Du lịch dịp Tết được nhiều người xem là “thất sách”, “bất đắc dĩ” bởi du khách luôn phải chịu cảnh chen lấn, giá cả tăng cao…
Du lịch dịp Tết được nhiều người xem là “thất sách”, “bất đắc dĩ” bởi du khách luôn phải chịu cảnh chen lấn, giá cả tăng cao… Dưới đây là những kinh nghiệm bỏ túi cực kỳ cần thiết cho các bạn đang chuẩn bị lên kế hoạch đi du lịch vào thời điểm Tết.
Nếu sợ các địa điểm quen thuộc trong nước như Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, Đà Lạt… quá đông đúc, hãy chọn những địa điểm du lịch có thời tiết, thắng cảnh tương tự nhưng ít đông đúc hơn, cũng là cơ hội có thêm một trải nghiệm mới cho mình, như Buôn Mê Thuột, Phú Yên, Ninh Thuận…
Nếu đi nước ngoài, đa phần du khách sẽ chọn phương án đăng kí đi theo tour. Tour đi các nước khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia… đang rất thu hút du khách Việt Nam vì thủ tục đơn giản (không cần visa), phù hợp cho kì nghỉ không quá 10 ngày.
Bạn cần lưu ý chuẩn bị hộ chiếu còn trong thời gian sử dụng. Nhớ đổi tiền trước khi đi du lịch.
Chỉ nên đổi một lượng vừa đủ tiêu dùng, khi thiếu bạn có thể đổi thêm tại các điểm đổi tiền ở đất nước bạn ghé thăm. Nếu đổi thừa, khi về đến Việt Nam bạn sẽ phải đổi ngược trở lại và dễ dàng chịu lỗ do phần chênh lệch tỉ giá.
Bạn cũng nên mua sắm ở cửa hàng có giấy phép hoặc logo “Certified Shop” để đảm bảo được phục vụ một cách tốt nhất.
Đặt phòng trong dịp Tết
Dịp lễ Tết là “mùa làm ăn” của các khách sạn nên sẽ không tránh khỏi tình trạng “cháy phòng”. Do đó, bạn nên có kế hoạch du lịch cho mình từ sớm để thực hiện chọn địa điểm và đặt phòng sớm trước ngày đi 1 đến 2 tháng.
Lên kế hoạch sớm giúp bạn có đủ thời gian sắp xếp công việc cũng như chuẩn bị kĩ càng cho chuyến du lịch.
Lưu ý khi đặt phòng:
– Đặt trực tiếp với khách sạn: Đặt phòng qua gọi điện hoặc điền vào mẫu đăng kí đặt phòng của khách sạn là phương án đơn giản nhất.
Tuy nhiên, đa số khách sạn sẽ yêu cầu chúng ta phải đặt cọc hoặc thanh toán trước để đảm bảo giữ chỗ, nhất là trong những dịp lễ Tết.
– Trước khi đặt phòng, hãy tham khảo giá cả, tình trạng phòng của khách sạn từ những người đi trước để tránh bị đội giá phòng hoặc điều kiện phòng không tốt.
– Nếu bị hét giá “trên trời” vì lí do “cháy phòng”, hãy thử gọi điện cho các hãng đặt phòng online. Họ sẽ tư vấn giá phòng phù hợp hoặc có thể gọi điện trực tiếp tới khách sạn để tìm phòng cho bạn trong trường hợp trên website hay tiếp tân báo hết phòng.
– Hãy nên cân nhắc chọn khách sạn ở xa trung tâm. Có thể bạn sẽ hơi gặp khó khăn và mất thêm chi phí cho việc di chuyển vô trung tâm khi có nhu cầu nhưng bạn sẽ tránh được tình trạng chen chúc, tận hưởng sự yên tĩnh của vùng ngoại ô và chi phí ăn uống sẽ rẻ hơn.
Mang gì khi đi du lịch?
Khi đi du lịch, hành lý càng gọn nhẹ sẽ càng thuận tiện cho bạn trong suốt cuộc vui chơi.
Một số lưu ý giúp bạn sắp xếp hành lý:
– Chọn trang phục tùy theo địa điểm sẽ tới, điều kiện nhiệt độ thời tiết tại địa phương. Nên mang theo quần áo ít nhăn.
– Sắp đồ bằng phương pháp cuộn tròn quần áo. Cách cuộn tròn đồ không chỉ giảm diện tích, bảo quản các chai lọ dễ vỡ như lọ nước hoa bằng cách cuộn chúng với đồ, mà còn hạn chế nhăn đồ hơn phương pháp gấp quần áo.
– Sử dụng chai nhựa dành cho du lịch – những chai nhỏ khoảng 100ml có nắp kín, tiện lợi để đựng sữa tắm, dầu gội mang từ nhà đi.
