác giả?
“Thế mạnh” của chúng tôi, nếu có thể nói vậy, chính là mối quan hệ hữu hảo với các nghệ sĩ từ trước khi Manzi ra đời, nên khi “xin xỏ” này kia, họ thường ủng hộ. Họ đã tìm cách “rút gọn” kích thước, chất liệu, đặc biệt giá cả tác phẩm để vừa “đôi giày” nhỏ nhắn mà Art for you đang mang. Nhiều người nói thẳng với tôi, họ muốn mượn Manzi để ủng hộ cho nghệ thuật đương đại và người “tiêu dùng” Việt Nam, nghĩa là Manzi chỉ là “trạm trung chuyển”.
Những không gian như Manzi hay Art for you còn hướng đến việc khích lệ sáng tạo, trưng bày của các nghệ sĩ mới xuất hiện. Dần dà qua năm tháng, khi có tên tuổi rồi, nhiều người sẽ quay trở lại khích lệ lớp nghệ sĩ mới hơn, thế là chúng tôi lại có tác phẩm giá hợp lý. Đây cũng là lý do vì sao Art for you có “phổ giá” từ 200 ngàn đồng đến gần 20 triệu đồng/tác phẩm, những tên tuổi đã định hình, dù giảm giá rất nhiều, thì cũng không thể có giá “quá không hợp lý” được.
Khi đã làm được một hai lần, nhiều nghệ sĩ cũng chủ động gởi tác phẩm đến, vì họ nghĩ đây là việc chung. Với lần vừa diễn ra tại TP.HCM, dù xác định làm thăm dò ở địa bàn mới, lỗ một chút cũng không sao, thế nhưng cũng có hơn 90 nghệ sĩ và hơn 400 tác phẩm được trưng bày.
Khi làm Manzi chị sợ điều gì nhất?
Có vài lo lắng và một nỗi sợ, đó là sợ nhiều người nghĩ chúng tôi đang “rửa tiền”, chứ vì lý do gì mà làm một không gian tốn kém, lại bấp bênh như vậy. Mà bấp bênh thật, đôi khi hết tuần thứ hai mà chưa thấy tiền thuê nhà của tháng kế tiếp ở đâu. Cứ vậy, khi lo xong tiền nhà thì đến tiền nhân viên, tiền thức uống…, ước muốn thì dài lâu, nhưng thực tế thì chúng tôi cứ sống từng tháng. Hơn nữa, chúng tôi cũng thuộc “nhóm ngu” về quản lý và kinh doanh, do chẳng có chuyên môn hay có khiếu về chuyện này. Đến nay Manzi đã tạm cân đối được thu chi, lợi nhuận của Art for you (nếu có), chúng tôi chia ra làm mấy phần, trong đó một phần để hỗ trợ cho các hoạt động của nghệ sĩ mới.
Từ năm 2010 trở về trước chị làm tại Hội đồng Anh (British Council) – nơi có môi trường làm việc khá tốt, lương hướng ổn định, vì sao chị rời bỏ để làm Manzi?
Vì chán, bởi bản thân chưa làm gì lâu đến 10 năm, nên quyết định thay đổi. Mô hình Manzi có được, tôi mang ơn từ chính công việc tại Hội đồng Anh. Năm 2000, khi đi Anh, tôi đã được đến một quán café có cái tên “rất oách”: ICA, nghĩa là Institute of Contemporary Arts (Viện Nghệ thuật đương đại). Chính tại đây, ngồi uống café và quan sát các hoạt động của họ, tôi mở rộng thêm một chiều kích nhận diện về đương đại trong lòng mình. Ôm ấp, rồi ước mơ, 13 năm sau, Manzi ra đời tại Hà Nội.
Với lại, từ nhỏ tôi đã thích nghệ thuật, tính thi vào mỹ thuật nhưng bố tôi (họa sĩ Vũ Gia Ngọc -PV) khuyên không nên thi, sợ tôi không đủ đam mê để đi trọn con đường. Thế là tôi phải đi đường vòng, mà chính những công việc ở Hội đồng Anh lại thành cái nền để mình trắc nghiệm lại đam mê, để tăng quyết định cho một chọn lựa.
Khi nghỉ làm tại Hội đồng Anh, tôi không cho bố mẹ biết, nhưng rồi ông bà cũng biết, thật ngạc nhiên, ông bà lại rất ủng hộ tôi làm Manzi. Chồng tôi cũng ủng hộ, anh ấy nói trong gia đình có một người làm được điều mình thích là quý rồi. Anh ấy cũng có đam mê riêng của mình, nhưng tạm thời “nhường đường” cho tôi đi trước.
Ước mơ của Manzi hiện nay là gì?
Khó khăn của chúng tôi là làm sao vừa duy trì được không gian, nhưng cũng duy trì được chất lượng và sự an toàn trong các hoạt động. Nếu quá thỏa hiệp thì Manzi chỉ còn cái xác vô hồn, nếu quá phiêu lưu thì Manzi có thể không còn cả địa điểm để hoạt động. Nước mình chưa có cơ chế hợp lý cho các mô hình nghệ thuật độc lập, nên cả đôi bên đều phải vừa làm vừa thăm dò lẫn nhau. Tôi nghĩ trong tương lai gần, các cơ chế này sẽ hình thành, vì đó là xu thế.
Ước mơ của Manzi là có thể tồn tại một cách tự tại, nuôi được những người làm Manzi, và có tiền để thuê thêm một hai nhân sự làm chuyên môn. Hiện nay tôi và Nguyễn Hoàng Long phải làm “không lương” từ A tới Z, dễ chủ động nhưng cũng dễ chủ quan. Đôi khi ngồi café nghĩ lại, chính tôi cũng tự hỏi không hiểu nhờ đâu mà Manzi tồn tại đến bây giờ. Có lẽ do ước muốn kế nghiệp tinh thần “man di hiện đại”, để từ đó đi đến “manzi đương đại” chăng?
Nghệ thuật giá hợp lý
Art for you (Nghệ thuật giá hợp lý) tổ chức tại Hà Nội tháng 12/2014 và tháng 5/2015, và tại TP.HCM tháng 11/2015, cả ba lần đều thành công, theo nghĩa tạo được dư luận tốt và bán được tác phẩm giá hợp lý. Manzi và Work Room Four dự tính mỗi năm sẽ làm 2-3 lần Art for you, không chỉ ở Hà Nội, TP.HCM, mà còn mang đến những thành phố khác. |
Hiền Hòa (Phụ Nữ Ngày Nay)