– Tận dụng hộp đựng kính, hộp nhỏ có sẵn để đựng các đồ dùng cần thiết như sạc điện thoại, tai nghe, cáp và đầu đọc thẻ của máy chụp hình…
Phương pháp này vừa bảo quản được đồ dùng, vừa tận dụng các khoảng trống trong vali giúp hành lí của bạn gọn gàng hơn.
– Để tránh tình trạng nước hoa hồng, nước rửa tay, sữa dưỡng da… bị chảy ra trong quá trình di chuyển, có thể bịt các chai lọ này trước bằng màng bọc thức ăn rồi hãy đóng nắp lại.
– Hành lý, vali nên có khóa và có ghi thông tin cá nhân (tên, số điện thoại liên hệ) để tránh trường hợp thất lạc.
– Các loại giấy tờ tùy thân, thẻ thanh toán các loại, điện thoại di động, máy chụp hình… nên sắp xếp ở nơi an toàn nhưng vẫn tiện lợi cho việc lấy ra sử dụng.
– Mang theo một số loại thuốc thông thường: đau đầu, tiêu chảy, chống say xe, kem chống nắng, kem chống muỗi, và thuốc đặc trị y tế của mình (nếu có)… để phòng ngừa một số tình huống không mong muốn có thể xảy ra.
Ăn uống, ẩm thực
Một trong những mục tiêu đi du lịch chính là thưởng thức ẩm thực tại địa phương. Để có một trải nghiệm hoàn hảo, đừng quên:
– Tìm hiểu các đặc sản của địa phương và đảm bảo mình không bị dị ứng với thành phần nào trong đó trước khi có ý định thưởng thức.
Tham khảo trước các địa điểm ăn uống, uy tín cũng như giá cả để tránh bị tình trạng nhận mức giá dành riêng cho khách du lịch.
– Dù đã biết trước giá cả hoặc có bảng ghi giá, cũng nên hỏi giá trước khi gọi món. Cực kì cảnh giác với các món tính tiền theo khối lượng như khi ăn hải sản, nếu không muốn bị bất ngờ khi nhận hóa đơn. Đôi khi họ sẽ lí giải là mới lên giá, bảng giá cũ…
– Nếu mua đồ ăn, nhất là những hàng bán rong thì lên chọn cẩn thận, tránh đồ quá hạn sử dụng hoặc để quá lâu… Tốt nhất nên tránh các món ăn lạ nếu bạn chưa biết thông tin gì về món này trước đó.
Kiểm soát tài chính
Tham khảo giá cả để có một bảng dự trù kinh phí, đảm bảo mọi khoản chi tiêu đều nằm trong ngân sách dự định dành cho chuyến du lịch.
Nên nhớ, chi phí không chỉ bao gồm đi lại, ăn ở mà còn gồm chi phí mua sắm cho bản thân, gia đình, quà tặng mang về…
Nên lên trước danh sách dự định mua sắm và ấn định một con số để quản lý túi tiền, tránh tình trạng thích gì cũng mua hoặc không biết phải/nên mua cái gì.
Dù đi du lịch ở bất cứ đâu, bạn cũng nên lưu ý:
– Tìm hiểu kĩ nhiệt độ, thời tiết vào thời điểm mình sẽ đi du lịch tại địa phương đó. Điều này sẽ giúp bạn biết mang theo trang phục gì cho phù hợp.
– Nếu dễ bị say tàu xe: nên ăn trước khi lên tàu, xe khoảng 2h; mang theo máy nghe nhạc, trò chơi trí tuệ (rubik), đồ ăn vặt… để tiêu khiển, giúp bạn quên đi cảm giác say tàu xe; uống thuốc chống say tàu xe hoặc chuẩn bị miếng dán say tàu xe nếu cần.
– Nghiên cứu tình hình thực tế tại nơi sẽ tới: vấn đề an ninh chính trị, các đợt khuyến mãi, ngày lễ hội…
– Lên danh sách những điểm sẽ ghé thăm. Việc tìm hiểu và quyết định những điểm đến giúp bạn có hình dung rõ ràng hơn lịch trình của mình, chủ động hơn trong mọi tình huống có thể xảy ra.
– Vào dịp Tết, thời điểm đông khách nhất là sau ngày mùng 2 vì đa phần mọi người sẽ ở nhà làm các nghi lễ cúng Tết, thăm gia đình, bạn bè trước đó.
Do đó, nếu có thể sắp xếp đi du lịch sớm hơn hoặc sát với những ngày cuối của đợt nghỉ Tết sẽ giúp bạn tránh tình trạnh phải “cạnh tranh” với các du khách khác.
Theo Gia Đình Việt Nam